Bên bờ hạnh phúc

Kỳ thi đến, thầy cô – học sinh và cả phụ huynh đều căng thẳng. Nhiều gia đình có con em chuẩn bị thi tốt nghiệp thì cả nhà phải… nín thở để giữ không gian yên tĩnh cho con em học bài. Với nhiều trường, việc học sinh phải học bài không phân biệt ngày đêm đã trở thành…bình thường. Và ngày càng có nhiều trường “cấm trại” học sinh để ôn thi tốt nghiệp.

Nguyên nhân do đâu? Phải chăng hiện nay học sinh thường học lệch. Các môn như Sử, Địa lâu nay chỉ học sơ sài nên khi Bộ GD-ĐT chọn 2 môn này là hai môn thi tốt nghiệp thì mới bắt đầu “tăng tốc” vá lỗ thủng kiến thức. Còn các trường không muốn thành tích tỷ lệ tốt nghiệp nằm cuối bảng nên thầy trò cùng nhau ôn luyện để có kết quả tốt nghiệp cao như mong đợi.

Thay vì hướng đến một kỳ thi nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, kỳ thi tốt nghiệp đang có dấu hiệu nặng nề, quá tải.
Nhiều chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội cho rằng, sau 3 năm “điều trị”, bệnh thành tích trong giáo dục đang manh nha trở lại khi nhiều địa phương, các trường THPT coi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là chuyện “sống còn”. Năm 2007, kỳ thi “hai không” đầu tiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bình quân cả nước là 66,6%, giảm 26% so với tỉ lệ trung bình những năm trước là 92%, tỷ lệ này ở bổ túc còn thê thảm hơn: 26,6% (so với trung bình những năm trước là trên 80%). Thứ hạng các địa phương năm đó cũng thay đổi chóng mặt: TP HCM vượt lên đứng đầu, Hà Nội từ thứ 14 lên thứ 4, Tuyên Quang tụt xuống cuối bảng xếp hạng…

Nhưng rồi từ năm sau trở đi, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lại tăng trở lại với những nỗ lực chạy đua “trụ hạng” và “lên hạng” của các địa phương… Thế là, thay vì hướng đến một kỳ thi nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực căng thẳng cho xã hội thì kỳ thi tốt nghiệp đang có dấu hiệu nặng nề, quá tải.

Chính vì vậy, khi Bộ GD-ĐT chưa ra chủ trương tổ chức kỳ thi “2 trong một”, lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học thì xã hội lại càng lo ngại bởi nó sẽ càng nặng nề hơn. May thay, chủ trương này của Bộ vẫn tiếp tục nằm trên giấy, nếu không, kỳ thi tốt nghiệp đối với hơn 1 triệu thí sinh sẽ trở thành cuộc ganh đua quyết liệt, chứ chưa bàn đến tính an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng giữa 63 tỉnh, thành phố với những đặc thù khác nhau.

 

Theo Đất Việt Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *