Bang Chang – Vàm Giồng, những cái tên khó mà cắt nghĩa cho tường tận, nhưng cái điều mà người dân nơi đây ai cũng hiểu là trên mảnh đất nầy từng in đậm những chiến công oanh liệt của người dân Trà Ôn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Rất nhiều cơ quan của tỉnh, huyện từng về đây đứng chân để chỉ đạo phong trào, được người dân nuôi chứa và bảo vệ an toàn. Cái tên Bang Chang – Vàm Giồng trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù, nhưng lại là niềm kiêu hãnh của người dân địa phương.

Ấp Bang Chang nằm trên địa bàn xã Trà Côn, còn ngã ba Vàm Giồng là nơi giáp ranh của ba xã Hựu Thành, Vĩnh Xuân và Trà Côn.         

Nếu ai có lần đến vùng đất nầy những năm trước đây, giờ không khỏi ngạc nhiên về những thay đổi trên vùng căn cứ ngày nào. Hơn mười năm trước, nơi đây vẫn còn là một miền quê hẻo lánh, cách trở. Đường bộ chẳng thông, còn đường sông thì phải tuỳ vào con nước lớn ròng. Chiếc xuồng nhỏ được ví như đôi chân của người nông dân, càng vào sâu càng phát huy tác dụng. Do cơ sở hạ tầng thấp kém như vậy, nên chẳng mấy người dân khá giả. Còn hôm nay, tất cả đã thay đổi. Mọi người có thể ngồi trên xe máy để đến bất cứ thôn xóm nào mà chẳng phải lo cảnh lỡ đò tan chợ.

Khu vực nầy trước đây là vùng căn cứ liên hoàn của Tỉnh uỷ, Tỉnh đội, Huyện uỷ, Trung đoàn 3 và các ban – ngành, đoàn thể của huyện. Trước năm 1968, vùng nầy cơ bản được giải phóng. Huyện uỷ và Chi uỷ về đứng chân để chỉ đạo phong trào. Sau năm 1968, địch bình định ác liệt và đóng lại đồn bót ở khắp nơi. Chúng dập pháo huỷ diệt vùng căn cứ cũ. Nhà cửa, vườn tược của người dân mấy lượt bị đốt cháy. Tuy vậy, thời kỳ chuyển vùng, Huyện uỷ Trà Ôn xác định phải đứng chân cho bằng được ở khu vực nầy mới tạo điều kiện thuận lợi để tranh chấp quyết liệt với địch, mở rộng vùng giải phóng.

Nếu xã Trà Côn được xem là một xã vùng sâu của huyện Trà Ôn, thì ấp Bang Chang là một trong những nơi sâu nhất của xã. Tuy nhiên, khoảng cách đó giờ đây không còn là trở ngại lớn khi mà số hộ nghèo trong ấp thấp nhất trong xã. Người dân Bang Chang chẳng những cần cù, thông minh trong lao động sản xuất, mà còn rất kiên cường, dũng cảm trong đấu tranh cách mạng. Về Bang Chang nghe người dân hát : “Bang Chang lũy thép thành đồng/giặc đi thì dễ, giặc về thì không”. Trên vùng đất nầy đã lưu danh những tấm gương kiên trung bất khuất, những trận đọ sức ác liệt với quân thù, hay chuyện cậu thiếu niên dũng cảm bắn rơi máy bay địch v.v…

Ông Nguyễn Văn Sinh – nguyên Trung đội trưởng Đơn vị đặc công của huyện Trà Ôn – kể lại : Khi phát hiện địa bàn Bang Chang là vùng căn cứ của ta, địch nhiều lần huy động lực lượng hùng hậu tấn công tiêu diệt. Nhưng nhờ sự cảnh giác cao của người dân và sự chiến đấu ngoan cường của các đơn vị đóng trên địa bàn, nên bọn chúng đành tháo lui. Vùng căn cứ vẫn được bảo vệ an toàn trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Máy bay địch đã hai lần bị bắn hạ trên vùng đất nầy. Đặc biệt, đồng chí Muôn – chiến sĩ bảo vệ cơ quan Huyện uỷ – lúc bấy giờ mới chỉ khoảng 15, 16 tuổi, đã bắn rơi chiếc máy bay cán gáo của Mỹ, làm cho chúng phải hoang mang, lo sợ khi đảo quanh vùng nầy.

Người dân nơi đây còn nhớ mãi câu chuyện về người anh hùng liệt nữ Phạm Thị Mến. Năm 1961, chị tròn 21 tuổi, được phân công làm đội trưởng Đội du kích xã Trà Côn. Tiểu đội du kích gồm 4 người do chị chỉ huy đã chiến đấu quyết liệt với một trung đội dân vệ của cảnh sát Tình trên mảnh đất Bang Chang. Do địa hình bất lợi, quân địch lại đông hơn gấp bội, nên 3 chiến sĩ du kích anh dũng hi sinh. Còn lại một mình, chị Mến tiếp tục bám trụ chiến đấu. Khi súng hết đạn, chị đập gãy súng và định chia đôi trái lựu đạn cuối cùng với địch. Chẳng may bị thương, chị sa vào tay giặc. Bọn chúng dùng mọi cực hình man rợ khảo tra vẫn không khuất phục được người con gái anh hùng. Cuối cùng, chúng giết chết chị và vùi mất xác. Cho đến nay, đồng chí và người thân vẫn không biết chị đã yên nghỉ nơi nào trên mảnh đất quê hương.

Nhưng dù chị ở đâu thì mọi người vẫn luôn nhớ đến chị. Thế hệ trẻ của Bang Chang, của Trà Côn vẫn say sưa hát mãi khúc ca về chị Mến anh hùng. Đó chính là cách bày tỏ tình cảm, sự khâm phục và lòng biết ơn dành cho chị và những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc thiêng liêng. Đó cũng chính là động lực thôi thúc lớp trẻ của quê hương sống sao cho xứng đáng với bao lớp người đã ngã xuống hôm qua.

Vùng căn cứ Bang Chang được bảo vệ an toàn và và ngày càng mở rộng trong những năm tháng chiến tranh là nhờ công sức đóng góp của người dân. Có những gia đình như gia đình bà Bùi Thị Tám, cả nhà đều tham gia công tác cách mạng. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Thum – cán bộ xã, con trai Nguyễn Văn Thuần tham gia địa phương quân của huyện. Cả hai đều đã hy sinh trong kháng chiến. Nhà bà bị địch đốt cháy nhiều lần. Tất cả những điều đó vẫn không ngăn được tình cảm của bà đối với cách mạng.

Riêng gia đình bà Nguyễn Thị Diệu, nhờ sự lanh trí và khéo léo, đã giải thoát được một cán bộ cách mạng khỏi vòng vây của địch. Một cán bộ huyện tên là Mười Tiến, bị địch phát hiện, đuổi bắt nên chạy đại vào nhà dân. Mẹ bà Nguyễn Thị Diệu, trong lúc nguy cấp, muốn cứu cán bộ cách mạng nên đưa bà ra tráo đổi. Bà nghĩ con mì
nh có bị bắt, thằng địch điều tra không có gì lại thả, còn cán bộ mà rơi vào tay giặc thì chỉ có đường chết. Hành động đó chẳng những nói lên sự thông minh, nhanh trí của người dân, mà còn thể hiện sự quên mình vì nghĩa lớn của họ.

Khu vực Vàm Giồng từng là nơi đứng chân của huyện uỷ Trà Ôn. Nhiều cán bộ vẫn luôn ghi nhớ ân tình sâu nặng của người dân nơi nầy. Dù khá giả hay nghèo khó, tất cả họ đều có đóng góp ít nhiều cho cách mạng. Người cung cấp lương thực – thuốc men, người canh gác đường hay làm liên lạc. Cơ quan Huyện uỷ cũng đóng trong ngôi nhà của một người khá giả trong vùng. Hơn ai hết, những cán bộ từng đứng chân ở đây luôn thấm thía nghĩa tình sâu nặng của người dân.

Sau những năm đổi mới và xây dựng, cuộc sống người dân Bang Chang – Vàm Giồng không ngừng được nâng cao. Trong khu vực đã có 98% hộ sử dụng điện. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang ngày càng nhiều hơn. Hệ thống đường dal nối liền các xóm ấp xa xôi, không còn nữa cảnh phải lội bưng, lội ruộng thuở nào. Đường tỉnh 901 nối liền từ Tân An Luông qua Xuân Hiệp – Hoà Bình – Thới Hoà, đến tận Vĩnh Xuân là một thành tựu đáng phấn khởi. Nếu trước đây muốn lên thành phố Hồ Chí Minh, người dân thường phải mất đến hai ngày, còn hiện tại chỉ đi về trong ngày.

Điều đó được chứng minh qua sự phấn đấu vươn lên của mỗi con người. Ông Lê Văn Tìm – thương binh 4/4, ngày xuất ngũ về trong tay chẳng có tài sản, vốn liếng gì. Đời sống gia đình ông, cũng như nhiều bà con, vô cùng khốn khó. Vốn trưởng thành từ môi trường quân đội, ông luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Hết nuôi heo rồi đến nuôi bò, còn khi rãnh rỗi thì phụ giúp bà con, kiếm thêm tiền, không ngại gì vất vả. Giờ đây, ông đã có một cuộc sống thoải mái, con cái học hành đến nơi đến chốn, nhà cửa khang trang. Nhiều đồng đội cũ thỉnh thoảng đến nhà nghe ông kể chuyện làm ăn, còn những người hàng xóm thì luôn xem ông là tấm gương vượt khó. Thấy cảnh quê hương đổi mới, nhớ lại chuyện trước đây, ông Tìm cứ ngỡ trong mơ.

Trên hố bom xưa giờ đã mọc lên ngôi trường mới. Các em được học tập vui chơi trong cảnh thanh bình. Tuy là trường vùng sâu, nhưng các em cũng chẳng thua kém gì ai. Cũng đồng phục đẹp, cũng sách vở chỉnh tề. Nhiều người kể, trước đây, lớp đàn anh đàn chị các em muốn đi học phải lội qua sông, khi đến trường cả quần áo sách vở đều lấm lem, học thì chữ được chữ không. Có hiểu những ngày vất vả gian nan ấy mới thấy rõ hơn những thành quả hôm nay.

Hơn 30 năm sau chiến tranh, người dân Bang Chang – Vàm Giồng bắt đầu có cuộc sống mới tươi đẹp. Với những gì đã làm được, người dân nơi nầy có quyền tin tưởng vào một tương lai rạng rỡ đang chờ đón họ. Tất nhiên, muốn đạt được điều đó thì sự phấn đấu vươn lên của mỗi cá nhân là điều quyết định.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *