Bangladesh hiện là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Vụ sập tòa nhà 8 tầng Rana Plaza ở ngoại ô thủ đô Dhaka hôm 24/4 vừa qua, đến nay đã có hơn 500 người thiệt mạng, được xem là tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp may mặc nước này. Theo giới phân tích, vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng các công trình xây dựng, sự phát triển nóng của ngành may mặc ở Bangladesh và đặc biệt là trách nhiệm của các hãng bán lẻ phương Tây thuê nhân công giá rẻ ở quốc gia đang phát triển này.

Hiện trường vụ sập tòa nhà 8 tầng nhìn từ trên cao.

Từ lâu, chi phí kinh doanh và giá nhân công thấp ở Bangladesh đã giúp ngành dệt may của nước này thu hút nhiều hợp đồng béo bở. Đây cũng là ngành công nghiệp phát triển nhất tại Bangladesh đóng góp tới 80% trong tổng số 24 tỉ đô-la Mỹ doanh thu xuất khẩu hằng năm. Tuy nhiên, đằng sau những con số hào nhoáng đó là một bức tranh đầy tối tăm. Người lao động tại nhiều xưởng may ở Bangladesh đã phải làm việc từ 10-15 giờ/ngày và trong những điều kiện vô cùng tồi tệ.

Các tai nạn tương tự vụ sập nhà vừa qua không phải hiếm xảy ra tại một đất nước còn nghèo khó như Bangladesh. Tuy nhiên, thảm kịch Rana Plaza đã phần nào phơi bày được thực tế của nền thương mại toàn cầu. Đó là nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thời trang với giá hợp lý tại những nền kinh tế phát triển, công nhân dệt may với mức lương thấp ở những nước đang phát triển như Bangladesh phải lao động quần quật trong môi trường làm việc không an toàn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Thân nhân công nhân may mặc trưng hình người thân của họ, bị cho là đang kẹt trong đống đổ nát. Reuters. (Credit: ABC)

Theo giới phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thảm kịch trên, trong đó phải kể đến thực trạng các quy định pháp luật về xây dựng ở Bangladesh hiếm khi được chấp hành nghiêm túc, nạn tham nhũng hay rút ruột công trình diễn ra tràn lan.

Hiện, chính phủ Bangladesh đang đối mặt với áp lực từ nước ngoài ngày càng tăng sau vụ việc trên. Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang xem xét trừng phạt thương mại Bangladesh nhằm gây sức ép buộc chính quyền Dhaka phải cải thiện các tiêu chuẩn an toàn công nghiệp.

Trong khi đó, giới chuyên môn cho rằng, các hãng bán lẻ quốc tế có thể làm nhiều hơn để ủng hộ cho việc áp đặt các tiêu chuẩn an toàn tại các nhà máy dệt may sản xuất sản phẩm của họ, không chỉ ở Bangladesh mà cả ở những nơi khác.

Đã có nhiều trong số 4.500 nhà máy may mặc của Bangladesh bị đóng cửa từ sau thảm họa sập toà nhà Rana Plaza. Đây là thiệt hại không nhỏ và cũng là một bài học nữa về an toàn lao động cho ngành công nghiệp may mặc ở nước này.

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *