Bên bờ hạnh phúc

Tối 11/8, khi đến chứng kiến thí sinh tập luyện trên sân khấu, những cảm xúc của tôi khi tham dự Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 sống lại, tự nhiên cảm thấy rất háo hức. 37 cô gái năm nay đẹp đồng đều nên sự hồi hộp sẽ kéo dài đến tận phút chót.

Theo chị, sức hút các cuộc thi sắc đẹp nằm ở đâu?

– Danh hiệu mang đến rất nhiều thứ. Với riêng tôi, đó là một hành trình thú vị. Khi trở thành Á hậu Hoàn vũ Việt Nam, tôi có cơ hội thử sức ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới. Nó cũng mở cho tôi cơ hội tham gia các hoạt động nghệ thuật. Đó là con đường tuyệt vời mà khi còn nhỏ, tôi không nghĩ mình sẽ có dịp bước qua.

– Mỗi cô gái khi còn nhỏ đều tưởng tượng mình là một công chúa, vì sao chị lại không mơ mình sẽ bước trên con đường hoa hồng?

– Tôi thì không mơ mình là công chúa. Tôi thường nghĩ, nếu có cơ hội, tôi sẽ là bà hoàng. Công chúa thế nào cũng sẽ phải lớn lên thôi.

– Danh hiệu hay tình yêu cho chị cảm giác trở thành bà hoàng?

– Tôi chưa kiếm được “vị vua” nào nên chưa thể thành “bà hoàng” được. Tôi quan niệm, chuyện tình cảm là duyên nợ. Nếu là duyên – mình sẽ thoải mái đón nhận, là nợ – mình phải trả mối nợ đó.

 

– "Ông vua" trong lòng chị phải có tiêu chí gì?

– Tôi không đòi hỏi nhiều và không dám đặt ra những tiêu chuẩn quá cao. Tôi thích người đàn ông bản lĩnh, thông minh, giàu lòng bao dung và trên hết, thực sự yêu thương mình.

– Theo suy nghĩ nhiều người, những cô gái học ở môi trường phương Tây thường có đời sống tình cảm phóng khoáng. Nguyên nhân nào khiến chị chưa mở lòng mình?

– Từ nhỏ, tôi gắn bó với gia đình. Với tôi, gia đình là trên hết. Đi liền gia đình là truyền thống văn hóa Việt, không thể tách rời. Lối sống phóng khoáng có lẽ tùy phong cách của mỗi người. Bản thân tôi thích hướng về Việt Nam.

Tôi chuẩn bị quay lại Mỹ để học nốt đại học. Hiện tôi còn hai năm nữa do bị gián đoạn nhiều khi tham gia các cuộc thi sắc đẹp và đóng phim. Sau này tốt nghiệp, nếu có cơ hội, tôi muốn về làm việc tại Việt Nam vì ở đây có ông bà cha mẹ, có nguồn cội của mình.

Việc học ở Mỹ cũng là nguyên nhân khiến tôi yêu muộn. Trường tôi không có một nam sinh nào người Việt nên tôi không tìm được người thích hợp với mình. “Ông vua” tôi chọn sẽ là một người đàn ông Việt. Chắc chắn như thế.

– Vai diễn của chị trong “Trần Thủ Độ” cũng là vai một bà hoàng, như chị mơ ước. Khi rời bỏ nó, chị cảm thấy thế nào?

– Tôi rất tiếc nhưng chuyện quá khứ tôi không còn muốn nhắc tới vì đó là một kỷ niệm không vui.

Trước đây, mỗi khi nhận được một lời mời đóng phim, tôi đều cân nhắc rất kỹ. Sau Trần Thủ Độ, tôi càng cân nhắc kỹ hơn, không những phim mà còn cả lĩnh vực quảng cáo, chụp hình. Nhiều người đánh giá tôi già dặn hơn tuổi của mình. Một phần do các cuộc thi, một phần do tôi có khoảng thời gian đi học xa nhà nên có thời gian rèn luyện sự tự lập. 21 tuổi, nếu không tự đối mặt với cuộc sống, tôi không thể trưởng thành. Đó là điều bắt buộc.

– Chị tự lập nhưng những phát ngôn trên báo chí, chủ yếu lại từ mẹ chị, khiến nhiều người đánh giá, chị chưa thực sự trưởng thành. Chị lý giải thế nào về sự mâu thuẫn này?

– Phần lớn vẫn là do tôi trả lời, qua việc gặp trực tiếp hoặc mail. Những trường hợp bất đắc dĩ mới là mẹ nói thay tôi nhưng những câu đó cả gia đình đã thỏa thuận trước.

Một người bạn nhạc sĩ có phối khí bài Ca dao mẹ của Trịnh Công Sơn, tôi nghe rất lạ, hay hơn nhiều những bản mix tôi từng nghe. Khi tôi hỏi, anh bảo, đây là bài anh tặng mẹ vì lúc còn mẹ thì không biết quý, khi mẹ mất đi rồi mới nuối tiếc. Điều đó đánh thức tâm trí tôi.

Khi tôi đi học, mẹ thường xuyên sang Mỹ nấu ăn, chăm lo cho tôi hoặc đơn giản chỉ có mặt ở đó để động viên tinh thần cho con, giúp con đỡ nhớ nhà. Mẹ có nói với tôi: “Làm mẹ không phải hy sinh cho con đến lúc con lớn mà là hy sinh cho con cả cuộc đời”.

 

Chuyện mẹ đi theo tôi giúp đỡ tôi là điều rất đáng quý, không có gì hổ thẹn cả. Tôi đang đi những bước đầu trong cuộc đời và vẫn cần có sự dìu dắt của những người lớn tuổi, có tầm nhìn hơn. Một vài phóng viên hoặc một vài ý kiến trên blog viết rằng: Dương Trương Thiên Lý hơn hai mươi tuổi vẫn phải có mẹ đi theo, biết chừng nào mới lớn. Tôi lại thấy đó là điều hạnh phúc.

– Về chuyện tình cảm của chị, mẹ can thiệp thế nào?

– 21 tuổi, tôi vẫn chưa một lần yêu vì tôi thấy mình còn trẻ quá. Sau này, tôi chọn người đàn ông theo tiêu chuẩn của tôi nhưng đó phải là người cha mẹ tôi cảm thấy yêu mến. Tôi luôn nghĩ, người đồng hành cùng mình suốt cuộc đời cũng phải hòa nhập vào gia đình của mình. Như vậy mới có thể kết hợp với nhau. Tôi thích có một gia đình lớn chứ không phải chỉ một gia đình nhỏ của riêng tôi. Hiện gia đình tôi có 5 thế hệ trong nhà: bà cố, bà ngoại, cha mẹ, anh em tôi và cả cháu tôi nữa.

– Dành nhiều tình cảm cho mẹ như vậy, khi có gia đình riêng, mẹ có phải hình mẫu chị hướng tới?

– Mẹ là người phụ nữ mà tôi luôn thần tượng nhưng “Con hơn cha là nhà có phúc”, tôi hy vọng sẽ vượt qua mẹ. Điều này rất khó vì mẹ cái gì cũng giỏi. Mẹ ngày xưa vì chăm con nên phải nghỉ việc ở nhà. Tôi hy vọng sau này có thể dung hòa được chuyện đó. Nếu phải lựa chọn, tôi sẽ làm như mẹ vì với tôi, con cái là tài sản quý giá nhất.

Theo tintuconline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *