Hy vọng về việc nối lại đàm phán với lực lượng nổi dậy Taliban nhen nhóm hồi tuần trước đã ngay lập tức bị dập tắt, sau khi Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai từ chối cử phái đoàn đến thủ đô Doha của Qatar nhằm phản đối Taliban cắm cờ Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan – tên gọi của Afghanistan dưới chế độ Taliban từ năm 1996 đến năm 2001 – tại văn phòng đại diện mới mở ở Doha. Giới phân tích cho rằng bất đồng giữa Afghanistan và nước láng giềng Pakistan cũng là một trong những nhân tố gây trở ngại tiến trình đàm phán hòa bình cho Afghanistan.

Bất đồng giữa Afghanistan và Pakistan đang đe dọa cuộc hòa đàm với Taliban.

Trong khi thế giới đang chờ đợi các cuộc hòa đàm giữa Mỹ và Taliban, cũng như giữa đại diện chính phủ Afghanistan và với Taliban theo kế hoạch bắt đầu diễn ra vào cuối tháng 6/2013 tại Doha, thì những căng thẳng giữa Afghanistan và Pakistan trong thời gian gần đây đã khiến những hy vọng mà tiến trình hòa bình này vừa mới mang đến lại chợt tắt.

Kể từ khi Taliban mở văn phòng tại Doha, giới chức Pakistan đã nhiều lần ám chỉ rằng Tổng thống Hamid Karzai chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán rộng rãi về tương lai của Afghanistan. Pakistan là nước có ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình hòa bình ở Afghanistan vì đã từng hỗ trợ Taliban lên nắm quyền tại quốc gia Nam Á này vào giữa những năm 1990.

Giới chức Islamabad chỉ trích Tổng thống Karzai không nhất quán trong việc tổ chức đàm phán, đồng thời cho rằng các bên giữ vai trò chính yếu trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan phải là Mỹ, Taliban, Liên minh phương Bắc – một nhóm thủ lĩnh quân sự trước đây tại Afghanistan chiến đấu bên cạnh Taliban. Quan điểm này cũng đồng nghĩa với việc Islamabad bác bỏ hoàn toàn vai trò của Chính quyền Kabul trong tiến trình hòa bình.

Trong khi đó, phía Afghanistan cho rằng, thái độ của Pakistan xuất phát từ việc họ lo sợ chính quyền Kabul trong tương lai có thể thúc đẩy quan hệ nồng ấm hơn với Ấn Độ, vốn được cho là đối thủ hạt nhân của Pakistan.

Căng thẳng giữa Pakistan và Afghanistan liên quan tới vụ nã pháo qua biên giới gần đây cũng có thể là nhân tố cản trở tiến trình hòa bình của Afghanistan, vốn chủ yếu phụ thuộc vào sự hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng này. Vụ việc cũng đã khiến giới chức hai bên “lời qua tiếng lại”, từ đó mối quan hệ song phương vốn không mặn mà ngày càng trở nên khó gần gũi.

Bất đồng giữa Afghanistan và Pakistan đã làm cho tình hình càng thêm phức tạp, trong bối cảnh các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc đại Tây dương NATO chuẩn bị rút khỏi Afghanistan vào năm 2014. Theo giới phân tích, điều đó càng cho thấy rõ tiến trình hòa đàm tại Afghanistan khó có thể xuôi chèo mát mái khi các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *