Hoàng Thái Hiếu là tên ghép lại từ tên thường dùng của ba ông Bảy Hoàng, Ba Thái và Sáu Hiếu. Họ là ba cán bộ Thường vụ Tỉnh ủy, đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Vĩnh Long. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân thì các ông cùng hy sinh trong một trận càn quét khốc liệt của kẻ thù. Dù hơn 30 năm đã trôi qua, nhiều đồng chí, đồng đội của các ông vẫn nhớ rõ những nét tính cách rất độc đáo của từng người.

Ông Bảy Hoàng tên thật là Trịnh Thành Long, sinh năm 1924, ở xã An Phú Thuận – huyện Châu Thành – tỉnh Đồng Tháp, một miền quê nghèo giống như bao vùng nông thôn Việt Nam thời thuộc Pháp : đói ăn, thiếu mặc.

Hôm nay, trong căn nhà tình nghĩa vừa mới được trao tặng, bà Bảy Hoàng ngồi kể cho con cháu cùng nghe bao kỷ niệm về cuộc đời ông. Từ sau Nam Kỳ khởi nghĩa, ông đã cùng những người đồng trang lứa tham gia công tác cách mạng, từ rải truyền đơn, biểu ngữ, đến khởi nghĩa cướp chính quyền vào tháng Tám năm 1945. Do có năng lực và năng nổ, nhiệt tình, ông luôn được lãnh đạo tín nhiệm, liên tục giao giữ những trọng trách như Trưởng ban binh vận huyện Châu Thành, Trưởng ban binh vận tỉnh Vĩnh Long, rồi Thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách chính trị viên Tỉnh đội.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, chiến công tiêu diệt sân bay, phá hủy hàng chục máy bay địch của quân ta có tài thao lược của ông.

Ông Ba Thái tên thật là Trần Văn Trầm, tên hoạt động cách mạng là Trần Thái Bửu, Trần Văn Thái. Ông sinh năm 1925, ở An Khánh – Châu Thành – Đồng Tháp.

Người phụ nữ tuổi đã ngoài 70 này là một người vợ đảm đang, chung thủy, đã thay ông nuôi dạy các con trong những ngày chiến tranh ác liệt để ông yên tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng giao cho, từ làm bí thư chi bộ xã, rồi thường vụ Huyện uỷ Châu Thành, đến thường vụ Tỉnh uỷ phụ trách công tác tuyên huấn tỉnh. Trong trí nhớ của bà, ông luôn là một người rất năng nổ, hoạt bát, thẳng thắng và cương trực, luôn có niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng. Ông có năm người con, hiện nay đều đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định.

Người nhỏ nhất trong ba ông là ông Sáu Hiếu. Ông tên thật là Nguyễn Văn Phấn, sinh năm 1928, ở An Khánh -Châu Thành – Đồng Tháp. Là một cán bộ giỏi của Đảng, ông đã từng đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng như : huyện uỷ viên huyện Châu Thành, uỷ viên Ủy ban An ninh tỉnh, thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng ban An ninh tỉnh Vĩnh Long. Ông có 6 người con, 2 người đã hy sinh trong kháng chiến, những người còn lại hiện nay đều có cương vị nhất định trong xã hội. Là người thay chồng nuôi con khôn lớn, bà Sáu thấy mãn nguyện vì đã làm tròn bổn phận với chồng con.

Ba cán bộ thường vụ tỉnh ủy bị địch giết hại trong cùng một ngày là tổn thất quá nặng nề, là nỗi đau vô hạn của biết bao đồng chí và người thân, nhất là những người còn sống sau trận càn năm ấy. Có một người đã quyết định đổi tên mình để khắc cốt ghi tâm mối thù sâu sắc lẫn niềm tiếc thương vô hạn. Ông chính là người đã có nhiều năm liền giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long – đồng chí Nguyễn Ký Ức.

Cô Hai Tiến là cán bộ nữ duy nhất có mặt trong ngày đau thương đó. Nhờ có giấy tờ hợp pháp, bà đã thoát được ra ngoài, rồi sau đó cùng với các chiến sĩ bảo vệ và cơ sở ở địa phương mai táng các ông. Sau ngày hòa bình, bà đã góp phần qui tập hài cốt các ông về nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Giờ đây, mỗi lần nhắc lại chuyện xưa, bà vẫn thấy đau lòng.

Một buổi sáng, chúng tôi về Mỹ Hoà thăm lại nơi các ông đã hy sinh. Một màu xanh ngút ngàn đã xoá mờ những vết tích chiến tranh. Những căn hầm bằng lu nát vụn dưới súng đạn kẻ thù đã không còn. Nhưng những người dân Mỹ Hòa, những đồng chí, đồng đội của các ông ngày nào vẫn không bao giờ quên ngày hôm ấy. Đó là ngày 18/8/1971. Mảnh vườn nầy là địa điểm diễn ra cuộc họp của Khu ủy và Tỉnh ủy Vĩnh Long, bàn kế hoạch chuyển thế phong trào nhằm đối phó lại chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ. Bất ngờ, địch đổ quân phong tỏa toàn vùng Mỹ An, rồi từ từ xiết chặt vòng vây. Theo kế hoạch đã định, cứ hai cán bộ rút xuống một hầm bí mật đã được bố trí khắp nơi trong vườn. Nào ngờ, một tên chỉ điểm đã dẫn một toán lính dùng mìn đánh vào hai hầm của ba ông Bảy Hoàng, Ba Thái, Sáu Hiếu và ông Nguyễn Văn Khá – Trưởng ban căn cứ Tỉnh ủy. Các ông đã tung nắp hầm chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Sau ngày hoà bình, Đảng và nhà nước đã cho xây dựng trên chính nền bót cũ ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Hoà một nhà bia tưởng niệm để tưởng nhớ các ông – những người con ưu tú của quê hương, để khắc ghi một quá khứ nhiều đau th

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *