Cuộc chiến ở Libya đang bước vào giai đoạn bước ngoặt. Ảnh minh họa

Cuộc chiến ở Libya đang đi vào giai đoạn bước ngoặt khi phe đối lập chiếm được đại bản doanh của nhà lãnh đạo Kaddafi ở thủ đô Tripoli. Lợi thế đó sẽ tạo đà để phe đối lập xây dựng một chính phủ mới ở đất nước Bắc Phi này. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây ở Libya đang cho thấy, tình hình sẽ không dễ dàng và chưa hết thách thức. Đặc biệt, việc xây dựng lại đất nước Libya đã bị tổn thương nhiều sau cuộc chiến vẫn là một nhiệm vụ đầy khó khăn.

Mọi người đều dễ dàng nhận ra rằng, cuộc chiến ở Libya đang đi đến hồi kết và có một điều chắc chắn là cho dù nó kết thúc theo hướng nào chăng nữa thì Libya vẫn có nguy cơ đối mặt với một thời kỳ hỗn loạn hơn.

Theo các nhà phân tích, mặc dù Hội đồng chuyển tiếp quốc gia NTC của phe đối lập muốn có một tiến trình chuyển giao chính trị êm ả với việc lập ra chính quyền hợp hiến, tổ chức bầu cử do Liên hiệp quốc giám sát… nhưng ở quốc gia đầy rẫy vấn đề phe phái và sắc tộc như Libya, việc bầu ra một chính phủ mới sẽ là trở ngại không dễ vượt qua. Thêm vào đó, cuộc chiến tại đây đã làm cho hàng ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản ra nước ngoài. Điều đó cho thấy, sự chia rẽ trong các phe phái và cộng đồng người Libya đã đạt đến mức cao khó có thể hàn gắn trong một sớm, một chiều.

Không những thế, cuộc nội chiến kéo dài gần 6 tháng qua không những đã phá hủy cơ sở hạ tầng mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu nhập chính của nước này là dầu mỏ. Ước tính, Libya có thể mất doanh thu khoảng 118 tỉ USD từ dầu hỏa trong vòng ba năm tới. Nhiều người còn lo ngại, một cuộc đấu đá chính trị trong tương lai sẽ khiến cho môi trường kinh doanh ở Libya khó có thể sớm trở lại như thời kỳ trước chiến tranh.

Ngoài ra, khi cuộc chiến tại Libya kết thúc thì có thể sẽ có những thay đổi trong khu vực về tình hình chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế. Không loại trừ khả năng các nước phương Tây sẽ can thiệp để ổn định tình hình Libya sau khi kết thúc sứ mệnh quân sự tại quốc gia này.

Trước những khó khăn chồng chất vừa nêu, Liên hiệp quốc và các nước khác có thể sẽ buộc phải tăng cường viện trợ kinh tế, gửi chuyên gia và lực lượng gìn giữ hòa bình đến nước này. Hiện, Liên hiệp quốc đã đồng ý giải ngân 1,5 tỷ USD trong số tài sản phong tỏa của Libya để giúp đáp ứng các nhu cầu nhân đạo cũng như ổn định đất nước.

Phải thừa nhận một điều, cho đến nay, chưa ai nghĩ rằng, chế độ mới ở Libya hậu Kaddafi sẽ sớm sắp xếp được tình hình. Bởi theo các nhà phân tích, ngay từ khi nổ ra cuộc chiến người ta chưa thấy được một gương mặt nào có đủ khả năng lãnh đạo đất nước vốn đầy rẫy mâu thuẫn xã hội và ngay trong nội bộ NTC. Nhìn ra các quốc gia cùng trong khu vực như Ai Cập hay Tunisia với những diễn biến thời gian qua, dư luận khó mà lạc quan mong đợi một tình hình sớm ổn định ở Libya.

Minh Thái (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *