Bên bờ hạnh phúc

Diễn viên nhận vai diễn có nghĩa là phải tự lo phục trang cho nhân vật. Đây thực sự là một gánh nặng, vì thế, có những người phải mặc một chiếc áo trong hai bộ phim chẳng liên quan đến nhau. Theo một số diễn viên, trang phục trong phim cần phù hợp với từng phân cảnh, tạo sự thoải mái cho việc diễn xuất.

Mặc một áo chạy qua hai phim

Nhiều người xem không khỏi bật cười khi thấy diễn viên X. mặc chiếc áo hoa văn nổi bật trong một bộ phim đang chiếu trên một kênh truyền hình. Bởi cũng cung giờ đó ở một kênh khác, X. mặc đúng chiếc áo này trong một vai diễn khác hẳn.

Chuyện mặc một áo “chạy” qua 2 – 3 phim không phải hiếm ở Việt Nam, và điều này được người trong giới giải thích với cùng một lý do chính: kinh phí. Đạo diễn Đỗ Đức Thành cho biết cát-sê của nhiều diễn viên thấp tới mức nếu muốn lo tươm tất trang phục cho vai diễn, họ chỉ còn… không khí và nước lã để sống. Vì thế, một số diễn viên chấp nhận mặc cùng một trang phục trong nhiều phim khác nhau, với hy vọng khán giả không mấy lưu tâm. Xui xẻo ở chỗ, phim quay không trùng thời điểm, nhưng thời gian phát sóng lại có thể trùng, dẫn đến “lộ hàng” như diễn viên X.

 

Nếu không khéo, chỉ cần một cú đá là trang phục bị rách.

Theo diễn viên Hứa Vĩ Văn, “nếu khán giả muốn thưởng thức một bộ phim hay, diễn viên tài năng, trang phục đẹp…, đương nhiên những người làm phim phải đầu tư để đáp ứng”. Hứa Vĩ Văn cho biết anh lấp khoảng trống cát-sê của nghề diễn xuất bằng cách chạy show bên ngoài khi có thời gian rảnh và khẳng định không để mình rơi vào tình cảnh mặc một trang phục… chạy qua nhiều phim.

Làm sao cho khỏi… rách

Mới đây, với phục trang ấn tượng trong phim Bẫy rồng, diễn viên Ngô Thanh Vân đã nhận về giải Nghệ sĩ phong cách nhất năm 2009. Bỏ qua chuyện kinh phí trang phục trong bộ phim được xem là “bom tấn” của Việt Nam, theo diễn viên này, một nhà thiết kế trang phục phim giỏi phải biết cách thiết kế sản phẩm phù hợp từng phân cảnh. Ngoài yếu tố đẹp, trang phục phải vừa vặn, tạo sự thoải mái cho người mặc, diễn viên mới diễn tốt.

Vai diễn cô gái giang hồ của Ngô Thanh Vân trong bộ phim Bẫy rồng đòi hỏi nhiều cử động mạnh, mà theo lời Vân, nếu thiết kế không khéo thì “chỉ cần một cú đá, đũng quần ngay lập tức bị toạc te tua”. Người thiết kế trang phục cho cô phải chọn loại vải có tính co giãn cao, những phần như nách, đũng phải được thiết kế riêng biệt để chịu lực mạnh do tay chân xoạc ngang dọc. “Vậy mà chỉ quay được khoảng ba cảnh, bộ trang phục cũng phải bỏ đi. Để quay xong bộ phim có đủ cảnh mặc bộ đồ đó, ít nhất nhà thiết kế phải làm ba bộ giống nhau dùng thay phiên”, Ngô Thanh Vân cho biết.

Khá may mắn, ngay trong lần đầu tiên bước chân vào điện ảnh, Hồ Quỳnh Hương được diễn trong bộ phim Hàn Quốc có tên Khi vợ tôi hành động và được chăm chút kỹ về trang phục trong mỗi lần xuất hiện. Để quay cảnh cô ca sĩ này chạy thục mạng trên chiếc cầu, ê-kíp làm phim yêu cầu cô mặc một bộ đồ bó sát toàn thân. Hồ Quỳnh Hương kể: “Nhìn bộ đồ, tôi không nghĩ mình sẽ mặc vừa vì trông nó hơi nhỏ. Vậy mà kỳ lạ, khi mặc vào thì vừa như may theo số đo của tôi. Họ chọn chất vải phù hợp nhất trong mỗi tình huống, giúp diễn viên hoàn toàn thoải mái tập trung diễn xuất”. Vì lẽ này, những cảnh đánh đấm của Hồ Quỳnh Hương trên phim diễn ra khá suôn sẻ.

Theo datviet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *