Mang thai là điều kỳ diệu, thiêng liêng của bất cứ mẹ bầu nào. Để thai kỳ của mẹ an toàn, ngoài chế độ dinh dưỡng, vaccine thì chế độ chăm sóc, theo dõi sức khỏe thai kỳ cũng quan trọng không kém.

Thông tin được các vị chuyên gia tư vấn trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Dinh dưỡng và vaccine cho thai kỳ mẹ khỏe mạnh, con thông minh” phát sóng ngày 24/11/2023.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về tiêm chủng, sản phụ khoa và dinh dưỡng gồm: ThS Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC; BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM; ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Bác sĩ dinh dưỡng, Hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Trong vòng 2 tiếng chương trình diễn ra, đã có hàng chục ngàn người theo dõi cũng như hàng trăm câu hỏi được gửi tới các chuyên gia. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.

Chương trình tư vấn trực tuyến.

Mở đầu chương trình, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết miễn dịch của mẹ sẽ suy yếu một cách tự nhiên khi mang thai. Đây là biến đổi kỳ diệu của hệ miễn dịch để mẹ tiếp nhận bào thai vào cơ thể. Hệ miễn dịch được duy trì ở mức cân bằng thấp hơn so với trước khi mang thai để  người mẹ vừa bảo vệ được sức khỏe của mình, vừa tránh tình trạng sản xuất những kháng thể đào thải bào thai.

Đây cũng là nguyên dẫn đến các bệnh truyền nhiễm dễ trở nặng khi mẹ bầu mắc phải. Bác sĩ Tâm đã liệt kê các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho quá trình mang thai của mẹ gồm: cúm, bạch hầu – ho gà – uốn ván, thủy đậu, sởi – quai bị – rubella, viêm gan B…

Tất cả các bệnh trên đều có vaccine phòng ngừa hiệu quả. Trong đó, các vaccine thủy đậu, sởi – quai bị – rubella, viêm gan B cần chủng ngừa trước khi mang thai. Vaccine cúm, bạch hầu – ho gà – uốn ván có thể chủng ngừa trong thai kỳ.

Trong thai kỳ, mẹ cần tiêm một mũi vaccine cúm vào 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ và tiêm nhắc mỗi năm. Vaccine bạch hầu – ho gà – uốn ván tiêm 2 mũi cho mẹ mang thai lần đầu và chưa tiêm ngừa trước khi có thai; tiêm 1 mũi nhắc vào các thai kỳ tiếp theo. Các vaccine cúm, bạch hầu – ho gà – uốn ván đều được chứng minh an toàn cho cả mẹ và bé trong thai kỳ.

“Ở vùng có dịch, vaccine cúm còn được chỉ định tiêm cho thai phụ vào 3 tháng đầu thai kỳ mà không lo ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bào thai”, bác sĩ Tâm cho biết thêm.

ThS. Nguyễn Diệu Thúy, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống trung tâm Tiêm chủng VNVC tư vấn tại chương trình.

Nhiều độc giả đã bình luận, bày tỏ sự lo lắng khi ngày càng có nhiều hội nhóm khuyến khích tăng miễn dịch trẻ em và người lớn bằng cách cho nhiễm bệnh thay vì tiêm vaccine. ThS. Nguyễn Diệu Thúy bày tỏ lo ngại quan điểm này sẽ để lại hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Theo ThS Thúy, tiêm ngừa hay mắc bệnh tự nhiên đều cho cùng một đáp ứng miễn dịch nhưng khác nhau ở “cái giá phải trả”.

“Ví dụ như thủy đậu nhiều người nhầm tưởng là bệnh lành tính nhưng lại có nguy cơ cao dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng da diễn tiến nhiễm trùng máu… Đối với phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu vào gần thời điểm sinh còn có khả năng lây sang em bé, khiến trẻ mắc thủy đậu sơ sinh, tỷ lệ sống sót thấp”, ThS. Thúy dẫn chứng.

Theo ThS. Thúy, một điểm khác biệt lớn nữa giữa mắc bệnh tự nhiên và tiêm vaccine là tính chủ động. Vaccine là biện pháp chủ động phòng bệnh, xây dựng hệ miễn dịch trước khi mầm bệnh tấn công giúp giảm tỷ lệ mắc và các biến chứng nặng do bệnh gây ra.

Tiêm vaccine không chỉ bảo vệ mẹ và thai nhi trong thai kỳ mà còn giúp mẹ truyền kháng thể cho con, bảo vệ bé trong những tháng đầu đời khi chưa đến thời điểm tiêm chủng.

Ngoài ra, chồng, người chăm sóc cũng được khuyến cáo tiêm ngừa để tránh việc lây bệnh cho thai phụ.

ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, BS Dinh dưỡng, Hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome tư vấn tại chương trình.

Bên cạnh việc phòng ngừa nhiễm bệnh, dinh dưỡng trong thai kỳ cũng đặc biệt quan trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, mẹ bổ sung dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp thai kỳ thuận lợi, cải thiện các bệnh lý thường gặp; giảm các triệu chứng sau sinh và giúp trẻ phát triển trí tuệ.

Bác sĩ Tùng lưu ý các mẹ bầu ngoài chế độ ăn uống hợp lý, cần bổ sung thêm các dưỡng chất như DHA, sắt, canxi, photpho, axit folic… Thai phụ cũng cần chú ý cách ăn giúp hấp thụ các chất tốt hơn như không nên uống sữa ngay sau khi ăn, bổ sung sắt và canxi cùng một thời điểm…

Ngoài ra, các chuyên gia nhận định phụ nữ mang thai cũng cần giữ tâm lý thoải mái, vận động hợp lý và thăm khám bác sĩ chuyên khoa để theo dõi thai kỳ và nhận được tư vấn phù hợp với từng sản phụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *