Bên bờ hạnh phúc

Không bàn đến những chuyện khác, nhưng chuyện về phong thái làm việc thời hiện đại thì người Hà Nội phải học người Sài Gòn. Cơm đĩa và trà đá là một trong những yếu tố làm nên phong thái làm việc thời hiện đại ấy. Nhưng nếu đánh mất phong cách uống trà của người miền Bắc mà đại diện là người Thăng Long – Hà Nội thì lại là một câu chuyện khác của văn hoá.

Năm 1979, lần đầu tiên tôi đặt chân lên Sài Gòn. Đấy là một chuyến đi kỳ thú và thật quyến rũ. Trên một toa tàu bụi bặm, ồn ĩ, nồng nặc mùi mồ hôi và hàng hóa, tôi là kẻ may mắn có được chiếc vé ngồi bên cửa sổ toa tàu. Và thế, tôi thoả mắt ngắm nhìn phong cảnh những miền đất của đất nước mình nhưng lần đầu tiên mới biết đến. Trong suốt thời gian từ Hà Nội vào Sài Gòn, điều quyến rũ tôi là những ga xép thuộc phần đất miền Nam mà đoàn tàu dừng lại để lấy khách và trả khách, mỗi khi tàu dừng, hành khách lại gọi nhau xuống sân ga để chiêm ngưỡng. Cho đến bây giờ, những cái tên ga như Đông Hà, Lăng Cô, Diêu Trì, Mường Mán, Tháp Chàm… vẫn mãi mãi ấn tượng tôi.

Trên những sân ga đó, tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi những món ăn của người miền Nam với cách bày hàng, cách mời chào khách hàng, màu sắc của món ăn… Nhưng có một thứ mà tôi thực sự ngạc nhiên và khi nếm thử bỗng nghiện ngay, nhất là khi bạn đang hành trình trên một chuyến tàu chật chội, oi bức và mệt mỏi. Đó là trà đá.

Sau chuyến đi đó, tôi trú ngụ ở Sài Gòn ba năm liền. Và trà đá đã hoàn toàn thống trị tôi. Khi ăn cơm phần, mà Sài Gòn gọi là cơm đĩa, có một ly trà đá thì thật hợp lý hết chỗ nói. Khí hậu Sài Gòn, cơm đĩa sườn nướng với gia vị Sài Gòn và một ly trà đá sẽ làm “thăng hoa” vị giác của bữa ăn.

Sau năm 1975, hầu hết những người lính miền Bắc vào giải phóng Sài Gòn trở về nhà mang theo hai thứ liên quan đến ẩm thực : đồ nấu lẩu và món trà đá. Những thứ này không có ở miền Bắc trước đó. Chỉ sau đó mấy năm, hai thứ này thống trị cả Hà Nội nếu không nói cả miền Bắc.

Người miền Bắc, đặc biệt người Hà Nội, trước năm 1975 không có khái niệm uống trà đá. Họ uống trà nóng và khá cầu kỳ. Có người nói do khí hậu mà người miền Bắc không uống lạnh. Lý giải này đã thất bại. Bởi cho đến bây giờ, người Hà Nội dùng nước đá cả mùa đông giá lạnh.

Bản thân tôi là một “nạn nhân” trong cuộc “chinh phạt” của trà đá Sài Gòn. Theo tôi, đó là vì trước năm 1975, người Hà Nội chưa được biết nhiều về các loại đồ uống ướp lạnh hay có đá. Thời ấy, hỏi có mấy người ở Hà Nội có tủ lạnh, trong khi đó thì quá nhiều gia đình ở Sài Gòn đã dùng tủ lạnh như một đồ dùng thông thường. Vì thế mà có một câu chuyện cười về người miền Bắc ăn kem. Một người nhà quê ra Hà Nội, thấy họ ăn kem cũng mua. Nhưng thấy cây kem bốc hơi thì nghĩ nó nóng quá và không ăn, cứ cầm cây kem để chờ nguội rồi mới ăn. Và khi nhìn xuống cây kem thì chỉ còn lại cái que kem mà thôi.

Tôi nhớ một chiều mùa hè ngột ngạt cách đây 42 năm. Cha tôi đạp xe từ thị xã Hà Đông về nghỉ cuối tuần ở quê. Ông mang theo một cục đá chừng 2 kg mà ông mua từ một xưởng làm kem của thị xã. Ông pha nước chanh và bỏ từng viên đá nhỏ vào cho cả gia đình uống. Và lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi đã mê đi khi uống thứ nước đó.

Hồi đó, ở quê tôi, trong vườn nhà ai cũng trồng một hoặc hai cây chanh. Vì thế mà chuyện uống nước chanh không có gì lạ. Nhưng khi nước chanh ấy được bỏ vào mấy cục nước đá thì nó đã trở thành một thứ đồ uống “chết người”.

Sau lần ấy, mỗi khi bị sốt, tôi thường đòi mẹ tôi cho uống nước chanh đá. Nhưng thời ấy, mẹ tôi không thể nào tìm đâu được thứ nước đó. Nó giống như thứ nước thần trong truyện cổ.

Để mang được một cục nước đá từ thị xã về quê, cha tôi phải dùng trấu cho vào một cái túi, bỏ vùi cục nước đá trong đó rồi bọc nhiều lớp giấy báo giữ nhiệt. Thời đó, tôi đã từng nhặt những viên nước đá nhỏ như những hạt muối mà khi cha tôi đập cục nước đá bắn ra trên nền nhà và đặt vào lưỡi, rồi nhắm mắt lại cảm nhận cái hạt muối không vị kia truyền lan vào da thịt mình cảm giác mát lạnh.

Nói thế lại nhớ đến những người Colombia ở cái làng Marcondo của G.Market đã đổi những đồ dùng quí giá trong nhà để lấy một cục nước đá và nghĩ đó là sản phẩm của những siêu nhân mà thực ra là của mấy gã bán hàng rong hiện đại. Bây giờ, trong các quán cơm bụi cho đến các quán cơm văn phòng và cả những nhà hàng lớn, người ta đều uống trà đá khi ăn. Ngay ở quê tôi bây giờ mà pha nước hoa quả không có đá, người ta cũng không hào hứng uống. Bây giờ, đi ăn trưa cùng đồng nghiệp, tôi thường nghe câu nói : “Gọi ly trà đá ăn cho ngon miệng”. Thực tế quả đúng vậy, khi ăn cơm, uống nước lạnh rất dễ ăn. Nhưng dễ uống hơn là trà đá.

Việc ăn uống hay việc mặc không chỉ dừng lại ở chuyện ẩm thực hay thời trang. Nếu bạn suy ngẫm kỹ một chút, bạn sẽ thấy phong cách uống trà đá đã có tác động gián tiếp đến phong cách công sở của người Hà Nội. Trước kia, nhiều công sở ở Hà Nội rất mất thời gian với một phong thái rề rà ngồi uống trà của các công chức. Tôi là kẻ nghiện ngập nhiều thứ, trong đó có trà. Nhưng tôi cũng đã chối từ cảnh khề khà quanh bàn trà trong công sở. Nó làm tôi cảm thấy trì trệ. Tất nhiên, thú uống trà của người Bắc là một thú chơi tao nhã, nhưng không nên dùng nó trong khi làm việc.

Những chuyện khác tôi không bàn đến, nhưng chuyện về phong thái làm việc thời hiện đại thì người Hà Nội phải học người Sài Gòn. Cơm đĩa và trà đá là một trong những yếu tố làm nên phong thái làm việc thời hiện đại ấy. Nhưng nếu đánh mất phong cách uống trà của người miền Bắc mà đại diện là ngư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *