Anh Nguyễn Chí Trai sinh năm 1946, tại ấp 5 – xã Trung Ngãi, tức ấp Phú Ân – xã Trung Nghĩa ngày nay. Thuở ấy, gia đình anh rất nghèo, cha lại bị đày biệt tích vì tham gia kháng Pháp, nên từ nhỏ, anh đã sớm phải vất vả mưu sinh. Là người con hiếu thảo, hiền lành, Nguyễn Chí Trai đồng thời còn là một cậu bé rất thông minh, ham học. Nói đến anh, bà con lối xóm luôn dành sự yêu mến và ngợi khen.

Lớn lên trên quê hương có truyền thống yêu nước, nơi đã từng vang dội hào khí Cầu Vông và khởi nghĩa Nam Kỳ, mặt khác, hàng ngày phải chứng kiến bao cảnh đau thương tang tóc của dân mình, Nguyễn Chí Trai sớm giác ngộ cách mạng và kiên quyết ra đi để thoả chí làm trai – đúng như cái tên mà cha mẹ đã đặt cho mình. Mười sáu tuổi, anh vào du kích. Và ngay những trận đọ sức đầu tiên với quân thù, cậu thiếu niên hiền lành đã tỏ rõ là một chiến sĩ thông minh, bản lĩnh.

Mười tám tuổi đời, Nguyễn Chí Trai đã gánh trên vai trọng trách của cách mạng. Trọng trách đó đã được anh hoàn thành một cách xuất sắc. Từ 3/1963 đến 5/1964, trên đoạn quốc lộ 53 ngang qua xã Trung Ngãi, Nguyễn Chí Trai đã chỉ huy đánh 96 trận, diệt 13 xe quân sự và hàng trăm tên địch, đánh sập 5 lần cầu và phá đứt hàng trăm mét lộ giao thông. Ngoài ra, anh còn cùng đồng đội thọc sâu vào ấp chiến lược và đồn bót để tiêu hao sinh lực địch, góp phần thúc đẩy phong trào chung của xã nhà.

Trong trận đánh lớn đầu tiên của mình, anh đã cùng các đồng chí là ông Sáu Hoàng, ông Tám Đổi, ông Hai Công chặn đánh đoàn xe địch từ Trà Vinh về Vĩnh Long, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

Trải qua nhiều trận đánh, khả năng đặc biệt của Nguyễn Chí Trai đã được cấp trên quan tâm và chú ý bồi dưỡng. Tháng 6/1964, anh nhận quyết định học lớp công binh đặc công ở Trà Vinh. Kết quả học tập của anh – về lý thuyết : xuất sắc, về thực tập : đánh san bằng hai đồn kiên cố của địch mà trước đó nhiều người không thể đánh được – đã khiến nhiều người rất khâm phục. Tỉnh đội giữ Nguyễn Chí Trai ở lại công tác. Nhưng đúng lúc nầy, anh lại nhận được tin mẹ đau nặng, người chị ruột sống chung với mẹ bị giặc bắn chết, để lại hai đứa con nhỏ. Vậy là anh xin phép về thăm nhà. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh, Huyện đội Vũng Liêm bèn rút anh về hoạt động để anh có điều kiện chăm sóc mẹ già và các cháu.

Chỉ trong vòng một năm, trên đoạn đường nầy, Nguyễn Chí Trai đã trực tiếp chỉ huy hàng trăm trận đánh phối hợp hoặc đánh độc lập bằng chất nổ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 200 tên địch, trong đó có cả lính Mỹ và sĩ quan cấp tá của nguỵ, phá hỏng 350m giao thông, góp phần ngăn chặn nhiều cuộc hành quân càn quét lớn của địch. Bọn địch gọi đoạn đường từ Cầu Mới đến cầu Mây Tức là “con đường tử địa”. Lúc nào, chúng cũng nơm nớp lo sợ khi phải đi qua đoạn đường nầy.

Cầu Mới và sông Mang Thít là nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Nơi đây, địch tổ chức phòng thủ kiên cố, nghiêm ngặt, gây cho ta rất nhiều khó khăn. Huyện đội Vũng Liêm đã giao cho anh nhiệm vụ xây dựng phương án tác chiến, đánh phá giao thông, kềm chân và chặn đường vận chuyển, làm suy yếu hậu cần của địch. Đã hai lần, Nguyễn Chí Trai tổ chức đánh Cầu Mới thành công và một lần đánh chìm tàu địch trên sông.

Cuối năm 1965, Nguyễn Chí Trai được cử đi tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua khu Tây Nam bộ. Ông Sáu Hoàng – bí thư Chi bộ xã lúc bấy giờ – là người cùng đi với Nguyễn Chí Trai. Vượt qua chặng đường đầy gian lao hiểm trở, cuối cùng, họ cũng đến nơi. Tại đây, ông Sáu Hoàng đã tận mắt chứng kiến anh được Đại hội tán dương khen thưởng như thế nào. Lòng ông xúc động, tự hào.

Đại tá Võ Chí Huyện – nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Vũng Liêm – là người từng có thời gian sát cánh với Nguyễn Chí Trai. Mỗi khi có dịp trò chuyện với mọi người, ông thường nhắc đến kỹ thuật đánh mìn độc đáo của Út Trai. Trong bất kỳ tình huống nào, anh cũng hoàn thành nhiệm vụ, đã đánh là chắc thắng. Người dân đã ca ngợi cách đánh của Nguyễn Chí Trai là “ra đi là chiến thắng, điểm hoả là chính xác”. Còn bọn lính nguỵ, không kẻ nào dám thề “ăn mìn của Út Trai”.

Năm Nguyễn Chí Trai 21 tuổi, anh nhận quyết định về làm Đại đội trưởng Đại đội đặc công tỉnh, hoạt động trên tuyến liên tỉnh lộ 7 từ Trà Vinh đến Vũng Liêm. Thời gian nầy, bản lĩnh và tài năng của Nguyễn Chí Trai càng toả sáng. Anh chỉ huy đánh nhiều trận gây tiếng vang lớn. Ngoài ra, cùng với đồng chí trợ lý kỹ thuật của quân khu, anh còn mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật đánh công binh đặc công cho cán bộ các xã – huyện trong tỉnh. Cái tên Nguyễn Chí Trai trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù, nhưng lại là niềm tự hào của người dân. Chỉ cần nghe tiếng mìn nổ trên lộ, là bà con phấn khởi bảo : Út Trai đánh rồi!

Nhưng rồi một chiều cuối tháng 8 năm 1969, trong tiếng pháo địch gào thét trộn lẫn tiếng mưa rơi bao trùm một không gian ảm đạm, bà Dương Thị Ba nhận được tin báo : chồng bà đã hi sinh. Không phải bà chưa từng nghĩ đến điều nầy, song tin dữ vẫn làm nghẹn thắt trái tim người thiếu phụ. Nghe nói trong khi chặn đánh đoàn xe địch chở lính đi càn, anh đã bị thương, ruột đổ ra ngoài. Tuy vậy, anh vẫn bình tĩnh tự băng bó, trườn ra một đoạn, gặp được đồng đội cõng về quân y. Nhưng do vết thương quá nặng, nên anh đã hi sinh ngày 25/8/1969, khi tuổi đời mới vừa mới 23. Lúc ấy, anh còn chưa kịp biết mình sắp có được đứa con thứ hai. Có chiếc radio là kỷ vật của chồng, bà Ba đã tặng lại cho Nhà truyền thống huyện Vũng Liêm.

Nguyễn Chí Trai hi sinh, để lại sự thương tiếc cho biết bao đồng chí, người thân. Gần 8 năm chiến đấu, anh đã có một bề dày thành tích rất đáng khâm phục : tham gia trên 400 trận đánh, diệt 367 tên, trong đó có 5 tên Mỹ và nhiều sĩ quan nguỵ, phá huỷ 78 xe quân sự , 167 lần đánh đường giao thông và còn tham gia rất nhiều công tác khác. Với những chiến công xuất sắc đó, anh đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quí và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi chồng hy sinh, bà Dương Thị Ba đã vượt qua bao khổ cực, hiểm nguy để nuôi con khôn lớn nên người. Anh con lớn là Nguyễn Chí Khiêm, hiện làm nhiệm vụ công an kinh tế ở thị xã Vĩnh Long. Ai cũng bảo tánh tình anh điềm đạm, rất giống cha mình. Còn người con thứ Nguyễn Chí Ngoan – món quà mà tạo hoá đã tặng cho người liệt sĩ anh hùng trước lúc hi sinh – có ngoại hình chính là hiện thân của cha anh. Hiện nay, anh đang công tác trong ngành công an ở địa phương. Các anh đang tiếp bước cha mình, góp công góp sức bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Hai anh cũng chính là niềm an ủi, là hạnh phúc lớn lao của người mẹ hiền goá bụa.

Sau ngày hoà bình, mộ anh Nguyễn Chí Trai được qui tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Vũng Liêm. Nơi đây, anh yên nghỉ bên hàng ngàn đồng chí, đồng đội thân thương – những người đã hiến dâng cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mưa nắng, thời gian có thể làm phai mờ tên anh trên bia mộ, nhưng người dân trên quê hương anh hùng vẫn mãi mãi nhớ đến anh, nhất là những người thầy, những người trò nhỏ đang dạy và học dưới mái trường Nguyễn Chí Trai.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *