Một xã hội được xem là có văn hóa cao phải bảo đảm được độc lập tự do các dân tộc, bảo đảm một cuộc sống đầy đủ, phong phú, hài hòa, giải phóng được mọi tiềm lực tư duy và sáng tạo, phát huy được mọi giá trị đạo đức.

Để có được xã hội có văn hóa đó không khác gì con người và giáo dục con người phải giữ vai trò quyết định.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta là “Phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người có kiến thức văn hóa khoa học, có kỹ năng nghề nghiệp, lao động tự chủ, sáng tạo và có kỷ luật, giàu lòng nhân ái, yêu nước, yêu CNXH, sống lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước những năm 90 và chuẩn bị cho tương lai, phải mở rộng quy mô, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục, gắn học với hành, tài với đức”. (Nghị quyết TW IV Khóa VII).

Dựa trên những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của TW, Nghị quyết 06/NQ.TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long Khóa VI ngày 8/6/1997 cũng đề ra nhiệm vụ mục tiêu cơ bản của giáo dục đào tạo tỉnh ta là “nhằm đào tạo thế hệ trẻ tha thiết với lý tưởng độc lập dân tộc và CHXH, biết yêu thương và gắn bó với quê hương, có đạo đức trong sáng, có ý thức tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc, có kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo, có ý thức tổ chức kỷ luật cao và có sức khỏe tốt”.

Cơ sở nền móng và điều kiện quan trọng để phát triển sự nghiệp giáo dục ở Vĩnh Long gần nửa thế kỷ qua là Trường Sư phạm Vĩnh Long sớm được xây dựng từ năm 1960, kiến trúc đẹp, khang trang, tiện nghi, đồ dùng dạy và học tương đối hiện đại. Hiện nay (năm học 1998 – 1999), trường có 130 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 30 lớp học với 984 học sinh. 20 năm qua (1976 – 1996), trường đã đào tạo được 14.279 giáo viên các cấp cho hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, trong đó có 5.246 giáo viên hệ sư phạm cấp II và cao đẳng, 188 giáo viên cấp II học tại chức và 8.745 giáo viên hệ tiểu học và mẫu giáo (B/c 20 năm xây dựng và phát triển của trường).

Về xóa mù chữ và phổ cập tiểu học :

Sau 22 năm phấn đấu, đến năm 1996, cả tỉnh có 100/107 xã – phường – thị trấn đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

Tháng 10/1997, Vĩnh Long được Ủy ban quốc gia xóa mù chữ và Bộ Giáo dục – Đào tạo công nhận hoàn thành công tác chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Có thể nói, đây là thành tựu, mơ ước ngàn đời đến nay nhân dân Vĩnh Long ta mới đạt được. Có được thành tựu vĩ đại đó phải kể đến công lao của các ông Ngô Ngọc Bỉnh, ông Đặng Văn Sáu, ông Nguyễn Bá Hiều và bà Đặng Huỳnh Mai là những Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo kế nhiệm suốt từ trong kháng chiến chống Mỹ đến hiện nay. Làm nên thành tựu vĩ đại đó còn có những nhà giáo ưu tú, tiêu biểu cho hàng ngàn cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục – đào tạo của tỉnh. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Bảy, cô Lê Thị Thu Cúc, cô Nguyễn Ngọc Dung, cô Lưu Thị Huỳnh Hoa, cô Nguyễn Thị Lập, thầy Phạm Minh Ngãi, cô Trần Thị Quang, cô Hứa Thị Quới, thầy Nguyễn Ngọc Sơn, cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh, cô Phan Thị Kim Xuân. Những thành tựu to lớn về giáo dục – đào tạo mà nhân dân tỉnh ta đạt được còn phải kể đến sự lãnh đạo đầy đủ, sáng suốt, toàn diện và tuyệt đối của Đảng và Nhà nước ta ở các cấp địa phương trong tỉnh mà cụ thể là sự quan tâm nhiệt tình đầy tinh thần trách nhiệm của các ông Trịnh Văn Lâu, ông Nguyễn Văn Quân – Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Cương – Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Chiến Thắng – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Sự quan tâm nỗ lực của các cấp, các ban – ngành – đoàn thể trong tỉnh và nhất là tinh thần và truyền thống hiếu học của nhân dân Vĩnh Long ta.

Do sự phát triển của lịch sử Vĩnh Long là miền đất cộng cư của nhiều tộc người, trong đó chủ yếu là người Việt, Khmer và người Hoa, tạo nên văn hóa cộng đồng có nhiều bản sắc phong phú khác nhau. Cùng sống trên miền đất đồng bằng châu thổ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nước ngọt quanh năm nhưng mỗi dân tộc có một văn minh truyền thống, phong tục tập quán, tiếng nói – chữ viết riêng.

 
 Chùa Khmer

 
Người Khmer vốn là một trong những chủ nhân của nền văn minh bán sơn địa, sống làm ruộng rẫy trên các khu vực đất gò giồng tương đối cao. Phật giáo Tiểu thừa là đời sống tâm linh, là tôn giáo chính thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Ngôi chùa là trung tâm văn hóa giáo dục của đồng bào Khmer trong các phum sóc. Chùa Khmer Nam bộ không chỉ là nơi thờ Phật, nơi tu hành truyền đạo, nơi gửi gấm niềm tin hy vọng, nơi an ủi, cầu nguyện, tín ngưỡng để có phước lành, mà chùa Khmer còn là trường học dạy chữ, dạy người, nơi giáo dục – đào tạo các thế hệ con em đồng bào dân tộc kế nghiệp ông bà. Xưa kia, tục lệ của đồng bào dân tộc Khmer đối với con trai phải được xuất gia, đến ở chùa, tu học một số năm, sau thành đạt mới hoàn tục trở về lập nghiệp. Sự tu hành, học vấn được coi như bậc thang giá trị, ai đã qua trường chùa được đồng bào tin yêu, nể trọng. Các bậc sư sãi, chức sắc trong tôn giáo được coi là tầng lớp trí thức của nhân dân, được người dân bái phục. Chính vì vậy mà văn hóa giáo dục của đồng bào Khmer luôn được duy trì và phát triển.

Cùng với giáo dục của người Kinh, Khmer, văn hóa giáo dục của người Hoa cũng luôn được bảo tồn phát triển. Ngoài sự được hưởng thụ giáo dục phổ thông, đồng bào Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long vào những năm 50 – 60 của thế kỷ XX còn có hai trường học riêng với 11 lớp, 12 giáo viên và 423 học sinh bậc tiểu học. Các trường này vừa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, vừa dạy tiếng dân tộc. Chính vì vậy mà người Hoa luôn bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, vừa hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời thành đạt trong các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội.

TRƯƠNG CÔNG GIANG – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *