Bên bờ hạnh phúc

Đầu năm 1940, phong trào cách mạng trong nước, trong tỉnh đã chuyển sang một bước mới : thi hành Nghị quyết Trung ương Đảng, thực hiện chiến lược Mặt trận dân tộc phản đế, chống đế quốc, chống chiến tranh, giành độc lập cho Tổ quốc. Phong trào sôi nổi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ trong trại lính đến ngoài quần chúng nhân dân.

Năm 1940, ông ngoài 70 tuổi nhưng còn tráng kiện, đã tích cực tham gia mọi hoạt động chuẩn bị cho cuộc bạo động khởi nghĩa cướp chính quyền theo chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ lúc bấy giờ.

Ngày khởi nghĩa đã đến.

11 giờ đêm 22/11/1940, các cánh quân bắt đầu tập trung :

– Cánh thứ nhất : là lực lượng chính, đông nhất, xuất phát từ nhà ông Lý Trung Chánh. Các đồng chí lãnh đạo trong Quận ủy Tam Bình : đồng chí Nguyễn Hiếu Tự (Bí thư Quận ủy Tam Bình), đồng chí Phan Văn Đáng, các đảng viên, lực lượng nòng cốt trai trẻ, trong đó có con trai và cháu nội ông là Lý Văn Mẫn, Lý Văn Hòa kết hợp với cánh ở Sa Co, Hòa Bình, Thới Hòa ra do đồng chí Đặng Văn Nhứt – Bí thư Chi bộ Tường Lộc – lãnh đạo. Cánh này có nhiệm vụ đánh chiếm đồn lính và dinh quận Tam Bình.

– Cánh thứ hai : gồm lực lượng dưới xóm Rạch Hàn, xã Mỹ Thạnh Trung và trên kinh xáng xuống, đi bọc lộ sau, chia một lực lượng đốt nhà việc Mỹ Thạnh Trung, một lực lượng phá hoại mang cưa cá mập, búa rìu và nhiều thùng dầu hỏa đốt phá cầu Cái Sơn, Ba Kè, cưa những cây sao lớn hai bên đường để cản xe tiếp viện của địch từ TXVL xuống. Phân công cho con gái thứ sáu của ông (Lý Thị Sảnh) vận động chủ xe đò (Ba Sua) đưa xe ra khỏi thị trấn Tam Bình bằng cách bảo chủ xe (nói dối) là đi thăm mẹ chồng đang hấp hối để đề phòng địch tịch thu xe chở binh tiếp viện.

– Cánh thứ ba : phân công một lực lượng nhỏ đánh chiếm đồn Trà Luộc thuộc huyện Trà Ôn, giáp ranh huyện Tam Bình.

Đối với mục tiêu chủ yếu của cuộc khởi nghĩa là dinh quận và trại lính bảo vệ dinh quận, Ban lãnh đạo khởi nghĩa giao cho đồng chí Phan Văn Đáng (Hai Văn) chỉ huy trực tiếp. Nhận nhiệm vụ, đồng chí Phan Văn Đáng liền xuống xã Tường Lộc để phổ biến nhiệm vụ và thống nhất phương án hành động với đồng chí Đặng Văn Nhứt – Bí thư xã Tường Lộc. Đồng chí Phan Văn Đáng và đồng chí Đặng Văn Nhứt đến nhà ông Lý Trung Chánh – điểm tập kết – để tổ chức huy động lực lượng. Khi có mặt đông đủ, ông Lý Trung Chánh thấy đồng chí Phan Văn Đáng tay không, ông liền hỏi đồng chí Phan Văn Đáng : “Mày không có gì cầm tay à?”, rồi ông vào nhà sau, xách ra con dao phay lớn đưa cho đồng chí Phan Văn Đáng. “Con dao” từ người tiền bối cách mạng đã cổ vũ niềm tin, lòng tự hào cho người chỉ huy trận đánh quyết định sắp tới.

Đúng 12 giờ đêm 22 rạng 23/11/1940, đồng chí Phan Văn Đáng ra lệnh tấn công. Tiếng trống mõ cùng với tiếng thét xung phong vang lừng làm chấn động cả một vùng quận lỵ Tam Bình. Ba cánh quân đều tấn công vào mục tiêu đã định. Cuộc khởi nghĩa mở đầu bằng cuộc đánh chiếm đồn binh huyện Tam Bình giành được thắng lợi. Ta lấy được hai súng, chém trọng thương tên đồn trưởng. Nhưng, đánh chiếm dinh quận, ta không thực hiện được, địch phản công quyết liệt. Đồng chí Nhứt – Bí thư Chi bộ Tường Lộc – trúng đạn ở bụng, bị trọng thương. Ta được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Các cánh quân khác đã hoàn thành nhiệm vụ, đánh chiếm được đồn Trà Luộc, đốt cháy hết sổ sách trong nhà việc Mỹ Thạnh Trung, đốt cầu Cái Sơn – Ba Kè, cưa cây cản đường xe tiếp viện của địch từ Vĩnh long xuống, đưa được xe đò ra khỏi thị trấn Tam Bình…

Sau cuộc khởi nghĩa, địch đã điên cuồng khủng bố trả thù. Chúng điều động một đại đội lính người Khmer về Tam Bình, kết hợp với bọn lính làng bắn giết nhân dân. Bọn này vênh vang tuyên bố : “Tìm diệt cộng sản không còn con đỏ!” và “Thà giết lầm còn hơn bỏ sót!”. Vào lúc 10 giờ sáng ngày 24/11/1940, bọn lính đến vây nhà, bắt ông Lý Trung Chánh và cháu nội ông là Lý Thị Quyên. Ít ngày sau, chúng bắt con trai ông là Lý Văn Mẫn, Lý Phùng Xuân.

Địch đưa ông ra Tòa đại hình Sài Gòn xét xử, kết án tù chung thân khổ sai rồi đày ra Côn Đảo lần hai. Năm đó, ông 72 tuổi. Tuổi cao, không chịu nổi chế độ vô cùng khắc nghiệt của lao tù, ông đã mất tại Côn Đảo vào ngày 9/3/1942. Lúc đó, ông 74 tuổi.

Sau khi ông mất, người con trai thứ mười của ông là Lý Văn Mẫn cũng đang bị đày khổ sai tại Sở đá Côn Đảo đã làm một bia đá đến đặt tại mộ ông ở Hàng Dương.

Lúc này, con trai cả của ông là Lý Phùng Xuân và con rể thứ sáu của ông là Võ Tuấn Đức cũng đang bị đày ở Côn Đảo, nhưng bị giam cấm cố ở banh III, không ra được.

Điều đặc biệt đáng ghi nhận trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Lý Trung Chánh là ông đã tuyên truyền giác ngộ và lôi cuốn toàn bộ những người thân trong gia đình tham gia cách mạng.

Trong thời kỳ 1930 – 1931 và Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, trong gia đình ông trước sau có 8 người bị bắt vì tham gia hoạt động cách mạng, bao gồm bản thân ông, 4 con trai, một con gái, 2 con rể bị địch kết án và bị tù đày, trong đó có 6 người bị đày ra Côn Đảo (1).

Vợ ông là bà Võ Thị Nhiều – một phụ nữ cùng chí hướng với ông – không những hết lòng giúp đỡ chồng con hoạt động cách mạng, mà còn nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng. Trong những năm 1930 – 1935, chồng và các con trai bị địch bắt giam cầm, bà cùng hai con gái đảm đang mọi việc trong gia đình, tích cực nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng, tích cực thực hiện những việc Đảng giao : in – rải truyền đơn. Đánh giá về bà, ông Nguyễn Văn Nhung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long năm 1931 đã viết trong Hồi ký của mình : “Đây là một bà mẹ rất đáng quý trọng, rất xứng đáng được Đảng tuyên dương”. Bà bị bệnh mất năm 1938.

Ghi nhận những công lao to lớn của Lý Trung Chánh, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng đã lấy tên ông đặt tên cho một con đường tại thị trấn Tam Bình : đường Lý Trung Chánh (từ chợ Tam Bình thẳng vô xóm Rạch Hàn trước nhà ông).

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Lý Trung Chánh rất sôi nổi và vẻ vang. Ông đã giữ trọn lời thề của một người đảng viên khi gia nhập Đảng Cộng sản năm 1930 : Phấn đấu đến hơi thở cuối cùng cho mục tiêu của Đảng, cho quyền lợi dân tộc, Tổ quốc và của nhân dân.

Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Những người con trung hiếu
————————————-

(1) Cả gia đình có 11 người tham gia cách mạng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *