Bên bờ hạnh phúc

Những năm đầu của thế kỷ XXI, trong các ngày lễ lớn, Đoàn Thanh niên thường tổ chức nói chuyện kháng chiến để giáo dục truyền thống và người hay xuất hiện cùng bạn trẻ trên diễn đàn là một cụ già, dáng ốm, cao, khỏe mạnh, tóc bạc, chòm râu trắng, tiếng nói còn sang sảng, chắc nịch. Đó là ông Nguyễn Văn Nhung, bí danh Ba Sa, một người chiến sĩ khởi nghĩa Nam kỳ, quê ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm.

Người cán bộ có chiều sâu tuổi đời, thâm niên tuổi Đảng, đi làm cách mạng từ tuổi đôi mươi, tham gia trụ cột trong khởi nghĩa Nam kỳ, khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, dày dặn gian lao, vượt qua muôn vàn thách thức, ăn lùm ngủ bụi, bám đất bám dân, phát động phong trào, đội bao đạn pháo, nhiều lần trong tầm hơi cay, chất độc hóa học, người chiến sĩ ấy vẫn như cây cổ thụ sừng sững trước cơn bão táp phong ba.

TUỔI TRẺ VÀ MÔI TRƯỜNG BẤT CÔNG

Ông Nguyễn Văn Nhung ghi lại trang đời của mình :
 

 


Lâu rồi, tôi muốn ghi lại về đời mình nhưng chưa có dịp. Con cháu hỏi, tôi ít nói. Nay nhân ngày sinh nhật thứ 87 của tôi (17/1/1917), tôi nói để con cháu hiểu, suy gẫm trong cách sống, thương yêu nhau, đoàn kết giúp đỡ nhau, làm cái gì đó có ý nghĩa cho đời.

Tôi sinh ra trong thời kỳ Tây đô hộ nước ta. Thế giới chiến tranh lần thứ nhất đầy khốc liệt, xã hội đầy bất công. Ông già tôi nghèo lắm, lại bị năm Thìn bão lụt, từ Bến Tre sang ở Rạch Bàn (Càng Long) rồi gặp người phụ nữ nghèo đi sinh cơ mưu sinh từ đất Mỏ Cày trôi dạt qua. Hai người xây dựng gia đình. Có lẽ nghèo do đông con một phần. Song cái gốc là chỉ sống nghề làm ruộng. Ruộng nhà thì gò nổng thất bát. Ruộng mướn thì đóng tô quá cao, thuận mùa đủ trả nợ, mất mùa phải hỏi lúa vay. Có năm làm ruộng, xong thuế ruộng, thuế vay còn không đủ, phải đi làm mướn tiếp mới đủ sống. Cha tôi là Nguyễn Văn Hậu (Mười Hậu), mẹ tôi là Võ Thị Đậu, có 6 người con , ba gái ba trai. Tôi là con thứ năm, ba chị lớn là gái nên tôi được gia đình chăm sóc chu đáo. Ba má tôi thường nói, đời ông bà quá khổ cực nên khuyên tôi ráng học, mai ra làm thầy giáo, thợ máy, hay thầy thuốc dìu dắt đàn em đỡ tấm thân.

Người ta giàu có, làm ruộng có trâu cày, xe cộ lúa, còn gia đình tôi làm ruộng phát chế lạng, gặt lúa, vác lúa bằng sức mình. Ba má tôi làm giỏi, chịu khó cực nhọc nên lúa trúng. Ngoài ra, ba tôi còn biết làm thợ mộc khéo tay. Cha mẹ xoay xở việc nhà cho tôi đi học. Có năm, mẹ tôi còn đi Ba Xuyên, Long Xuyên gặt mướn suốt mùa, tay chai, thế mà chỉ được có 30 đồng. Mẹ tôi ráng mua cho tôi một chiếc xe đạp 24 đồng sau khi học hết lớp 3 ở xã Trung Ngãi lên thị trấn Vũng Liêm học tiếp vì đường xa 4 – 5 cây số. Thế là 11 tuổi, tôi biết chạy xe đạp về huyện học. Chiếc xe đạp thời đó quý hơn chiếc xe honda loại xịn bây giờ.

Ba tôi thường kể, ruộng nương ông Huỳnh Văn Chắc, ông có vài trăm công. Ba tôi làm ruộng giỏi nên ưu tiên được mướn, còn người nghèo, sức khỏe kém thì mướn ruộng không được. Vì tá điền làm ruộng kém, chủ điền cũng bị thất thu, nợ chồng lên nợ. Ba tôi mướn một công đất 6 giạ lúa, nhưng tiếng một công chớ khoảng 700 mét vuông, thành thử thiếu đất. Đóng lúa ruộng, các giạ dư bình quân một công đóng tô 8 giạ lúa, mà đất trúng chỉ 10 giạ là cùng. Cho nên, làm, địa chủ hưởng hết.

Mướn đất bị thiệt thòi như vậy, bọn tề trong làng còn hay hoạnh họe. Mỗi mùa thu hoạch khá thì chúng phao vu ba tôi ăn cắp phảng đàng xóm, hoặc phao tin xóm mất cái gì đó, nghi ba tôi để chèn ép, buộc lo lót. Mướn làm cái đơn phải tính mất hai cắc, bằng một giạ lúa, mướn thầy kiện binh vực lẽ phải cho thân chủ, mất 20 – 30 giạ lúa. Cho nên, ba mẹ tôi thường nhắc nhở con ráng học, phải biết chữ và đừng để ai ăn hiếp.

Ba tôi còn kể, một số người trong làng hết đời ông ở đợ, đời con, đến đời cháu cũng ở đợ, suốt ngày đầu tắt mặt tối. Cái khổ nhất là ở đợ cắt cỏ cho ngựa ăn, hốt phân, đập muỗi đã đành, cực nhất là chủ đi đâu cỡi ngựa, người ở mướn phải chạy lốc tốc theo sau. Khi ngựa phi nước rút, người chăn ngựa chạy theo bất kể chết. Ngựa đến nơi thì người nài cũng đến nơi, múc nước, cắt cỏ cho ngựa ăn. Ngựa bị mòng rận cắn nổi u sần, người chăn nằm xuống bị ăn roi. Coi người ở mướn thua con ngựa họ. Rồi những năm thiên tai mất mùa. Rồi bệnh hoạn, tấm thân nghèo cơ cực đói khát, cuộc sống cù bơ cù bất.

Tôi lên Vũng Liêm học, sáng ăn cơm, có gà-mên dỡ theo vài con tép kho hoặc mắm muối. Mấy chị tôi cưng, khuya nào cũng kêu tôi dậy học bài, có chị nấu cơm dỡ sẵn. Bữa nào không có thì cho nửa đồng xu mua bánh mỳ ăn ở ngoài thị trấn. Thầy Trần Kim Giáo, thầy Tỵ và thầy Đặng Văn Bảy thấy tôi chăm học nên thương, ân cần dạy dỗ từng ly từng tý. Bảng vàng danh dự hàng tuần tôi được đứng đầu bảng và cuối năm có lãnh thưởng.

Thầy giáo Bảy dáng người cao lớn, nói năng mực thước chậm rãi, dễ nghe dễ hiểu. Trong giảng bài, tôi nhớ ông có lồng nội dung quyển tiểu thuyết “Nam nữ bình quyền” của ông để tên bút hiệu Hoàng Sơn. Ông hỏi tại sao Pháp cai trị mở trường học, đắp đường sá? Chúng nói mở mang dân trí, khai hóa văn minh, mở mang kinh tế. Thực tế đi học biết chữ để sau này làm thuê cho chúng. Chỉ nai lưng làm người thuộc địa, không có quyền gì cả. Còn đường sá dân ta nghèo đâu có xe hơi mà đi, đa số là Tây và người thân cận họ đi. Ông trở lại quyển tiểu thuyết “Nam nữ bình quyền”, ví như mỗi nước độc lập tự do quan hệ mới bình quyền, còn nước thuộc địa thì làm gì có tự do bình quyền. Việt Nam như người phụ nữ đẹp mà mất tự do, để người đàn ông hiếp đáp thì không có bình quyền, bình đẳng. Một đất nước còn nô lệ thì không có bình quyền, dân còn khốn khổ.

Nghe thầy giáo Bảy giảng, tôi thấy hay quá, còn ba tôi dạy tôi liên hệ Lục Vân tiên đánh giặc Ô Qua, nào Tử Lộ hiếu thảo… Từ đó tạo cho tôi bắt đầu suy nghĩ việc hiếu đễ, việc nước và việc ngoài đời.

Mẹ tôi đi bán heo con, gánh một lần 6 con từ Giồng Ké đến Trà Vinh gần 30 cây số để bán. Bán xong đi xe hành khách về. Vì xe đò một ngày có một chuyến, vả lại đi bộ đỡ tốn tiền. Mất mấy năm tiện tặn, sau khi tôi đậu tiểu học, mẹ tôi dẫn tôi lên Vĩnh Long rồi qua Mỹ Tho, tôi thi vào trường trung học. Thi chuyển cấp tuyển lấy ít quá, tôi rớt. Về ba mẹ tôi an ủi : “Thôi, tiếp tục làm ruộng chớ không làm thầy làm thợ gì hết!”. Nghèo không tiền làm sao tiếp tục học ra làm thầy giáo? Trong 6 anh chị em, chỉ có tôi là học hết tiểu học, các chị em tôi chỉ học đến lớp một, lớp hai là cùng.

Về làm ruộng, sau khi phát mệt, ngồi ngẫm nghĩ câu nói của thầy giáo Bảy : Tây có chương trình học tới lớp ba là vô trường bắt học sinh nói, sinh hoạt với nhau bằng tiếng Pháp, nói tiếng Pháp để làm theo người Pháp. Ai nói tiếng Việt bị cồng-sin (consigne, tức bị phạt thụt dầu). Cái học bị ràng buộc ngay tại nhà trường chớ chưa nói đến ngoài xã hội…

Nguyễn Long Hồ – Theo sách Những người con trung hiếu

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *