(Tuần Việt Nam) – "Xưa nay, người ta vẫn nói về sức tàn huỷ ghê gớm, hầu như tất yếu của quyền lực. Ông Võ Văn Kiệt – Ông Sáu Dân là một trong số ít người đã không để mình rơi vào sự đánh mất tai hại khi được đặt vào những đỉnh cao quyền lực. Ở Ông có một sức đề kháng cực mạnh chống lại sự tàn huỷ ấy" – Nhà văn Nguyên Ngọc viết.

Một năm đã trôi qua kể từ ngày Ông ra đi. Hầu như ngày nào, trong bất cứ điểm nóng nào ở trong nước hay trong toàn thiên hạ, ta đều da diết cảm thấy thiếu Ông. Mỗi lần như vậy, ta lại tự hỏi, giá còn có Ông, Ông sẽ nghĩ gì và sẽ ứng xử như thế nào đây? Không phải để mà làm theo, mà là để tự mình suy ngẫm và chọn lựa, như cách Ông từng chọn lựa, theo tiếng gọi sâu thẳm nhất của lương tâm, độc lập và bất chấp tất cả.

Tiếng nói của Ông, như ta vẫn nhớ, sâu sắc, quyết liệt mà trầm tĩnh, thấu lý, thấu tình. Không chỉ tiếng nói, mà cả cách nói – cái cách để đưa được tiếng nói ấy đến những nơi cần thiết – vừa triệt để, vừa khéo léo, đến nơi quyền lực cao nhất, đến với nhân dân, với trái tim từng con người.

Khi cần thì tiếng nói ấy cực kỳ mạnh mẽ, mạo hiểm cũng không nề, nhưng có lúc thật nhẹ, thật nhẫn, thật vừa phải, cho từng người nghe, và hợp với tình thế từng nơi, từng lúc. Biết đi tới đến cùng khi nhất thiết phải đi tới, mà cũng biết dừng lại, để chờ… Chờ cho sự vật chín muồi hơn, dẫu sự chờ đợi có thể rất lâu, nhiều khi đau đớn. Sự chờ đợi rất uyên thâm, thường chỉ gặp thấy ở những bậc hiền triết…

Mãi cho đến gần đây, một số cách nhìn, cách nghĩ, cách xử trí của Ông với những vấn đề tinh tế của lịch sử và của xã hội vẫn bị một số người công kích. Nhưng như vậy nghĩa là Ông và những tư tưởng mạnh mẽ của ông vẫn sống.

Sức chiến đấu của những tư tưởng ấy không hề giảm, trái lại, vẫn tham gia sống động vào vận động tư tưởng của xã hội, tiếp tục vạch đường cho xã hội đi tới, dù ngay thuở sinh thời, Ông vẫn biết cuộc đi tới ấy không hề dễ dàng.

Cảm giác về Nhân dân và sự phân hoá thời hậu chiến

 
Ông Võ Văn Kiệt (bìa trái) ra quân cùng lực lượng TNXP năm 1976. Ảnh tư liệu

Vậy vì sao mà con người ấy, rất gần gũi, hết sức bình dị như ta từng biết, xuất thân có thể nói từ gần nơi tận cùng của xã hội, lại đồng thời là một con người có tâm, có dũng, và có trí đặc sắc, cao vời đến vậy?

Tôi cũng thường tự đặt ra cho mình câu hỏi đó, vì biết rằng, cố gắng trả lời câu hỏi ấy cũng là tìm lấy một bài học quý báu cho chính mình, cũng là để suy ngẫm về con người và xã hội quanh ta, để có lòng tin mà sống và làm việc trong ngổn ngang cuộc đời… Tôi thử xin mạo muội "giải mã".

Tôi thường nghĩ, đối với những người đã từng trải qua chiến tranh và cách mạng của chúng ta, thì bên cạnh bao nhiêu điều khác, có lẽ điều quý báu nhất thời kỳ lịch sử khắc nghiệt mà đẹp đẽ ấy để lại cho mỗi chúng ta là bài học về Nhân dân.

Nhân dân vĩ đại, Nhân dân tuyệt vời, Nhân dân vô địch của chúng ta, nguồn gốc sâu xa nhất của mọi thắng lợi. Những người đã được may mắn lăn lộn, đắm mình tận cùng trong cuộc chiến tranh ấy đều được hưởng thứ tài sản quý giá không gì so sánh được đó – cảm giác về Nhân dân.

Đó là một cảm giác rất lạ. Nó ở tận trong chỗ sâu kín nhất của mỗi con người, ở trong máu, chảy sâu thăm thẳm trong từng li ti huyết quản, trở thành lẽ sống vừa lâu dài vừa hằng ngày của chúng ta, cái lẽ vì đó mà ta sống và làm việc từng ngày.

Nó chi phối mỗi suy tư và hành động của chúng ta. Mà ở những người đạt đến tầm cao sâu nhất, thì sự chi phối ấy cứ như là bản năng, cứ thế mà bật ra, hết sức tự nhiên, tưởng nhẹ nhàng như không mà hóa giải cả những khó khăn tưởng như bế tắc. Theo cách nào đó, cũng có thể nói đó phát hiện lớn nhất, sâu nhất, ở tầm cao và chiều sâu mới, về Nhân dân, vô địch và trường tồn.

Đó là phát hiện cho cả đất nước, cho sự sống còn lâu dài của dân tộc, và cho từng con người… Cũng chính từ đó mà có sự phân hóa trong thời "hậu chiến" giữa những người còn giữ được cảm giác về Nhân dân, còn giữ được lẽ sống khắc ghi một lần trong đời cho mãi mãi ấy, và những người đã đánh mất đi cảm giác đó.

Theo tôi, đấy có thể là sự phân hóa quan trọng nhất diễn ra sau chiến tranh, vẫn đang tiếp diễn bây giờ. Và lạ thế, mà cũng khắc nghiệt thế, cuộc sống hậu chiến rất dễ khiến người ta rơi vào tình thế đánh mất kia. Như ta từng chứng kiến, đã chứng kiến, và đang còn chứng kiến hàng ngày.

Sáu Dân – người học trò hiếu nhất, giỏi nhất của Nhân dân

Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ các cán bộ lão thành cánh mạng và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Bình Chánh – thành phố Hồ Chí Minh (tháng 5/1995). (Ảnh do gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cung cấp)

Xưa nay, người ta vẫn nói về sức tàn huỷ ghê gớm, hầu như tất yếu của quyền lực. Ông Võ Văn Kiệt – Ông Sáu Dân như ta thường gọi một cách kính trọng mà thân tình, là một trong số ít người đã không để mình rơi vào sự đánh mất tai hại khi được đặt vào những đỉnh cao quyền lực. Ở Ông có một sức đề kháng cực mạnh – và chính vì cực mạnh nên trông lại có vẻ rất nhẹ nhàng – chống lại sự tàn huỷ ấy.

Sức đề kháng ấy đến từ cảm giác về Nhân dân, Ông giữ được suốt đời, như vật báu thiêng liêng nhất của mình… Chính vì vậy mà Ông cũng được hưởng trọn vẹn tất cả những gì là tốt đẹp nhất của cái thực thể vô cùng kỳ lạ mà ta gọi là Nhân dân kia : trí tuệ của Nhân dân, sự thông minh, uyên bác không cùng và vô cùng kỳ lạ của Nhân dân. Đức nhân hậu và lòng bao dung tuyệt vời và bất tận của Nhân dân. Đức công bằng sâu xa của Nhân dân. Sự anh minh có tính lịch sử của Nhân dân…

Chính qua Ông Sáu Dân mà ta có thể hiểu sâu thêm về Nhân dân : Nhân dân như là một nhân vật kỳ diệu có cả hai mặt, chừng như đối lập mà lại hài hòa một cách tuyệt vời : Nhân dân nhân hậu một cách giản dị – như kiểu các bà cụ già từ bi và dân dã ta vẫn gặp lên chùa các ngày lễ Phật, lại vừa có cái nhân hậu, bao dung, công bằng đầy trí tuệ và cao siêu của các bậc minh triết.

Ông Sáu Dân đã hưởng được điều đó, hạnh phúc đó, đã giữ được trọn vẹn điều đó trong cả cuộc đời mình, trong tất cả các giai đoạn và ở tất cả các vị trí cuộc sống của đất nước đã giao cho Ông. Cũng có thể nói cách khác : Ông là một trong những người học trò hiếu để nhất, giỏi nhất của Nhân dân. Nhân dân hạnh phúc được có Ông, và Ông hạnh phúc được có Nhân dân…

Khí tiết của một nhà Nho? Cũng từ Nhân dân mà ra

Cố TT Võ Văn Kiệt bình dị giữa đời thường (Ảnh tư liệu)

 
Có người hỏi : Dường như trong Ông Sáu Dân còn có nét đặc sắc này nữa : cái khí tiết của nhà Nho, tuy Ông không hề xuất thân từ tầng lớp ấy. Vì sao vậy? Có thể thế này chăng : Cũng vẫn là vấn đề Nhân dân đấy. Bằng trí tuệ tuyệt diệu của mình, Nhân dân ta, từ trong chốn làng quê xa xôi và nghèo khổ nhất, đã rất thông minh, trong suốt lịch sử lâu dài, chắt lọc được những gì là tinh túy nhất của nền triết học uyên thâm ấy – đồng thời loại bỏ đi những mặt tiêu cực của nó một cách cũng rất thông minh – để tạo nên một khía cạnh đạo đức làm người quan trọng của mình.

Dân gian hóa, Việt hóa – một giá trị lớn của văn hóa nhân loại. Là người của Dân, Ông Sáu Dân cũng hưởng được cái tinh hoa đó, lại ở mức cao nhất. Ông là người có khí tiết lớn như thế nào, ta từng biết, cái khí tiết cũng thật đặc biệt, vừa rất dân giã, vừa rất "Nho gia", rất hào kiệt, rất sĩ phu!

Chúng ta đã có được một con người như vậy, ta rất đau đớn khi Ông đột ngột ra đi, nhưng có lẽ một năm qua cũng đã cho chúng ta hiểu ra được được một điều khác trong lẽ tử sinh : một con người như Ông thì không chết. Tư tưởng của Ông, hình ảnh Ông, tấm gương của Ông vẫn hết sức sống động với chúng ta từng ngày.

Thời gian, theo quy luật khắc nghiệt của nó, sẽ xòa mờ đi tất cả, nhưng cũng còn một quy luật khác, mạnh mẽ không kém : Có những điều, những con người mà thời gian, ngược lại, sẽ chỉ soi sáng thêm lên, vừa ngày càng rõ ràng, vừa như mãi còn bí ẩn, như ngọn núi kia, càng đứng ra xa mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu.

Nguyên Ngọc – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *