Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, châu Á vẫn là khu vực chính đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu lục này sẽ chậm lại trong năm 2011 và các năm tiếp theo.

Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, châu Á cũng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ không kém nghiêm trọng như triển vọng tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu chủ yếu thấp, lạm phát tăng cao và hậu quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Mạng phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế (Anh) vừa cho biết, năm 2010, kinh tế của châu Á (không tính Nhật Bản) tăng trưởng khoảng 8,1%. Tuy nhiên, bản báo cáo trên cũng cho rằng, năm 2011 và những năm tiếp theo, tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ quay về mô hình trước khủng hoảng. Hai nền kinh tế đang nổi là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có tốc độ tăng trưởng trên 8% so với mức dưới 5% của các nền kinh tế còn lại trong khu vực. Việc tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại về mức "bình thường", theo EIU, là một tín hiệu mừng.

Có nhiều yếu tố để có thể cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế của châu Á trong giai đoạn 2011 – 2015 là bền vững hơn; trong đó đặc biệt là tiêu dùng cá nhân sẽ tăng lên, bù đắp cho lĩnh vực xuất khẩu vẫn còn yếu và trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của châu Á. EIU dự báo, tiêu dùng cá nhân của khu vực châu Á trong giai đoạn 2011 – 2015 sẽ tăng 6,3%, cao hơn mức 5,2% của giai đoạn 2002 – 2006 trước khủng hoảng. Bên cạnh đó, các yếu tố như thất nghiệp, nợ cá nhân thấp trong khi lòng tin của người tiêu dùng cao cũng sẽ giúp kinh tế châu Á tăng trưởng bền vững.

Mặc dù có những yếu tố thuận lợi trên, nhưng kinh tế chấu Á cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Trong ngắn hạn, nguy cơ rõ nhất là triển vọng không rõ ràng của nền kinh tế thế giới và khả năng xảy ra suy thoái kép. Châu Á đã thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng cũng cần nhớ lại rằng, khu vực này đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng khi nhu cầu quốc tế giảm mạnh.

Một nguy cơ khác là những tác động của chính sách tiền tệ đặc biệt nới lỏng. Mặc dù các nước đang thắt chặt chính sách tiền tệ trong những tháng gần đây, nhưng lãi suất của khu vực này vẫn tương đối thấp so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực. Do đó, có những lo ngại thực sự rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng của khu vực cùng với việc nới lỏng tiền tệ của Mỹ có thể dẫn đến nguy cơ hình thành bong bóng giá tài sản trên các thị trường chứng khoán và bất động sản của châu Á. Chính sách tiền tệ nới lỏng cũng kích thích lạm phát.

Vì thế, bên cạnh những tín hiệu kinh tế khả quan, theo nhận định của các chuyên gia, vẫn đang có những nguy cơ rình rập đối với khu vực này.

Minh Thanh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *