Bên bờ hạnh phúc

Đầu năm 1945, phát-xít Đức liên tục bại trận, có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp kết thúc. Ở Đông Dương, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp.

Tại Vĩnh Long, lính Nhật đánh chiếm thị xã vào ngày 10/3/1945. Hệ thống đàn áp, cai trị của thực dân Pháp bị phá vỡ, thay vào đó là bộ máy phát-xít Nhật. Tuy nhiên, phát-xít Nhật liên tiếp thua trận, không thể kiểm soát nổi tình hình. Ở Vĩnh Long, chính quyền thân Nhật rệu rã, Mặt trận Việt Minh thật sự trở thành chỗ dựa của nhân dân Vĩnh Long. Cùng lúc này, một số cán bộ cách mạng bị thực dân Pháp bắt đã thoát khỏi nhà tù, trở về địa phương tiếp tục hoạt động.

Để chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945, Liên Tỉnh ủy phân công ông Lưu Văn Tài về Tam Bình, cùng với Đảng bộ Tam Bình lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền Cách mạng tháng Tám ở quận lỵ Tam Bình. Còn ở tại tỉnh lỵ Vĩnh Long, các ông Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Thế vượt ngục từ Bà Rá về, tập hợp lực lượng thành lập Chi bộ đặc biệt do ông Thiệt làm Bí thư, lãnh đạo cướp chính quyền.

Tháng 6/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập tại tỉnh lỵ Vĩnh Long do bác sĩ Trương Ngọc Quế làm thủ lĩnh đã lôi cuốn nhiều tầng lớp thanh niên tham gia và hoạt động khá rộng trên địa bàn từ tỉnh lỵ xuống các quận lỵ trong tỉnh.

Trưa ngày 24/8/1945, chỉ thị về Tổng khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ được chuyển đến Tỉnh ủy Vĩnh Long. Ngay sau đó, chỉ thị được đưa nhanh xuống các địa phương trong tỉnh. Khắp nơi trong tỉnh đồng loạt nổ ra khởi nghĩa giành chính quyền. 7 giờ sáng ngày 25/8/1945, các xã trong quận Tam Bình và Trà Ôn, Thanh niên cứu quốc và Thanh niên Tiền phong kết hợp cùng hàng ngàn quần chúng cách mạng, được trang bị, vũ trang bằng súng lửa, kiếm, dao găm… bao vây dinh quận, hô các khẩu hiệu : “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đả đảo Pháp – Nhật”. Tại Tam Bình, ông Lưu Văn Tài làm Trưởng ban khởi nghĩa đã lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền lúc 12 giờ trưa ngày 25/8/1945. Sau đó, lực lượng kéo qua tiếp sức cho quận lỵ Trà Ôn.

Ở tỉnh Vĩnh Long, chính quyền Nhật từ cấp tỉnh đến quận, làng đều bị sụp đổ vào ngày 25/8/1945.

Tháng 9/1945, để củng cố và tăng cường bộ máy thống nhất lãnh đạo, tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị. Cuộc hội nghị đi đến thống nhất thành lập Tỉnh ủy lâm thời thống nhất do ông Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư, ông Nguyễn Hữu Thế – Phó Bí thư. Ông Lưu Văn Tài được bầu làm Tỉnh ủy viên lâm thời, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND và Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh quận Tam Bình cho đến năm 1946. Từ năm 1946 đến 1949 là Ủy viên Thường trực Mặt trận Việt Minh quận Tam Bình kiêm Bí thư Chi bộ cơ quan.

Từ năm 1949 đến 1953, do bị địch tra tấn ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật thường xuyên nên ông được phân công chỉ đảm nhiệm Ủy viên Thường trực Mặt trận Việt Minh quận Tam Bình, sau đó làm Ủy viên BCH Công đoàn tỉnh, rồi làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt quận Tam Bình kiêm Bí thư Đảng – Đoàn Mặt trận. Có thời gian, ông đau nặng, phải đi trị bệnh ở Quân y viện Phân Liên khu miền Tây (Nam bộ). Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, tiếp tục trị bệnh. Sau đó, ông lập gia đình với người bạn đời là bà Nguyễn Thị Cánh, sinh sống và làm việc ở miền Bắc. Ông bà sinh được bà người con (hai gái, một trai).

Năm 1955, ông được phân công làm cán bộ chống cưỡng ép di cư của Thành ủy và làm cán bộ Mặt trận thành phố Hà Nội. Năm 1958 – 1960, ông được điều qua công tác ở trường Nguyễn Ái Quốc – Hà Nội.

Năm 1964 – 1974, do bệnh tình tái phát nhiều lần, sức khỏe có hạn chế trong phục vụ công tác nên ông được giải quyết chính sách hưu, nhưng do yêu cầu công tác nghiên cứu lịch sử Đảng ở địa phương miền Nam và Vĩnh Long nên ông được phân công làm Phó Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Vĩnh Long tại Hà Nội và làm Phó Trưởng ban liên lạc đồng hương kết nghĩa Vĩnh Trà với Thái Bình. Sau đó, ông được Đảng và Nhà nước cho đi an dưỡng, nghỉ mát ở châu Âu rồi cùng với Đoàn cán bộ lão thành cách mạng Việt Nam đi dưỡng bệnh ở Trung Quốc.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), thống nhất đất nước, ông cùng gia đình trở về quê hương Tam Bình. Ông mất năm 1990 sau cơn bạo bệnh, thọ 76 tuổi.

Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý : Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy hiệu 40, 50 năm tuổi Đảng.

Phạm Công Lộc – Theo sách Những người con trung hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *