Bất kỳ nền kinh tến ào lơ là trong quản lý tài chính đều có thể bị cuốn vào cơn bão nợ công. Ảnh minh họa

Giữa tuần qua, chính phủ Pháp đã công bố gói biện pháp thắt lưng buộc bụng trị giá 12 tỷ euro, tương đương 17,3 tỷ USD, nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách. Theo các nhà phân tích, động thái mới nhất này của Paris đã cho thấy, rõ rằng, cơn bão nợ công tại châu Âu đang đe dọa mạnh dần lên và cuốn vào trong đó bất cứ nền kinh tế nào lơ là trong quản lý tài chính. 

Theo thông báo của Thủ tướng Francois Fillon, chính phủ Pháp sẽ siết chặt các khoản chi tiêu, tăng thu thuế và điều chỉnh một số chính sách liên quan đến phúc lợi của người dân. Để đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, Pháp phải cắt giảm 1 tỷ euro chi tiêu công từ nay đến cuối năm và thêm 11 tỷ euro trong năm tới.

Bên cạnh đó, nước này cũng đặt mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách từ 7,1% GDP của năm 2010 xuống còn 5,7% trong năm 2011, 4,6% vào năm 2012 và 3% vào năm 2013 theo yêu cầu mà Liên minh châu Âu EU đặt ra đối với các nước thành viên. Mặc dù khẳng định hệ thống tài chính của Pháp chưa gặp rủi ro lớn nhưng chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Pháp trong năm 2011 từ 2% xuống còn 1,75% GDP. 

Thông báo của Pháp về việc thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng được đưa ra trong bối cảnh các thị trường tài chính châu Âu đang gia tăng sức ép yêu cầu các quốc gia thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu Eurozone phải kiểm soát hệ thống tài chính của mình để tránh bị cuốn vào cơn bão nợ công.

Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2011 của Pháp là 0%, một con số không giảm – không tăng, khiến người ta dự cảm đến một tương lai không tốt lành đối với nền kinh tế này. Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục tình hình hiện nay và không có một giải pháp kiềm chế, Paris sẽ trở thành nạn nhân kế tiếp của căn bệnh nợ công. Bởi vì một khi đã chạm đến hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 của Eurozone là Italia và Tây Ban Nha, câu chuyện nợ công đã không còn được xem là vấn đề của riêng một nền kinh tế nào. 

Rõ ràng, việc công bố các biện pháp thắt lưng buộc bụng và siết chặt chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách của Pháp trong thời điểm mấp mé bờ vực của khủng hoảng là điều cần thiết. Tuy nhiên, từ trấn an dư luận đến chấn chỉnh thực sự công tác quản lý tài chính lại rất khác nhau. Để lèo lái nền ninh tế vượt qua sóng gió, chắc chắn chính phủ Pháp cần có những động thái tích cực và quyết liệt hơn, đồng thời người dân Pháp cũng phải ủng hộ các chính sách của chính phủ.

Qua cuộc khủng hoảng nợ công, châu Âu hẳn nhiên đã hiểu rằng, họ cần xem xét lại bài học về quản lý tài chính minh bạch. Dư luận hy vọng rằng, sẽ không quá muộn để các nền kinh tế trên thế giới tiếp tục nâng cao ý thức về vấn đề quản lý tài chính công.

Hồng Anh (tổng hợp)
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *