Bên bờ hạnh phúc

+ NSND Út Trà Ôn. Ông tên thật là Nguyễn Thành Út, quê quán ở Trà Ôn và ông đã chọn tên của quê hương đặt cho nghệ danh của mình. NSND Út Trà Ôn sinh năm 1919, mất năm 2001. Ông là người nổi tiếng bậc nhất ở sân khấu cải lương, đặc biệt là khi thể hiện bài vọng cổ. Giới báo chí Sài Gòn trước năm 1975 đã phong tặng ông danh hiệu “Vua vọng cổ”, ý chỉ ông là người hát bài vọng cổ hay nhất. Thật vậy, từ khi bài Dạ cổ hoài lang ra đời, khoảng năm 1918 cho đến khi phát triển thành bài vọng cổ như hiện nay, chúng ta công tâm mà nói rằng vẫn chưa có người thay thế được NSND Út Trà Ôn trong cách thể hiện. Ông đã để lại cho đời nhiều vai diễn như ông Cò trong vở Tuyệt tình ca, chú Ba trong vở Tần Nương Thất… và những bài ca vọng cổ nổi tiếng như Tôn Tẩn giả điên, Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò…

+ Nghệ sĩ Thanh Tùng hay còn gọi là cô Tư Thanh Tùng, tên thật là Lê Thị Thanh, sinh năm 1916 tại Thiềng Đức, mất năm 1989. Nghệ sĩ Thanh Tùng là một trong những nghệ sĩ tiền phong của sân khấu cải lương. Cô đã hát qua nhiều sân khấu đại ban của thời ấy với cương vị đào chánh và đã lập gánh hát riêng mang tên của mình. Vai diễn Điêu Thuyền trong vở cải lương Phụng Nghi Đình của cô cho tới ngày nay vẫn được nhiều người khen ngợi.

+ NSƯT Thanh Loan. Bà tên thật là Nguyễn Thị Ba, quê quán ở Vũng Liêm, sinh năm 1917, mất năm 1982. Là một nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu cải lương Sài Gòn thập niên 40 – 50, sớm giác ngộ cách mạng nên năm 1961 đã được lịnh rút ra vùng giải phóng, sau đó ra Bắc học tập, nghiên cứu, dàn dựng rồi trở lại chiến trường miền Nam. Sau 1975, bà đã tham gia đào tạo nhiều thế hệ diễn viên của sân khấu cải lương. NSƯT Thanh Loan từng nổi tiếng trong các vở : Hồn bướm mơ tiên, Vó ngựa truy phong…

+ NSƯT Thanh Hương là em ruột của NSƯT Thanh Loan. Bà tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh năm 1923, mất năm 1985, quê quán cũng ở Vũng Liêm. Theo nghề của chị, NSƯT Thanh Hương bước vào sân khấu cải lương chẳng bao lâu thì thoát ly đi theo cách mạng và tập kết ra Bắc theo Đoàn cải lương Nam bộ. Tại miền Bắc, cô đã được học tập về nghề nghiệp và đã gây ấn tượng tốt với đồng bào ở đây qua vai diễn Trần Quốc Toản trong vở diễn cùng tên. Sau khi giải phóng miền Nam, NSƯT Thanh Hương về TPHCM tham gia giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II cho đến khi qua đời.

NSƯT Lệ Thủy

+ NSƯT Lệ Thủy được người trong giới phong tặng danh hiệu Giọng ca vượt thời gian. Chị tên thật là Trần Thị Lệ Thủy, sinh năm 1948 tại Bình Hưng. Vào nghề rất sớm và đạt vinh quang cũng rất sớm. Năm 16 tuổi (1964), Lệ Thủy đã đạt giải Thanh Tâm dành cho nghệ sĩ trẻ triển vọng. Từ đó đến nay, NSƯT Lệ Thủy không ngừng trau dồi nghề nghiệp và chiếm nhiều tình cảm của khán giả. Có thể nói, với số tuổi như hiện tại, chị vẫn giữ được cái “duyên” sân khấu là điều xưa nay khá hiếm. Những vai diễn của Lệ Thủy trong các vở Cây sầu riêng trổ bông, Tô Ánh Nguyệt, Áo cưới trước cổng chùa, Cây sầu đâu sinh đôi… được đông đảo khán giả nhắc nhớ.

Bên cạnh những nghệ sĩ tên tuổi mà chúng ta vừa nêu mang tính chất tiêu biểu cho một vùng đất Vĩnh Long còn có nhiều nghệ sĩ đang gây ấn tượng cho khán giả hiện nay như NSƯT Hoàng Long,
nghệ sĩ Dương Thanh, Kim Tiểu Long, Hương Thủy… Họ đang dần thay thế vị trí của các bậc nghệ sĩ cha anh mình trên sân khấu cải lương, đang từng ngày, từng giờ đem tiếng hát lời ca của mình để nâng cao bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.

Sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến mảng hoạt động sân khấu trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đó là Đoàn Văn công Vĩnh Long. Được thành lập từ năm 1961 tại Hòa Tân (Châu Thành), suốt trong chặng đường dài phục vụ đồng bào và chiến sĩ, Đoàn Văn công Vĩnh Long đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Đã có biết bao nghệ sĩ cách mạng đã đem tiếng hát lời ca để át tiếng bom đạn của kẻ thù, cho dù cái chết đang chực chờ với họ. Đó là những nghệ sĩ đạp trên đầu thù mà đi hun đúc tinh thần các chiến sĩ nhằm thẳng quân thù mà đánh.

Sau năm 1975, khi hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long sát nhập, hai đoàn văn công Ánh Hồng và Vĩnh Long cùng hợp nhất lại thành Đoàn cải lương Cửu Long. Từ khi thành lập đến giữa năm 1992, Đoàn cải lương Cửu Long không ngừng phát huy vai trò chiến sĩ – nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa. Thành tích ấy được đánh giá qua các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980, 1985, 1990. Đã có không ít HCV, HCB tặng cho các nghệ sĩ của Đoàn trong các vở cải lương Ký họa người đồng bằng, Quay về kỷ niệm…

Nếu để đánh giá chung về sân khấu Vĩnh Long, chúng ta không thể bó hẹp hoạt động sân khấu trong tỉnh, mà rộng hơn là Vĩnh Long đã sản sinh ra những tài năng sân khấu cải lương cho cả nước. Có nhận định như thế, chúng ta mới thấy hết những điều mà đất Vĩnh Long đã đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu truyền thống cả nước của hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Tuấn – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *