Nhiều bệnh lý di truyền, nội tiết, rối loạn chuyển hóa là nguyên nhân khiến trẻ thấp còi, không phát triển chiều cao tối ưu.

Phát triển chiều cao là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh. Nhằm giúp nhiều gia đình hiểu về các kiến thức, thông tin hướng dẫn giúp tăng chiều cao an toàn cho trẻ, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến: “Tăng chiều cao ở trẻ – Phát hiện và điều trị bệnh lý nội tiết, di truyền trẻ em” vào tối ngày 27/06/2023 vừa qua.

Mở đầu chương trình, BS.CKII Dương Thùy Nga – Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ một số yếu tố ảnh hưởng tới khả năng phát triển chiều cao bao gồm nhóm tác nhân không thể tác động được (di truyền, giới tính) và nhóm tác nhân có thể điều chỉnh được (dinh dưỡng, vận động, nội tiết tố, chất lượng giấc ngủ, tỷ trọng cơ thể và môi trường sống).

Bác sĩ Thùy Nga cho biết sai lầm nhiều phụ huynh thường gặp trong vấn đề bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là quá đề cao vai trò của canxi, magie, kẽm, vitamin D… Tuy nhiên, để tăng trưởng chiều cao, trẻ cần phải được cung cấp đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng chính như tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cơ bản.

Bác sĩ Thùy Nga chia sẻ các yếu tố quyết định tăng trưởng chiều cao của trẻ

Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, thói quen ngủ cũng có tác động tới khả năng tăng chiều cao ở trẻ. Hormone tăng trưởng (GH) tiết ra mạnh mẽ trong khi ngủ, do đó trẻ cần được ngủ đủ và ngủ sâu. Nên cho trẻ ngủ trước 9 giờ tối, hạn chế xem các thiết bị điện tử, tránh để trẻ ăn quá no trước khi ngủ.

Các chuyên gia khuyến khích trẻ vận động thường xuyên, đều đặn tối thiểu 60 phút/ngày đảm bảo quá trình tiết GH ổn định, hỗ trợ tăng chiều cao hiệu quả. Ngoài ra, các vấn đề về rối loạn chuyển hóa, cụ thể là tình trạng béo phì thừa cân cũng khiến trẻ dễ bị ốm, hạn chế phát triển chiều cao và quá trình tăng cao trong tuổi dậy thì không bằng các bạn bè cùng lứa tuổi.

BS Hoàng Thị Diễm Thúy – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh tình trạng béo phì, dậy thì sớm là một bệnh lý nguy hiểm, đe dọa phát triển chiều cao cuối cùng của trẻ. Tăng chiều cao đột ngột >10cm/năm là dấu hiệu dễ quan sát được khi trẻ dậy thì sớm. Ngoài ra có một số biểu hiện kín đáo, khó phát hiện khác như: sự phát triển tuyến vú trước 8 tuổi ở trẻ gái, phát triển tinh hoàn trước 9 tuổi ở trẻ trai, vùng kín xuất hiện lông mu, lông nách, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, tăng tiết mùi cơ thể, có kinh nguyệt ở bé gái…

Kéo dài thời gian dậy thì và đảm bảo chiều cao cuối cùng là mục tiêu khi điều trị dậy thì sớm. Đối với trẻ dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị điều chỉnh thói quen sống, dùng thuốc, tiêm hormone. Việc điều trị phải cá thể hóa theo từng trường hợp, theo độ tuổi cũng như dự đoán chiều cao khi trẻ trưởng thành.

BS Lương Thị Thu Hiền – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đặc biệt nhấn mạnh không phải mọi trường hợp dậy thì sớm cũng cần điều trị nội tiết. Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh tự ý sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thể gây rối loạn tâm sinh lý, “khóa” chiều cao cuối cùng của trẻ.

Bác sĩ Thu Hiền khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý sử dụng thực phẩm chức năng cho trẻ

Một khán giả đặt câu hỏi cho chương trình, mong muốn được tư vấn về các phương pháp phát hiện sớm các rối loạn chuyển hóa có thể ảnh hưởng tới khả năng phát triển chiều cao trong tương lai của trẻ. BS Thu Hiền cho biết, hiện nay các bệnh lý chuyển hóa nội tiết có thể phát hiện từ sớm, ở giai đoạn sơ sinh thông qua sàng lọc máu gót chân. Phương pháp này giúp phát hiện và điều trị sớm các bất thường, giảm nguy cơ phát triển khuyết tật về trí tuệ hoặc phát triển thể chất.

Chia sẻ thêm về các bệnh lý ảnh hưởng chiều cao của trẻ, bác sĩ Thu Hiền cho biết trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh lý mạn tính và các bệnh lý di truyền bẩm sinh. Trong đó, nhóm bệnh mạn tính bẩm sinh bao gồm thận, tim mạch, gan, mật…; nhóm bệnh di truyền bẩm sinh gồm những bệnh do bất thường nhiễm sắc thể như Down, Turner…, bệnh do rối loạn nội tiết hormone như rối loạn tuyến yên hoặc tuyến giáp, hormone sinh dục.

Để đảm bảo chiều cao của trẻ, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên kiểm soát dinh dưỡng, vận động, sàng lọc bệnh lý và xây dựng môi trường lành mạnh. Trẻ nên được theo dõi chỉ số phát triển thường xuyên 3 tháng/lần và đối chiếu theo bảng đánh giá chiều cao cân nặng chuẩn WHO.

                                                                                                                                                                   Khuê Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *