Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ở Thái Lan vẫn còn là chặng đường dài đối với chính phủ của Thủ tướng Yingluck. Ảnh minh họa

Kinh tế Thái Lan bất ngờ giảm 0,2% trong quý II vừa qua do sự gián đoạn nguồn cung đầu vào từ Nhật Bản sau thảm họa động đất – sóng thần, cũng như những lo ngại về đà tăng trưởng chậm của nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, lạm phát vẫn tiếp tục tăng nên Ngân hàng trung ương nước này phải nâng lãi suất từ 3,25% lên 3,5%, mức cao nhất trong gần 3 năm qua. 

Thái Lan là một trong những quốc gia có tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất châu Á để chống lạm phát. Kể từ tháng 7/2010, Ngân hàng Trung ương nước này đã nâng lãi suất cơ bản 9 lần với hy vọng có thể kìm chế lạm phát tăng cao, hiện ở mức khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Ngân hàng trung ương Thái Lan tiếp tục nâng lãi suất diễn ra trong bối cảnh châu Á đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ tác động xấu đến xuất khẩu và nhiều Ngân hàng Trung ương tại châu Á không dám nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Theo Ngân hàng trung ương Thái Lan, đồng bath nước này đã tăng giá khoảng 3% kể từ cuộc bầu cử ngày 3 tháng 7 vừa qua. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 4% trong tháng qua do giá thực phẩm và giá nhiên liệu tăng mạnh.

Mặc dù Chính phủ mới của Thái Lan đã cam kết thực hiện một loạt chính sách hỗ trợ dân nghèo để thúc đẩy tăng trưởng và nâng mức thu nhập cho người dân, nhưng các nhà kinh tế cho rằng, điều này rất có thể càng góp phần làm gia tăng lạm phát.

Còn nhớ, trong bài phát biểu về chính sách của chính phủ mới hồi đầu tuần, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã đưa ra một số điểm quan trọng, trong đó có kế hoạch tăng lương và nâng giá gạo. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu nâng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội GDP từ mức dự kiến 3,5 – 4% trong năm nay lên mức 4 – 5% trong năm 2012; ngăn chặn đà tăng giá hàng tiêu dùng, giảm chi phí sinh hoạt, nâng thu nhập tối thiểu lên mức 300 baht, tức hơn 200.00 đồng Việt Nam/người/ngày và ấn định lương khởi điểm tốt nghiệp đại học là 15.000 baht, tương đương với gần 10,5 triệu đồng/tháng; cắt giảm thuế doanh nghiệp; tái áp dụng hệ thống thu mua trợ giá lúa với mức trợ giá lên tới 15.000 baht/tấn…. Thủ tướng Yingluck cũng kêu gọi nhân dân trao cho chính phủ cơ hội để chứng tỏ năng lực quản lý và điều hành của mình.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, để giải quyết những thách thức phát triển về mặt dài hạn, Thái Lan cần phải làm rất nhiều việc, phải vượt qua rất nhiều thách thức lớn. Đó là nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế, huy động các nguồn lực trong khu vực sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp vào phát triển bền vững; cải thiện nền giáo dục nhằm tạo ra nguồn nhân lực cạnh tranh và giải quyết việc làm.

Xem ra, việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ở Thái Lan vẫn còn là chặng đường dài đối với chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

Thanh Sang ( tổng hợp)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *