Bà Huỳnh Thị Vui : Cuộc đời mỗi con người được tính từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Quãng thời gian đó,  người ta được sống và làm điều gì đó cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Riêng tôi, từng có lúc tôi lâm vào hoàn cảnh không còn nhận biết được thế giới xung quanh. Lúc ấy, tôi cảm nhận được ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Vì vậy,  tôi đã quyết tâm sống xứng đáng với lý tưởng mà mình đang theo đuổi…

Cha mất rồi, mẹ và các chị của bà đều tham gia cách mạng. Noi gương mẹ và chị, mới mười tuổi, cái tuổi chưa hiểu gì về quốc sự, bà Hạnh đã đến với cách mạng. Có lẽ, bà đến với cách mạng bởi lòng căm thù đối với những kẻ đã giày xéo quê hương, làm xáo trộn sự bình yên của xóm làng.

Bà kể lại : hồi đó, tui đi học. Trường học là cái đình làng. Mỗi lần giặc từ ngoài sông càn vào, chúng bắn dữ lắm. Trẻ con tụi tui sợ, ôm nhau khóc. Tuy nhiên, thấy tui gan dạ nên mấy anh, mấy chú giao nhiệm vụ : nếu phát hiện thấy giặc tới là tui phải tìm cách báo ngay cho mấy chú, mấy anh. Từ đó, mỗi lần thấy chúng tới là tui chạy đường tắt về cho hay. Nếu bị bắt hỏi, tui nói đi học bỏ quên viết chạy về lấy gấp, không thôi thầy đánh chết. Sau đó, tui làm cách mạng tới bây giờ.

Công việc lúc đầu của bà Hạnh là làm giao liên như đưa thư, chuyển tài liệu, vũ khí và nhiều công việc quan trọng khác. Tuổi mười sáu, mười bảy càng làm hăng say tinh thần cách mạng. Lúc ấy, ai cũng biết cô cán bộ tên Hạnh gan dạ, dũng cảm, trước khó khăn, vất vả không bao giờ ngại ngùng hay chùn bước. Có những lúc cần chuyển vũ khí, tài liệu gấp, suốt đêm, một mình bà chèo chiếc ghe tam bản ngược dòng trên sông Cái… Trong một lần trên đường chuyển thư, bà Hạnh đã bị bắt .

Bà kể :  hôm đó, tui ôm xề đu đủ, trong đó có giấu một bức bạch thư, đến đoạn cầu Thiềng Đức thì bị bắt. Lá thư viết bằng hoá chất nên nhìn vô không thấy chữ chi hết. Tụi nó tra tấn tui rất dã man, biểu khai ra cách mở thư. Tui không khai. Cuối cùng, tụi nó dùng nước màu mở không được rồi làm hư cái thư luôn. 

Lần đó, do có kẻ nhận mặt, chỉ điểm, bà Hạnh bị tra tấn thừa sống, thiếu chết, rồi bị kết án 8 năm tù. 8 năm sau, ra tù, bà tiếp tục con đường cách mạng với một tên gọi mới là Huỳnh Thị Vui hay còn gọi là Út Vui. Từ đây, bà liên tục giữ những chức vụ quan trọng ở các đơn vị thuộc huyện Chợ Lách, Châu Thành… Đến năm 1971, trên đường công tác, bà lại bị bắt. Lần bị bắt này, bà đã tưởng không còn tồn tại được trên cõi đời này.

Bà Út nhớ lại : lần đó, có kẻ chiêu hồi mà tôi không hay. Sáng ra đi công tác, thấy tàu đậu đầy ngoài sông, tôi liền bó ba cây súng, mười mấy trái lựu đạn và tài liệu tác hết xuống sông. Khi bị bắt, chúng chỉ bắt được tôi mình không. Sau khi tra tấn dã man, chúng lột hết quần áo, treo ngược lên rồi thả nửa người xuống nước cho đến khi nước không còn lên tim thì kéo lên. Liên tục như vậy cho đến lúc tôi không còn biết gì nữa .

Một người đồng chí của bà Út xúc động kể : hay tin chị Út bị bắt và tra tấn dã man, tổ chức kêu tui ra nắm tình hình xem sao. Tui leo lên cây, thấy tụi nó trấn nước chị Út, rồi lôi lên bờ, dậm lên bụng cho nước trào ra đem nhúng tiếp. Đến khi thấy chị Út chết rồi, nó cho trói làm ba khúc, không cho mặc đồ gì hết, sau đó cho tàu kéo dưới sông. Định đem neo cho cá ăn. Rồi ra giữa sông, trục trặc gì đó nên nó kéo trở vô. Tổ chức kêu tụi tôi ra rình lấy xác .

Trong nhà xác, suốt ba ngày liền, kiến đã bu đầy cơ thể không một mảnh vải, không chút hơi ấm của bà Út. Khi phát hiện bà còn sống, bọn chúng tiếp tục cùm trói, khảo tra rồi đày bà ra Côn Đảo.

Đối với bà Út, mảnh đất chết chốn địa ngục trần gian này lại là nơi tình yêu nảy sinh. Chính tại nơi đây, bà đã gặp gỡ và nhận lời cầu hôn của ông Nguyễn Văn Nhỏ, hay còn gọi là Bảy Thân – một người bạn tù đang mang án tử hình. Tình yêu của họ đâm chồi nảy lộc từ sự ngưỡng mộ tinh thần gan dạ, dũng cảm mà họ dành cho nhau. Nơi tối tăm nhất là nơi bộc lộ những phẩm chất tuyệt đẹp của bà Út, bởi hơn ai hết, bà hiểu rất rõ sau lời hứa hôn không phải là tuần trăng mật, mà là máy chém, không phải áo cô dâu hay pháo cưới, mà là vòng khăn tang.

Nhiều năm sau đó, hai người lưu lạc qua nhiều nhà tù khác nhau. Lời hứa ngày nào bà vẫn một lòng giữ trọn cho đến ngày giải phóng. Cho đến nay, khi người chồng, người đồng chí của mình không còn nữa, bà tiếp tục phụng sự cho sự nghiệp cánh mạng.

Bà nói : một lần bị bắt, bị tra tấn đến mức không còn cảm nhận được cuộc sống nữa, tưởng rằng đã chết, tôi nghĩ mình phải sống sao cho xứng đáng với Đảng, với cuộc sống này. Tôi quyết định phấn đấu hết sức mình, phấn đấu cho cả phần chồng tôi nữa. Nếu ổng còn sống, ổng cũng vui với con đường và lý tưởng mà tôi đang theo đuổi.

Sau 1975, từ Côn Đảo trở về, bà tham gia nhiều công tác ở các đơn vị khác nhau như Bệnh viện Hoàng Thái Hiếu, Bệnh viện TXVL, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Người tù kháng chiến… Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của bà, không ai nghĩ rằng bà đã từng trải qua những tháng ngày khổ ải, trầm luân đến thế. Là thương binh ¼, bà Út bị mắc bệnh tim mãn tính do những trận đòn tra tấn của kẻ thù, nhưng bà không cảm thấy đó là sự trở ngại, mà càng miệt mài hơn với công việc của mình. Có được điều đó bởi bà sở hữu một tinh thần mạnh mẽ, ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Sau khi nghỉ hưu, bà tích cực tham gia các công tác xã hội. Với đôi chân khập khiễng, bà đi vận động, quyên góp xây dựng nhà tình thương, gầy một mái nhà che nắng che mưa, tặng một tấm chăn giữa mùa mưa lạnh… cho những đồng đội một thời chiến đấu có hoàn cảnh khó khăn. Giá trị vật chất dẫu chưa phải lớn lao, nhưng đó là cả tấm lòng của bà Út.

Buổi chiều thường là khoảng thời gian mọi người quây quần bên cháu con, tận hưởng những giờ phút nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Nhưng với bà Út, sau bữa cơm vội vàng là đến những buổi họp, sinh hoạt tại địa phương. Sự đóng góp của bà đã góp phần xây dựng tư tưởng và giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ. Mỗi con người chỉ một lần được sống. Bà đã sống và cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng. Bà đã sống một cuộc đời thật đẹp, thật ý nghĩa, thực sự là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ phụ nữ noi theo.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *