Bên bờ hạnh phúc

2/ Phong trào học chữ quốc ngữ và sáng tác văn học bằng chữ quốc ngữ ở Vĩnh Long

Một trong những người đầu tiên có công lớn với việc khẳng định giá trị chữ quốc ngữ và tôn vinh vị trí của chữ quốc ngữ, quê ở Vĩnh Long, là ông Trương Vĩnh Ký.

Trương Vĩnh Ký – nhà bác học, nhà văn hóa của Việt Nam và thế giới

Trương Vĩnh Ký là người có khiếu về sinh ngữ. Ông nói thạo 15 sinh ngữ – từ ngữ châu Âu và 11 sinh ngữ châu Á. Trong hồ sơ cá nhân của Hành chính Pháp, phiếu lý lịch của ông ghi rằng, ông là nhà ngữ học, bác học ngữ (philologue).

Riêng về lĩnh vực chữ quốc ngữ, Trương Vĩnh Ký có công rất lớn trong việc nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu nguồn gốc chữ viết Việt Nam, nghiên cứu hình thái học tiếng Việt, dạy chữ quốc ngữ, chuyển dịch nhiều tác phẩm chữ Nôm ra chữ quốc ngữ, viết báo và viết văn bằng chữ quốc ngữ.

Tuy nhiên, do mục đích ban đầu của chữ quốc ngữ là chỉ giúp các giáo sĩ truyền đạo nên thuở phôi thai, nó phát triển rất chậm. Nhưng so với chữ Hán và chữ Nôm, chữ quốc ngữ có ưu điểm lớn là rất dễ học. Bởi vậy, càng ngày càng có nhiều người hiểu ra cái lợi của nó trong việc phổ cập giáo dục và nâng cao dân trí. Cho nên, họ ra sức cổ động cho việc học chữ quốc ngữ.

Chữ quốc ngữ là hồn của nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách Âu – Mỹ, sách China
Chữ kia chữ nọ dịch ra cho tường.
(Đông Kinh nghĩa thục)

Hiểu rõ cái lợi lâu dài của chữ quốc ngữ, các tầng lớp trí thức Vĩnh Long đến với chữ quốc ngữ rất sớm. Tuy nhiên, nó thật sự phổ biến trong quần chúng từ khi cụ Phan Chu Trinh (1872 – 1926) khởi xướng phong trào Duy Tân (1906 – 1908) “dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, hô hào mở mang trường học, phát triển công thương, cải cách phong tục…

Từ khi ở Vĩnh Long có tổ chức “Hội cách mạng thanh niên Việt Nam”, việc học chữ quốc ngữ càng được khuyến cáo rộng rãi trong các giới đồng bào. Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, người dân Vĩnh Long càng có ý thức học chữ quốc ngữ và dùng chữ quốc ngữ. Nhiều người trong số họ đã thật sự trở thành nhà văn, nhà thơ có tên tuổi ở Nam bộ cũng như trong cả nước, dùng chữ quốc ngữ làm vũ khí sắc bén tấn công kẻ thù, kêu gọi đồng bào đứng lên cứu nước.

Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *