Hiện nay, tuy đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã khá hơn xưa, nhưng toàn tỉnh vẫn còn đến 13% hộ nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nghèo và khổ luôn song hành cùng nhau, đã nghèo mà bệnh thì hoàn cảnh càng thương tâm hơn. Nhiều người đành bất lực nhìn người thân của mình bị bệnh tật hành hạ. Nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng thì họ khó có thể thoát khỏi cảnh nguy khốn, tang thương. Thiếu nhà, thiếu áo còn có thể trì hoãn, nhưng thiếu thuốc men sẽ ảnh hưởng đến mạng sống của con người. Nhưng họ biết kêu cứu ở đâu đây và ai sẽ đứng ra giúp họ?

Đó cũng là nỗi băn khoăn, ray rứt của những cán bộ, những người thầy đã gần trọn cuộc đời vì dân vì nước. Họ có quyền thoả mãn về những cống hiến của mình và thanh thản sống hết những ngày cuối đời bên cháu con. Nhưng khi tận mắt chứng kiến những cảnh đời bất hạnh không biết phải bám víu vào đâu, những phụ nữ vì bệnh ngặt nghèo mà hạnh phúc đổ vỡ, những cháu bé không được đến trường do bệnh tim bẩm sinh, hàng ngàn người phải sống trong tăm tối vì không có được 500.000 đồng để mổ mắt v.v… Tất cả những điều đó sao có thể làm ngơ! Sức mạnh của lòng nhân ái đã giúp họ cùng đứng trong một tổ chức hoạt động vì mục đích nhân đạo và mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, đó là Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long. Dù phần lớn những vị lãnh đạo của Hội ngày nay không đương chức đương quyền, cũng chẳng có tiền bạc, nhưng nhờ uy tín mà họ đã tạo dựng trong quá khứ và một tấm lòng vàng nên họ vẫn có thể đóng góp lớn lao cho xã hội.

Với uy tín và năng lực của một cán bộ đã có hơn 55 năm hoạt động cách mạng, ông Ngô Ngọc Bỉnh được phân công làm Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long. Nói đến ông là nói đến một cán bộ mẫu mực, giàu lòng nhân ái. Không ai có thể quên hàng chục ngàn căn nhà tình thương mà ông đã vận động xây dựng cho dân nghèo trong thời gian lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Nhiệm vụ chính của Hội là đi xin tiền dùm cho người nghèo, nhưng xin tiền đâu phải là chuyện dễ. Người ta thường nói “đồng tiền liền khúc ruột”, bất cứ ai đóng góp cũng mong muốn đồng tiền của mình được sử dụng đúng mục đích, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả. Dưới sự chỉ đạo của ông, Hội là địa chỉ tin cậy cho tất cả những người có lòng hảo tâm muốn góp phần làm giảm nỗi đau cho người bất hạnh.

Mục đích cao cả của Hội cũng chính là thông điệp về lòng nhân ái, nên đã hội tụ được những tấm lòng vàng, cùng chung tay góp sức giúp đỡ bệnh nhân nghèo, làm vơi đi nỗi đau của họ. Trong thời gian qua, Hội đã thực hiện thành công những chương trình mục tiêu như : chương trình đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, chương trình chăm lo bữa ăn cho bệnh nhân nghèo đang nằm viện, chương trình mổ tim cho bệnh nhân nghèo, chương trình cấp xe lăn cho người tàn tật, chương trình giúp đỡ bệnh nhân nghèo gặp khó khăn, trong đó phải kể đến đóng góp nổi bật của những cá nhân và đơn vị như Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, Công ty SXKT Vĩnh Long, Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long, bác sĩ dự án SHS Việt Nam.

Công ty SXKT Vĩnh Long là nhà tài trợ chiến lược của Hội. Hàng năm, ngoài những công trình phúc lợi xã hội, Công ty đã đóng góp vào quỹ Hội 150.000.000 đồng. Giám đốc Nguyễn Phú Lục vốn xuất thân từ hoàn cảnh cơ hàn, từng chịu cảnh đói ăn rách mặc, nên ông rất thông cảm với những nguời nghèo, lại mắc phải bệnh tật khổ sở. Đối với ông, giúp đỡ những người nghèo không phải chỉ là nghĩa vụ, mà chính là mệnh lệnh của trái tim.

Trong nhũng năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc, mà đứng đầu là ông Nguyễn Kiệt, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long luôn xem công tác nhân đạo là một nhiệm vụ quan trọng. Đài đã vận động các nhà tài trợ tổ chức chương trình “Vòng tay nhân ái” gây quỹ Đền ơn đáp nghĩa và giúp đỡ người nghèo ở tất cả các huyện trong tỉnh. Mục Địa chỉ nhân đạo là cầu nối giữa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với các nhà hảo tâm. Đối với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo, ngoài việc tuyên truyền cho Hội, Đài còn vận động tổ chức hai đêm văn nghệ “Vòng tay nhân ái” gây quỹ hỗ trợ cho Hội hàng tỉ đồng. Ngoài ra, Đài còn đóng góp mỗi tháng 3 triệu đồng để duy trì bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Để duy trì và làm tốt những kế hoạch đặt ra, thời gian qua, Hội còn nhận được sự đóng góp to lớn trong cộng đồng. Những người thầy thuốc với phương châm lương y như từ mẫu, những người dân bình thường nhưng giàu l
òng nhân ái, thí dụ như Quán cơm Vân mập ở Cái Bè – Tiền Giang. Ngoài việc không bỏ sót địa chỉ nhân đạo nào, Quán cơm Vân mập còn đóng góp cho bếp ăn từ thiện của Hội mỗi tháng 2.000.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Hoa, ở Phường 4 – TXVL hiến toàn bộ tiền phúng điếu đám tang chồng trên 35 triệu đồng để giúp một bệnh nhân mổ tim. Nhiều giáo viên, học sinh ở các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trương phổ thông luôn đóng góp thường xuyên cho Hội. Nhờ thế mà đến nay, đã có gần chục ngàn bệnh nhân được giúp đỡ chữa trị và khỏi bệnh.

Chị Trần Thị Kim Nguyên, ở ấp Phước Thới C – xã Bình Phước, bị bệnh tim rất trầm trọng, không tiền chữa trị, chỉ còn biết chờ chết. Người chồng lại nhẫn tâm bỏ rơi chị cùng 3 đứa con thơ trong lúc ngặt nghèo. Biết được hoàn cảnh của chị, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo đã đứng ra vận động bà con xa gần, hàng xóm và góp một phần kinh phí của Hội giúp chị phẫu thuật. Đến nay, chị đã khoẻ mạnh và trở lại cuộc sống bình thường.

Cháu Huỳnh Hữu Tài, ở xã Hoà Lộc – huyện Tam Bình. Cháu bị bệnh tim bẩm sinh, sức khoẻ rất yếu nên đành phải bỏ học. Ngoài căn nhà nhỏ ở đậu trên đất người thân, trong nhà cháu không có thứ gì có thể bán ra tiền. Muốn phẫu thuật phải tốn mấy chục triệu đồng, cha mẹ cháu hết sức khổ tâm. Biết được hoàn cảnh của cháu, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Công ty cổ phần XNK Vĩnh Long – đã tài trợ chi phí nguyên ca mổ 2.200 đôla. Ngoài ra, bà còn tặng thêm gia đình 2 triệu đồng để bồi dưỡng cho cháu mau khoẻ mạnh.

Bếp ăn từ thiện là điểm đến của hàng trăm bệnh nhân nghèo mỗi ngày. So với trước đây phải vất vả đi xin từ bó rau thừa vào buổi chợ tan, thì bữa ăn hôm nay đã được cải thiện rất nhiều nhờ sự đóng góp của những nhà hảo tâm. Mỗi phần cơm đều có thịt, cá để đảm bảo sức khoẻ cho người bệnh và thân nhân. Việc duy trì cơm, cháo, nước sôi từ thiện đã giúp đỡ rất nhiều những người nghèo trong lúc ốm đau. Có những bệnh nhân tứ cố vô thân, gia cư chẳng có như anh Phùng Quốc. Đối với anh, bệnh viện chính là nhà, bếp ăn từ thiện chính là người thân. Hơn 10 năm qua, anh sống trong bệnh viện, nhờ cơm từ thiện mà sống để trị bệnh.

Nhân một buổi sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, ông Ngô Ngọc Bỉnh đã trân trọng tặng bảng vàng ân nhân cho các ông : Nguyễn Vĩnh Nghiệp – Chủ tịch Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Quang Nhường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, ông Nguyễn Kiệt – Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long, ông Nguyễn Phú Lục – Giám đốc Công ty SXKT Vĩnh Long, bác sĩ Huỳnh Tấn Phúc – Trưởng dự án SHS Việt Nam. Đây là những người đã có đóng góp to lớn cho Hội trong thời gian qua.

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, xã hội còn nhiều người cần được giúp đỡ thì rất cần những nghĩa cử cao đẹp, cần sự sẻ chia, tương trợ của tất cả mọi người.

Ông bà xưa đã dạy “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, đó cũng chính là truyền thống quí báu của dân tộc ta. Truyền thống đó đã được khẳng định trong đấu tranh cách mạng và cũng là tiền đề để xây dựng một xã hội tốt đẹp ở mai sau.

Tuyết Mai

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *