Công trình này không những góp phần giáo dục truyền thống một cách trực quan, sinh động, nhẹ nhàng, mà còn là nơi vui chơi, giải trí cho nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Mang ý nghĩa của sự bền vững vĩnh cửu, những tảng đá nặng hàng trăm tấn từ phương Bắc xa xôi đã được chở về đây làm chất liệu để xây đài kỷ niệm KNNK – một sự kiện lịch sử không thể nào phai đối với hậu thế hôm nay. Nói đến KNNK ở Vĩnh Long, thì người ta nghĩ ngay đến cuộc khởi nghĩa ở huyện Vũng Liêm. Không phải ngẫu nhiên mà nơi đây được gọi là quê hương của KNNK. Năm 1940, trong khi ở một số nơi, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại ngay khi chưa kịp bùng nổ, thì ở Vũng Liêm, dưới sự lãnh đạo của nữ Bí thư Huyện ủy Hà Thị Lan (tức Nguyễn Thị Hồng), cuộc khởi nghĩa đã diễn ra quyết liệt ở một số xã trong huyện. Tại một số mặt trận lớn như quận lỵ, Bắc Nước Xoáy, Quới Thiện… nghĩa quân đã làm chủ các mục tiêu, đẩy địch vào tình thế bị tê liệt. Tại quận lỵ, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện và tung bay trên dinh lũy quân thù, thể hiện mãnh liệt khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Tự hào thay, lá cờ ấy đã được xác lập là Quốc kỳ của nước Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Phát huy truyền thống ấy, cùng với nhân dân cả nước, người dân Vũng Liêm vùng dậy giành lấy chính quyền tháng 8 năm 1945, sau đó tiếp tục thắng lợi trọn vẹn trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày 30/4/1975 đã trở thành mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung và của người dân Vũng Liêm nói riêng.

Trong những bài học lịch sử của quê hương mà các em được học hôm nay có cả những câu chuyện về truyền thống đấu tranh bất khuất trên đất Vũng Liêm quê mình. Đó là những câu chuyện về những anh hùng liệt sĩ như Nguyễn Chí Trai – người từng làm địch phải kinh hoàng trên lộ 53, câu chuyện về chị Nguyễn Thị Thu – người con gái anh hùng, ba lần đối mặt với kẻ thù là ba lần chiến thắng, hay bà Đặng Thị Chính – người đã dũng cảm hy sinh khi làm nội ứng lấy đồn thù… Và còn nữa những anh hùng tiêu biểu như đồng chí Hồ Đức Thắng, đồng chí Nguyễn Văn Bánh, đồng chí Lê Văn Hoà, cùng biết bao tấm gương hy sinh dũng cảm của đồng bào, chiến sĩ mà lịch sử khó lòng nêu rõ họ tên. Họ đã cống hiến và hy sinh trong thầm lặng. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, huyện Vũng Liêm đã có 12.000 người bị địch sát hại, trên 18.000 người bị bắt tra tấn tù đày, trong đó có hơn 8.000 người đã bị giam cầm và tra tấn nhục hình ở khám đá Vũng Liêm. Theo thống kê, đã có trên 13.000 người bị thương tật trong chiến tranh, trong đó có 1.418 thương binh. Có 3.775 người con của 2.394 gia đình đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Có 206 người mẹ đã được phong tặng danh hiệu cao quí Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 5 người mẹ có đến 5 người con hy sinh. Những con số trên đã nói lên sự hy sinh to lớn mà quân dân Vũng Liêm phải đánh đổi để có được cuộc sống bình yên như hôm nay. Với những đóng góp lớn lao đó, huyện Vũng Liêm cùng 13/20 xã của huyện được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trên đất Vũng Liêm đã khép lại bằng những trang sử thật hào hùng, chói lọi.

Hơn 30 năm qua, để sự hy sinh của bao thế hệ cha anh không trở thành vô nghĩa và để làm lành những vết thương chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và người dân trên quên hương KNNK đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào trong xây dựng quê hương. Cơ sở vật chất kỹ thuật tăng lên gấp trăm lần so với trước kia, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy chưa phải đã phát triển như yêu cầu thực tế đặt ra, nhưng so với trước đây, Vũng Liêm hôm nay đã có một bước tiến nhảy vọt. Dễ nhận thấy nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiều công trình có ý nghĩa kinh tế – xã hội lớn đã đi vào hoạt động, phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tạo vẻ mỹ quan cho đô thị như : các khu cơ quan công vụ, trường học, chợ búa, đường xá…

Hệ thống điện lưới quốc gia được phát triển rộng khắp từ thị trấn đến vùng nông thôn nhờ thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay, đã có trên 97% hộ dân sử dụng điện. Đặc biệt, dòng điện vượt sông về với các xã cù lao Quới Thiện, Thanh Bình đã thoả mãn mơ ước lâu đời của người dân. Điện về nông thôn không những thắp sáng những miền quê, mà còn mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân bằng những nghề thủ công truyền thống.

Nếu ai đã từng biết đến chợ Vũng Liêm những năm trước đây sẽ dễ dàng nhận thấy sự khác biệt từ khi khu thương mại với diện tích trên 42.000 mét vuông, trong đó có trung tâm chợ với trên 5.000 mét vuông, đã đi vào hoạt động từ nhiều năm qua. Việc hình thành khu trung tâm đã mở ra tiền đề cho đô thị hóa ở thị trấn Vũng Liêm. Ngoài ra, các chợ xã cũng được đầu tư nâng cấp phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá trong nhân dân.

So với những năm đầu mới giải phóng, việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục ngày càng được quan tâm, bởi đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển. Ngoài ngân sách của nhà nước còn có sự đóng góp rất to lớn của những người con trên quê hương Vũng Liêm. Người hiến đất, người góp tiền. Họ đã vì thế hệ con em mà cùng nhau cống hiến và chia sẻ trách nhiệm với xã hội. Nhờ thế mà ở vùng nông thôn ngày nay có rất nhiều ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp, tạo điều kiện cho các cháu ai cũng được học hành vì tương lai của chính mình và góp phần xây dựng quê hương.

Một thành tựu mà bất kỳ người dân nào cũng dễ dàng nhận biết là sự phát triển của hệ thống giao thông. Quốc lộ 53 nằm trên địa bàn huyện, có chiều dài 22 km, là con đường chiến lược cả trong thời kỳ chiến tranh cũng như trong xây dựng và phát triển. Ngoài ra, còn có 3 tỉnh lộ, bao gồm tỉnh lộ 901, 902, 906 và hệ thống đường liên xã, liên ấp cũng được xây dựng. Những chiếc cầu khỉ, những con đường lầy lội được thay thế bằng cầu bê-tông, đường tráng nhựa, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất và việc đi lại của nhân dân, nhất là việc đến trường của các em học sinh. Tất cả đã góp phần làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Sự phát triển hệ thống giao thông của huyện có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

Hiện nay, tuy cơ cấu công nông nghiệp có thay đổi theo huớng ngày càng đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ, nhưng nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng của huyện. Nông nghiệp Vũng liêm phát triển đa dạng cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi. Ngoài trồng lúa, ở Vũng Liêm còn có những cách đồng lác hàng chục hecta, góp phần phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp, giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương. Chăn nuôi ở Vũng Liêm cũng phát triển mạnh, nhất là đàn bò với gần 23.000 con. Chương trình phát triển đàn bò theo hướng lai sind là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Người nông dân Vũng Liêm ngày nay rất năng động, nhạy bén với nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả. Họ được tự do phát huy hết năng lực, kinh nghiệm và hơn ai hết, họ là người có trách nhiệm cao nhất trên miếng vườn, mảnh ruộng cũng như cuộc sống của gia đình mình. So với những năm gian khổ khi thực hiện cải tạo nông nghiệp dạo trước, thì cuộc sống giờ đây thật sự là một cuộc đổi đời. Người cựu chiến binh ngày nào xông pha ngoài chiến truờng, giờ cũng trở thành chiến sĩ trên mặt trận mới, tích cực vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ luôn hiểu rằng, muốn vươn lên làm giàu không chỉ cần cù, siêng năng là đủ, mà còn phải biết tính toán, biết nắm bắt cơ hội…

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cũng được quan tâm, nhằm giải quyết lao động nhàn rỗi trong nhân dân. Trung tâm dạy nghề của huyện thường xuyên duy trì các lớp đào tạo nghề cho nhiều đối tượng trong xã hội, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, do không đủ ruộng đất canh tác hay không có nghề nghiệp ổn định. Nhiều nhất trong số họ là những người ở tuổi thanh niên. Mỗi năm, trung tâm dạy nghề của huyện đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau cho khoảng 1.000 người như may công nghiệp, sửa xe gắn máy, tin học v.v…, mở ra cơ hội tìm việc làm ổn định cho nhiều người.

Những cơ sở tiểu thủ công nghiệp, các công ty trách nhiệm hữu hạn và các doanh nghiệp hàng năm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, bao gồm các ngành nghề như chế biến lương thực – thực phẩm, đan lác, gạch nung, đóng ghe xuồng… Gần đây, các công ty chế biến hạt điều mở chi nhánh trên địa bàn huyện đã thu hút cả ngàn công nhân, đa số là chị em phụ nữ với mức lương ổn định, giúp các chị có việc làm mà không phải đi xa nhà như khi tập trung vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc đầu tư của các công ty vào địa bàn huyện thật sự đã góp phần giải quyết việc làm và tạo sự phát triển cho ngành công nghiệp vốn còn rất khiêm tốn ở địa phương.

Thời gian qua, tuy xây dựng trong hoà bình, nhưng phong trào quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân luôn được tăng cường và củng cố vững mạnh. Lực lượng an ninh, quân đội luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân. Huyện đã xây dựng hoàn chỉnh các kế hoạch và phương án tác chiến, triển khai diễn tập phòng chống lụt bão, phòng chống bạo loạn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Với truyền thống uống nuớc nhớ nguồn, trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa đã được Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xem trọng. Gần 650 căn nhà tình nghĩa đã được trao tặng trong thời gian qua nhằm tạo chỗ ở ổn định cũng như phần nào bù đắp một phần hy sinh, mất mát của những gia đình thương binh, liệt sĩ. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động trong nhân dân đóng góp xây dựng trên 600 căn nhà đại đoàn kết cho những gia đình nghèo khó, neo đơn.

Chưa phải đã hết khó khăn, chưa phải đã hoàn thành mọi kế hoạch, nhưng những gì mà Đảng bộ, chính quyền và người dân Vũng liêm đã làm được trong thời gian qua rất đáng được trân trọng. Hôm nay, chúng ta đang tận hưởng thành quả mà bao thế hệ cha anh đã đổ xương máu mới có được. Càng không thể quên công ơn những người đã lót cho con đường cách mạng giải phóng dân tộc bằng chính tấm thân mình từ cuộc KNNK. Công trình bia tưởng niệm KNNK ở Vũng Liêm là thông điệp về lòng yêu nước của những chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh gian khó, đồng thời cũng là sự ghi ơn của lớp người hậu thế hôm nay.

Rồi đây, tượng đài Khởi nghĩa Nam kỳ sẽ được xây dựng, góp phần tạo nên quần thể kiến trúc văn hoá – lịch sử ở ngã ba An Nhơn, làm cho tiếng trống hào hùng của một thời NKKN vẫn mãi vọng vang, thúc dục cháu con trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.

Tuyết Mai

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *