Theo giới quan sát chính trị, việc nối lại đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Israel và Palestine sẽ là một thành tích ngoại giao đáng hoan nghênh của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nếu các nhà thương thuyết vượt qua được những trở ngại lớn hiện nay. Chính quyền Washington hy vọng, các cuộc hòa đàm sắp tới sẽ mang lại một nền hòa bình lâu dài cho Trung Đông và cam kết thúc đẩy tiến trình này.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu (trái), Tổng thống Barack Obama (giữa) và Tổng thống Mahmud Abbas

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas sẽ gặp nhau tại Washington vào ngày 02/09 tới để bắt đầu tiến trình đàm phán dự kiến kéo dài trong 1 năm nhằm thành lập nhà nước Palestine độc lập. Cuộc gặp cấp cao này được xem như thành quả ngoại giao quan trọng của ông Obama – người luôn coi việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ông đã phải thực hiện một nhiệm vụ nặng nề khi mất một năm rưỡi liên tục gây áp lực và thúc đẩy ngoại giao để đưa hai phía trở lại điểm khởi đầu của tiến trình hòa bình Oslo cách đây 17 năm.

Theo tuyên bố ngày 20/08, các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine sẽ chỉ đề cập đến những vấn đề gai góc bao gồm quy chế của Jerusalem – khu vực mà cả hai phía đều coi là thủ đô của mình; số phận của những người tỵ nạn Palestine và đường biên giới của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Một phụ tá của Tổng thống Mỹ Obama thừa nhận có rất nhiều vấn đề còn tồn đọng và cho biết, Mỹ hy vọng tất cả các bên vẫn sẽ theo đuổi tiến trình hòa đàm bất kể các nhóm Hồi giáo khác của Palestine có đưa ra những tuyên bố hoặc hành động gì.

Giới chuyên gia nhận định hiện còn quá sớm để tuyên bố việc nối lại hòa đàm trực tiếp là một thành tựu thực sự bởi vì đây chỉ mới là một bước tiến nhỏ nhưng cần thiết để giải quyết tình hình khó khăn hiện nay. Các nhà phân tích và quan sát Palestine cũng loại trừ khả năng hòa đàm trực tiếp giữa Israel và Palestine sẽ đi đến thành công. Họ cho rằng, việc nối lại đàm phán diễn ra trong hoàn cảnh hiện nay chỉ phục vụ lợi ích của Israel và cơ hội thành công là rất ít vì chúng được tiến hành mà không có mục đích rõ ràng, cũng như không có cam kết cụ thể của Israel về việc ngừng xây dựng khu định cư hoặc tuân thủ các nguyên tắc của tiến trình hòa bình.

Theo một số chính khách Palestine, Mỹ và quốc tế chỉ tỏ ra quan tâm đến hình thức của quá trình hòa đàm hơn là tinh thần và nội dung của nó. Một nhà phân tích chính trị ở khu Bờ Tây cho rằng, vấn đề hiện nay không phải là đặt ra khung thời gian để hoàn tất đàm phán, mà quan trọng nhất là tìm hiểu mục tiêu chính trị thực sự của Israel về việc hoàn tất hòa đàm trong vòng một năm để đạt tới thỏa thuận về quy chế sau cùng. Trong khi đó, có ý kiến nhận định rằng, người Palestine đã rơi vào thế yếu sau khi chấp nhận đàm phán trực tiếp mà không nhận được bất kỳ sự bảo đảm nào bằng văn bản về việc Israel sẽ chấm dứt các hoạt động định cư ở vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine hoặc tham khảo ý kiến của quốc tế về các cuộc đàm phán này.

Về phần mình, Tổng thống Palestine Abbas đã từng cảnh báo sẽ rút khỏi các cuộc hòa đàm nếu Israel nối lại các hoạt động xây dựng khu định cư. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định rằng, hòa bình giữa Israel và Palestine là điều “khó khăn nhưng vẫn có thể đạt được” Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán với hy vọng lớn là hai phía sẽ đạt tới thỏa thuận hòa bình mà vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia và an ninh của Israel.

Hồng Hậu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *