Ảnh minh họa

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi gọi tắt là BRICS vừa được tổ chức vào giữa tuần qua tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh khối thị trường mới trỗi dậy này đang nỗ lực biến sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng của mình thành những ảnh hưởng ngoại giao, đồng thời góp phần tạo nên một trật tự kinh tế toàn cầu mới và ổn định hơn.

Tại phiên họp toàn thể với chủ đề “BRICS hợp tác vì sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu”, lãnh đạo của 5 nước đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế, chính trị, an ninh, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác thương mại nội khối.

Các nước đã nhất trí lập nhóm công tác chung để nghiên cứu thành lập một ngân hàng phát triển của BRICS nhằm thúc đẩy kinh tế không chỉ tại các nước trong nhóm mà cả ở các nước đang phát triển, đồng thời ký 2 thỏa thuận về giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ. Các nhà chuyên môn cho rằng, động thái này là nhằm thành lập các thể chế giúp thúc đẩy sự đoàn kết đối với các vấn đề quan trọng nội khối. Bên cạnh đó, BRICS cũng đang cố gắng thống nhất với nhau trong các vấn đề kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như các cuộc đàm phán về thương mại thế giới, hay vai trò lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Chính thức thành lập vào năm 2009, sau khi kết nạp Nam Phi vào năm 2011, BRICS tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của mình trên trường quốc tế cho dù chưa phải là tổ chức có tên tuổi lớn lắm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính, trong năm 2011 nhóm 5 nền kinh tế mới nổi này – với khoảng 1/3 tổng dân số và hơn 1/4 diện tích đất liền thế giới – đã đạt tổng sản phẩm nội địa (GDP) là 13 ngàn 600 tỉ USD, chiếm khoảng 19,5% GDP toàn cầu.

Từ lâu, trật tự kinh tế thế giới đã bị chi phối bởi các cường quốc kinh tế phương Tây như Mỹ và các quốc gia châu Âu, giúp các nước này có được tiếng nói lớn trong các tổ chức tài chính quan trọng nhất. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, với sức mạnh kinh tế hiện nay, BRICS đang tái định hình bức tranh kinh tế toàn cầu vốn đang ảm đạm, cũng như khẳng định những tác động làm thay đổi trên trường quốc tế của các nước thành viên BRICS.

Sự nổi lên của BRICS, theo nhiều nhà phân tích, nó đang mang lại những điều tốt đẹp cho thế giới, góp phần hình thành nên một trật tự kinh tế công bằng và hợp lý hơn, trong đó quan điểm và tiếng nói của các quốc gia đang nổi lên sẽ có trọng lượng hơn.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng một trật tự kinh tế thế giới mới không thể thay thế trật tự đang tồn tại trong một sớm một chiều. Nó chỉ có thể dần dần hình thành thông qua sự hợp tác thường xuyên hơn nữa giữa các thành viên của BRICS, giữa BRICS với các nền kinh tế đang nổi lên khác, cũng như giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Anh Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *