Một lần chồng, một lần con, nỗi đau đâu chỉ nhân hai, mà còn tăng lên gấp bội lần đã làm đời mẹ héo mòn. Suốt nhiều năm liền, mẹ Tám như ngây như dại. Lúc mê, lúc tỉnh, mẹ lang thang khắp nơi tìm chồng, tìm con – tìm những ngày tháng xa xưa có họ bên đời. Không gặp được chồng con, nhưng trong cuộc tìm kiếm vô vọng đó, mẹ lại gặp một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi trong tình trạng thập tử nhất sinh. Thiên chức làm mẹ đánh thức tâm trí, mẹ lượm đứa bé đem về nuôi với hy vọng cứu sống nó, nếu không, thì cũng cho nó một nơi yên nghỉ đàng hoàng.

Đứa bé ấy là chị Nguyễn Thị Vân, giờ đã 35 tuổi. Chị đã lập gia đình và sinh cho mẹ những đứa cháu ngoại xinh xắn, dễ thương. Nhờ có chị mà đời mẹ bớt quạnh hiu, và nhờ có mẹ mà đời chị được tái sinh, không phải sống đời côi cút. Cái duyên gặp gỡ giữa người mẹ mất con và đứa con bị mẹ bỏ thực sự đã làm hồi sinh cuộc sống của mỗi người. Hiện nay, dù đã lấy chồng, chị vẫn thường xuyên tạt về nhà thăm mẹ, ân cần, chu đáo chăm sóc những lúc mẹ ốm đau. Công ơn của mẹ đối với chị ví như trời biển, lòng chị không giây phút lãng quên.

Ngoài chị Vân, mẹ Tám còn có một người con nuôi nữa là anh Nguyễn Văn Hùng, quê ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1975, khi chiến sự diễn ra, gia đình anh ly tán, mẹ đem anh về nuôi lúc anh mới lên mười. Năm nay, anh Hùng đã 42 tuổi, đã có gia đình và hiện đang chung sống với mẹ. Anh và em gái Nguyễn Thị Vân đều là những người con hiếu thảo, cả hai đã không phụ lòng mẹ giáo dục, dưỡng nuôi. Đó thật sự là niềm vui, niềm an ủi lớn lao của mẹ Tám lúc tuổi đã về chiều.

Hiện tại, dù tuổi già, sức yếu, mẹ vẫn nhiệt tình đóng góp cho các phong trào ở địa phương, là tấm gương mẫu mực cho cháu con.

“Uống nước nhớ nguồn”, người dân Mỹ An luôn ghi nhớ công ơn của biết bao người đã trồng cây cho đời hái trái, những con người đã hy sinh xương máu của mình để chăm bồi cho hạnh phúc người đời hôm nay. Dù chồng con đã mất, mẹ Tám vẫn còn hai người con nuôi và rất nhiều những người con của quê hương Mỹ An báo đáp ân tình. Những gì mẹ nhận được hôm nay dù không thể bù đắp nỗi đau mà mẹ từng gánh chịu, nhưng có thể xoa dịu phần nào vết thương đã làm đau lòng mẹ suốt mấy ngàn ngày qua.

Mỗi buổi chiều về, nhớ chồng con, mẹ không đến nghĩa trang, mà thường bơi xuồng về xứ cồn nhiều kỷ niệm. Nơi ấy có hạt phù sa bồi lắng giữa dòng sông, là cội nguồn tình yêu và nỗi đau của mẹ. Dù trải mấy bể dâu, dù đầu mẹ chuyển dần hai màu tóc, thì nơi ấy mùa nào cây trái cũng xum xuê, cũng ấm áp ân tình, xoa dịu lòng người những chiều vương nỗi nhớ.

Tuyết Mai

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *