Bên bờ hạnh phúc

Tỉnh Khánh Hòa lỡ hẹn với cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2009 dù trước đó, đã mất khá nhiều công sức tìm kiếm "cái mác" quốc gia cho cuộc thi này. Nhưng bù lại, Khánh Hoà lại đón nhận thêm một tin vui đầy bất ngờ: Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ thế giới (Miss Universe – MU) vừa gửi lời mời mong muốn Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức cuộc thi này lần thứ 2.

Thông tin này được ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà xác nhận và khẳng định, với kinh nghiệm tổ chức lần đầu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vào năm 2008, Khánh Hoà đủ tiềm lực và điều kiện để tiếp tục, thậm chí sẽ còn tốt hơn lần đầu.

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Cường – Giám đốc Khu du lịch Diamond Bay Resort & Golf Nha Trang cũng đã cho biết, Chủ tịch Tổ chức MU đã gửi thư đề nghị Diamond Bay Nha Trang đăng cai tổ chức cuộc thi này vào năm 2011. Nếu phía Việt Nam chấp thuận, trong tháng 11/2009, MU sẽ cử đại diện đến TP HCM thảo luận với Cty Cổ phần Hoàn Vũ để lên kế hoạch chuẩn bị. Dự kiến, cuộc thi của MU lần thứ 60 tại Việt Nam sẽ được tổ chức quy mô hoành tráng hơn, với sự tham dự của hơn 100 Hoa hậu của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nếu quá trình thảo luận diễn ra một cách thuận lợi, Cty Cổ phần Hoàn Vũ sẽ là đơn vị đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, tại thời điểm "sơ khai" này, bà Diễm Ly, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị – Cty Cổ phần Hoàn Vũ khá dè dặt khi cung cấp thông tin.

Bà Diễm Ly cho biết: "Đúng là chúng tôi đã nhận được lời mời tiếp tục đăng cai tổ chức cuộc thi của MU và mọi việc vẫn mới chỉ dừng lại ở bước đầu. Phải đến đầu tháng 12 thông tin mới có thể công bố một cách chính thức và chắc chắn. Tuy nhiên, chúng tôi coi đây là cơ hội tốt và rất mong muốn nếu cuộc thi tầm cỡ này được tổ chức tại Việt Nam lần nữa".

 


Hoa hậu cũng cần phải "phân công lao động"

Như "kịch bản" năm 2008, khi cuộc thi của MU lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, một cuộc thi trong nước tìm kiếm đại diện, thay vì chọn người từ các danh hiệu ở những cuộc thi khác. Điều này cũng có nghĩa việc giành "miếng bánh" mang hai chữ "quốc gia" sẽ trở nên đầy khó khăn cho những cuộc thi sắc đẹp đã và đang xếp hàng chờ đợi.

Vấn đề đặt ra là, khi có cơ hội tổ chức những cuộc thi quốc tế, chúng ta mới có điều kiện để làm một cuộc chuyên biệt. Tuy nhiên, ở một góc độ khá mới, bà Nguyễn Thuý Nga, Giám đốc Cty Elite cho rằng việc tổ chức một cuộc thi mang tính chất quốc gia quy mô và tốn kém chỉ để chọn ra những danh hiệu chung chung là rất tốn kém và thiếu chuyên nghiệp.

Theo bà Nga, việc chỉ có một cuộc thi được công nhận là quốc gia chắc chắn sẽ "trói chân" các nhà tổ chức và khiến cho cuộc đua của các "ông lớn" thêm khốc liệt hơn mà thôi. Thực ra, những cuộc thi hoa hậu đang có ở Việt Nam so với thế giới chưa thấm vào đâu. Vấn đề "loạn" là do quản lý chưa tốt. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như hiện nay, vẫn có cách để "khéo co thì ấm".

Bà Nga nói: "Nếu chỉ có một cuộc thi quốc gia thì chắc chắn phải do Bộ VHTT-DL "cầm trịch", còn các đơn vị tổ chức sẽ cùng phối hợp thực hiện. Trong cuộc thi này, đã đến lúc chúng ta không nên chọn danh hiệu một cách chung chung mà phải "phân công lao động" ngay từ đầu. Chẳng hạn, danh hiệu cao nhất sẽ thi HH Thế giới, Á hậu 1 sẽ thi HH Hoàn vũ, Á hậu 2 thi HH Quốc tế…

Và để sự chuyên biệt này có hiệu quả, nhất thiết phải có sự phối hợp của các đơn vị giữ bản quyền đưa thí sinh dự thi quốc tế vì họ nắm rất rõ tiêu chí cụ thể của các cuộc thi lớn. Điều này sẽ tiết kiệm được nhiều thứ, không chỉ tiền bạc mà còn thời gian cho thí sinh và tránh được tình trạng "loạn" danh hiệu".

Bà Nga lý giải thêm: Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã tổ chức theo phương án này nên cả người đi thi và người tổ chức đều khá nhàn hạ và có hiệu quả. Việc không phân biệt ngay từ đầu sẽ dẫn đến một tác hại là nhiều thí sinh được chọn để thi Hoa hậu Thế giới hay Hoa hậu Hoàn vũ đều không đúng hoặc rất ít khi đáp ứng được với tiêu chuẩn và tiêu chí đặt ra của cuộc thi. Nhưng "nhà mình" thì cứ hễ có cuộc nào là "nháo nhác" tìm người đẹp, sau đó mới "gò" họ vào tiêu chí cụ thể, rất mất thời gian. Thế nên mới có chuyện, cuộc thi quốc tế nào Việt Nam cũng đến muộn và ít thời gian chuẩn bị, trong khi thế giới họ có cả năm trời để luyện tập. Điều này cũng lý giải một phần vì sao Việt Nam ít khi tạo được dấu ấn về giải tại các cuộc thi ở xứ người.

Nếu như góp ý của đại diện Cty Elite được các cơ quan chức năng "để mắt" thì ở một góc độ nào đó, sẽ hạn chế được sự lộn xộn, những việc làm lấy cuộc thi để kinh doanh tên tuổi và hợp thức hoá những dự án đất như các báo đã nêu.

Theo thethaovanhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *