Các mũi vắc xin đầu đời không chỉ bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh mà còn tránh tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm ngày càng phổ biến, khiến bệnh kéo dài, gặp nhiều biến chứng khó hồi phục, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Các loại vắc xin quan trọng đầu đời trẻ không thể bỏ qua” tối 8/12 vừa qua, các bác sĩ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc xin đầu đời, đặc biệt trong giai đoạn trẻ từ 0-12 tháng tuổi và đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích.

Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long kết hợp cùng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành: TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh; BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Độc giả quan tâm, xem lại chương trình tại đây

Chương trình tư vấn “Các loại vắc xin quan trọng đầu đời trẻ không thể bỏ qua”

Mở đầu chương trình, TS.BS Nguyễn An Nghĩa lý giải nguyên nhân trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ mắc bệnh truyền nhiễm bởi hệ miễn dịch còn non nớt. Đặc biệt, có một thói quen rất phổ biến của người Việt làm tăng nguy cơ lây bệnh cho trẻ là ôm hôn và cưng nựng trẻ.

Đến giai đoạn 9 – 12 tháng tuổi, trẻ bắt đầu tò mò, khám phá môi trường, tay cầm đồ vật và ngậm vào miệng sẽ dễ khiến vi rút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Trên 12 tháng, trẻ bắt đầu đi nhà trẻ, tiếp xúc với nhiều bạn khác cũng là nguyên nhân tăng lây nhiễm bệnh.

“Trong nửa năm nay, khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều đợt dịch trẻ mắc tay chân miệng, có nhiều trường hợp diễn tiến nặng, biến chứng nghiêm trọng. Đồng thời, tỷ lệ bệnh nhi mắc bệnh hô hấp cũng tăng cao trong 2 tuần qua. Thời điểm cuối năm, mùa đông xuân khí hậu thất thường, các bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm phổi, sởi, thủy đậu, tiêu chảy do Rotavirus… dự báo sẽ tăng cao, các phụ huynh cần chủ động chủng ngừa cho trẻ và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh”, bác sĩ An Nghĩa lưu ý.

Tại chương trình, các chuyên gia đã nêu nhiều bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hô hấp và tiêu hóa của trẻ trong những năm đầu đời.

Nhóm bệnh về thần kinh gồm viêm não, viêm màng não, áp xe não, viêm não tự miễn… chủ yếu do các loại vi rút, vi khuẩn gây ra. Trong đó vi rút thường gặp là cúm, herpes simplex, vi rút viêm não Nhật Bản, vi rút bại liệt (Poliovirus), vi rút thủy đậu (Varicella zoster)…; vi khuẩn thường gặp là phế cầu khuẩn, não mô cầu khuẩn, vi khuẩn Hib…

Nhóm bệnh hô hấp gồm có cúm, viêm phổi, ho gà, sởi, bạch hầu… Trong đó, trẻ mắc ho gà có thể tử vong do các biến chứng viêm phổi, viêm não. Bệnh lây lan mạnh khi một người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người tiếp xúc. 90% người tiếp xúc với người mắc có thể bị lây. Vừa qua, Hà Nội cũng ghi nhận một bệnh nhi 6 tuần tuổi mắc ho gà.

Cúm có thể tự khỏi song cũng có thể biến chứng ở người mắc bệnh mạn tính hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các biến chứng gồm viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi, viêm phổi do phế cầu chiếm tỷ lệ khoảng 40-60% ca mắc viêm phổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ dễ gặp các biến chứng, suy hô hấp, điều trị kéo dài và khó khăn do phế cầu có đặc tính kháng kháng sinh mạnh.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa tư vấn về cách phòng các bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ

Trước thắc mắc của một số phụ huynh là “viêm phổi do phế cầu khác gì với viêm phổi do cúm”, bác sĩ An Nghĩa lý giải phế cầu và cúm là hai tác nhân khác nhau nhưng có mối liên quan với nhau. “Một số bằng chứng cho thấy khi nhiễm cúm thì phế cầu cũng dễ tấn công hơn và ngược lại. Khi nhiễm cúm, niêm mạc đường hô hấp thường bị tổn thương, “mở đường” thuận lợi cho vi khuẩn phế cầu trú ở vùng hầu họng xâm nhập cơ thể gây bệnh”, bác sĩ An Nghĩa phân tích.

Nhóm bệnh dễ mắc thứ 3 là bệnh về đường tiêu hóa, tiêu biểu nhất là tiêu chảy cấp do Rotavirus. Bác sĩ Bùi Thanh Phong cho biết theo thống kê cứ 2 trẻ nhập viện do tiêu chảy thì có một trẻ nhiễm tác nhân này. Bệnh có đặc điểm gây tiêu chảy, mất nước, khó bù nước, có thể dẫn đến trụy mạch tử vong.

Một điều may mắn là hiện phần lớn các tác nhân đã có vắc xin phòng ngừa, phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm đầy đủ. Bác sĩ Bùi Thanh Phong cho biết mỗi loại vắc xin được sản xuất có lịch tiêm, hiệu quả tạo miễn dịch khác nhau, có thể mũi đầu tiên chưa tạo được đủ kháng thể chống lại bệnh. Vì vậy, một số vắc xin cần tiêm nhiều mũi, ở nhiều thời điểm khác nhau.

Trẻ sơ sinh sau khi chào đời cần tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh và lao trong 24 giờ đầu tiên. Hai mũi tiêm này đặc biệt quan trọng, tránh lây truyền vi rút từ mẹ sang con và phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh từ các nguồn khác.

Ở mốc 6 tuần tuổi (1,5 tháng) trẻ cần được chủng ngừa các bệnh bại liệt, ho gà, uốn ván, bạch hầu, vi khuẩn Hib, viêm gan B, phế cầu, tiêu chảy do Rotavius… Trong đó, vắc xin 6 trong 1 có thể phòng cùng lúc 6 bệnh trong 1 mũi tiêm gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B. Phụ huynh nên tiêm đủ phác đồ 3 mũi vắc xin 6 trong 1 và phế cầu khuẩn trong 6 tháng đầu để bảo vệ trẻ. Mũi tiêm 6 trong 1 thứ 4 (tiêm nhắc lại) nên hoàn thành lúc trẻ 16-18 tháng. Với vaccine Rotavirus, trẻ cần hoàn thành phác đồ trước 8 tháng tuổi.

BS Bùi Thanh Phong tư vấn về các loại vắc xin quan trọng đầu đời

Vào 6 tháng tuổi, trẻ không còn kháng thể được mẹ truyền sang, trong khi miễn dịch tự nhiên của cơ thể chưa hoàn thiện. Do đó, các mũi tiêm khi 6 tháng tuổi rất quan trọng với các mũi ngừa cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu B, C.

Từ 9 tháng tuổi, trẻ cần tiêm tối thiểu 5 loại vắc xin gồm sởi, sởi – quai bị – rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu tuýp A, C, Y, W-135 và các mũi vắc xin nhắc lại. Trong đó, vắc xin ngừa sởi – quai bị – rubella, thủy đậu và não mô cầu đều có phác đồ 2 mũi tiêm, hiệu quả từ 95% trở lên khi được tiêm sớm.

Trẻ em từ 12 tháng cần được tiêm bổ sung tối thiểu 6 loại vắc xin trong đó có những loại rất quan trọng như thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, sởi-quai bị-rubella…

Trong bối cảnh nhiều địa phương đang cạn kiệt nhiều vắc xin quan trọng cho trẻ em và người lớn, Hệ thống gần 150 trung tâm tiêm chủng VNVC trên cả nước đang có hơn 40 loại vắc xin, phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và người lớn, bao gồm cả các vắc xin có cùng công năng với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng như lao, viêm gan B, 5 trong 1, 6 trong 1, sởi, viêm não Nhật Bản…

Hiện, VNVC đem áp dụng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt hỗ trợ tiêm vắc xin trước – trả chi phí sau, không lo lãi suất. Ngoài ra, trẻ khi đến tiêm chủng VNVC sẽ được khám sàng lọc miễn phí, hệ thống nhắc lịch tiêm qua tin nhắn điện thoại hoặc Mobile App VNVC hỗ trợ phụ huynh tiêm đúng và đủ phác đồ cho bé…

Để được tư vấn và đặt lịch tiêm, bạn có thể liên hệ đến hotline hoặc đến trực tiếp các trung tâm VNVC trên toàn quốc.

Nhật Linh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *