Những “hoang mạc” được lập trình để… sinh ra! (2)
Sa mạc không đáng sợ, điều đáng sợ hơn là cái việc chúng ta phấn đấu, bỏ tâm sức, tiền của ra để lập trình cho mình và con cháu mình một tương lai gồm toàn những hoang mạc. Hoang mạc tâm hồn!

 
Không gian làng quê, sự yên bình, diễm lệ đang biến mất từng ngày. Thay vào đó là bê-tông cốt thép và những hoang mạc tâm hồn – Ảnh : Lãng Quân

Làng giờ hết cái cảnh màu mỡ, tốt tươi của tôm cá rồi. Hết cả cái cảnh “vẳng nghe tiếng ếch bên tai” rồi. Làng trơ trọi, cỗi cằn, con người như bị ném ra khỏi cái tay nôi nhân ái của cây xanh, côn trùng, tôm cá, hoang thú rồi. Con rô, con giếc, con trê, con trạch ngày xưa nhiều đến mức người nông dân coi thường. Họ không có khái niệm đem những thức ấy ra chợ bán. Ai cũng bắt được, và người ta vẫn thường xin nhau mớ tép. Mùa cá vật đẻ, làng quê, nhà ai cũng ăn cá chép, với cái bụng mỡ màng trứng. Cá vật mê đắm đến mức, nhà ai gần ao thì mất ngủ, đôi lứa nào hẹn hò bờ ao cũng phải… bỏ về vì cứ tưởng giao long thuồng luồng đang mở khúc hoan tình ở dưới nước. Cá vật đẻ, nó nằm ở bụi cỏ bờ đầm xâm xấp nước, như nằm trên thớt. Sau cơn mưa, ếch nhái kêu inh ỏi ngay ở gốc ổi, ngay ở chum nước nhà tôi. Chú dế mèn vuốt râu ngoài bờ ao, “ếch con học nhạc, dế mèn ngâm thơ”, “có ao muống với cá cờ/ để em làm Tấm ngồi chờ bống lên”. Những điều đó vẫn hiện diện ở nông thôn Việt Nam 10 năm trước, giờ, thoáng cái mà “thiên đường của bé thơ” đó chỉ còn trong thơ ca, và lời hát của các cháu. Ruộng đồng giờ vắng bóng cua, cá, ếch, nhái, kể cả chuột.

Tuổi thơ tôi tràn ngập cá rô cờ, con cá xuyn xuýt đực nó đẹp sặc sỡ như một con công. Nó bơi trong cái chai nước rực rỡ sắc màu. Thả cá rô cờ (chỉ con đực mới thực sự lộng lẫy) trong chai nước là thú chơi của tất cả lũ trẻ chúng tôi ở vùng trung du, bán sơn địa và miền núi phía Bắc. Cá rô cờ dễ tính và “rẻ mạt” đến mức, hồi nhỏ, tôi từng ngạc nhiên, sao thứ cá đẹp thế mà nó lại bị coi thường đến thế. Người làng tôi không ăn cá rô cờ. Cá xuyn xuýt, có lẽ là thứ “tép mạt” bị rẻ rúng nhất của ao hồ Bắc bộ độ ấy. Bởi nó tràn ngập, không ai buồn nấu lên ăn. Nhà nào đói rách nhất làng cũng không ăn cá rô cờ. Cái vũng trâu đằm, trâu vừa đằm xong, cũng thấy rô cờ ta bơi lượn như một “thiên thần cá” áo đỏ áo xanh ở chốn tiên cảnh thung thăng. Cái vẻ đẹp hồn nhiên, thuần phác. Cá rô cờ hiền đến mức, nó ở dưới ruộng, đám trẻ cúi xuống rệ cỏ, thò hai cái tay bé xíu, khum khum khỏa nước của mình ra cũng vớt được rô cờ.

Tôi buộc một hạt cơm hay một con châu chấu ở đầu sợi chỉ, không cần lưỡi câu, cứ thả hạt cơm buộc chỉ xuống vũng nước ruộng, rồi đợi cá rô cờ đến. Nó đến hàng đàn, như đi hội, xiêm y rực rỡ. Con cá “dại dột” đến không ngờ, nó cắn hạt cơm rất phàm, tôi nhấc hạt cơm lên khỏi mặt nước rồi, nó vẫn ngậm hạt cơm. Khi tôi thò hạt cơm và con cá vào cái chậu nước, vãy vãy một lúc cá mới buông mồi ra, rơi vào chậu, lại tiếp tục bơi. Và tôi đã thử lại tiếp tục thò hạt cơm buộc chỉ vào chậu để câu, rô cờ ta vẫn thung thăng ăn.

Sau này lớn, mẹ gọi cái việc bọn trẻ chúng tôi thích và yêu nhau là “tình yêu xuyn xuýt rô cờ”, ý rằng nó rất lửng lơ, chàng màng và thơ ngộ. Hình tượng cá rô cờ khi đó, có cái như là gì rẻ rúng, kiểu “chó con bỏ bu”, thích đấy rồi không thích đấy. Rồi mẹ bảo : đẹp gì mày hỡi hoa thiên lý/ ngon gì mày hỡi cá mương sông/ sang gì mày tép mạt ngoài đồng. Cá mương và tép mạt được coi là thứ… bỏ đi. Nhưng, hóa chất và lối khai thác tàn sát môi trường của chúng ta gần đây, đã khiến cho nông thôn hết cả con tôm con tép. “Nước như ai nấu/ chín cả cá cờ/ cua ngoi lên bờ/ mẹ em xuống cấy”, thơ Trần Đăng Khoa viết thế. Nhưng, tháng sáu ở nông thôn Bắc bộ giờ không còn cảnh ấy. Những câu thơ của thần đồng Khoa, những ca dao tục ngữ máu thịt của các thế hệ trước, giờ trẻ em không dễ gì hiểu nổi. Bởi không gian đồng ruộng đã khác, nhiều loài đã biến mất vĩnh viễn. Cách đây hơn 10 năm, trời nóng, cua chạy lên bờ lổm ngổm thật sự. Mùa mưa nồm, ốc nhồi bò như lũ yêu tinh bí ẩn đồng loạt tấn công bờ bãi, chúng bò vào tận giếng nước nhà tôi. Ốc sên to bằng vốc tay, vểnh râu vểnh vòi bò xám ngoét cả hiên nhà, em gái tôi rất sợ. Những ngày nóng, tôi chỉ việc cầm cái vợt và đeo cái giỏ bên hông. Lúc nóng, duy nhất những mó nước ngầm và những cái hang sâu trong bờ ruộng (vì được che nắng bởi cái bờ ruộng) là nước còn mát. Thế là cá cua, lươn trạch, rắn nước ùa cả vào hang. Ngày nào đi học về, tôi cũng bò lổm ngổm dọc các bờ ruộng nước nóng như nước sôi để… thu hoạch các loài thủy sản đang “trú nóng”. (Tôi kể những điều này, có lẽ chỉ những mục đồng ngoài ba mươi tuổi mới tin là tôi không hề bịa). Thọc tay vào hang, cảm giác sung sướng kỳ lạ. Nghe và cảm giác rất rõ rệt sự sung túc, sự ôm ấp như bầu sữa, như tay nôi của ruộng đồng với tuổi thơ mình.

Miền quê thanh bình, không chỉ là cảnh đẹp, nó còn là bầu sữa nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của mỗi người và toàn xã hội – Ảnh Lãng Quân

Nói, đó là hạnh phúc, rất đúng. Tôi nghe rọc rạch, trơn truội và thô ráp ở trong hang nước nóng. Cá rô cờ, cá rô ron ào vào tay, chỉ việc bốc gạt cái màu mỡ, tốt tươi của ruộng đồng vào giỏ, gạt thẳng vào nồi nhà mình. Phía sau cá là cua. Trong hang sâu, lẫn với bùn mát lạnh là trạch. Một hang nhỏ, có thể bắt được tới ba chục con trạch vàng ruộm. Tiếp nữa là rắn nước, hổ lửa nước, rắn nhệch, rắn sãi, rắn mồng. Rắn trong hang nước không bao giờ dám há miệng, bạn có thể chơi với rắn cả nửa ngày nó cũng không cắn, mà 99% rắn ở dưới nước nếu có cắn cũng không chết người. Nếu sờ vào hang, gặp cái con dài, mà mình trơn, là trạch; mình tròn mà ráp là rắn. Rắn thì đầu bẹt (do ngày xưa ở vườn Địa Đàng nó xui Adam và Eva ăn trái cấm). Nắm cái cổ rắn, bóp mạnh vào cái hàm bẹt của nó, lôi ra. Có khi con rắn đỏ đọc, có khi xanh lè, có khi dài ngoằng, rắn quấn lên tận bả vai tôi. Cầm con rắn, dí đầu nó vào túi (hoặc giỏ). Về nhà, nhúng nước sôi rồi làm thịt hoặc làm chất tanh cho đàn lợn của gia đình. Tóm lại, tất cả những con gì mà bạn ăn được ở đồng ruộng, bọn chúng đều có thể phải chạy vào hang khi trời nóng. Và, trời đã thu gom chúng vào hang, hiền lành chờ bạn đến hóa kiếp cho chúng.

Duy có một con không thèm vào hang. Bởi sợ nước nóng, nó đã chạy vào bóng râm từ bao giờ, ấy là lươn. Lươn và cá rô ron, cá giếc đều có cái thú rạch nước khi mưa rào. Cứ ra ở các cái cửa “vượt vũ môn” của chúng mà vồ. Đến khi trời nắng, tôi ngồi dưới gốc đa cổng làng để thu lượm lươn. Điều này thì có lẽ người lớn tuổi cũng hơi bất ngờ. Đến cái bác thả ống lươn trong Chí Phèo của Nam Cao có khi cũng phải bất ngờ. Lươn hồi đó nhiều đến mức, tôi bắt một buổi được cả… chậu. Lươn tuy ở tít dưới lòng bùn sâu, nhưng nó có mến, có mà, có tăm hơi rất tử tế, nếu bạn có ý định tìm hiểu. Họ hàng nhà lươn lại có thú vui ẩm thực là thích ăn… quả đa. Quả đa rụng xuống. Lươn nhoi lên ăn. Nó đi rồi, để lại đôi ba cái tăm nước nhỏ. Ruộng tưởng như đã khép lại cái lỗ thiên thu của bùn nước lại, nhưng không. Nếu thọc ngón tay nhạy cảm của bạn xuống, bạn có thể mường tượng ra cái lỗ rất nhỏ, rất mơ hồ ở khối bùn lớn, mà lần theo đường đi của lươn. Bởi cái bùn nguyên khối và cái lỗ bùn lươn vẫn thường trườn đi, nó không giống nhau. Cuối con đường mơ hồ giữa bùn nhão ấy là một cái đầu rất nhọn, cứng, bướng bỉnh của lươn. Bấm chặt, bạn lôi lên một con vật lực lưỡng, ấy là lươn cụ. Chỉ ngồi nhìn, chỉ nghịch bùn trong bóng râm, bạn có thể lo chuyện thức ăn lươn xào sả ớt cho cả xóm.

Lại nhớ kính thưa các loài chim nó về trong những cái mùa nhất định, mùa nào thức ấy. “Chào mào mặc áo màu nâu/ đến mùa ổi chín từ đâu bay về”. Câu thơ được học trong sách giáo khoa ấy đã ám ảnh bao thế hệ. Bởi, không ai chờ, không ai hẹn, nhưng cứ cái mùa ấy là loài chim ấy lại về. Chim ngói, chim gáy, chim chào mào, ri đá, sáo sậu, vành khuyên. Có con chim đen nhánh, bay rợp trời trong mùa lúa chín. Có đàn quạ đậu đến mức, nó biến các tán cây trám thành màu đen chùng chình. Giờ, tất cả biến mất, tôi, đôi lúc về quê, cứ ngỡ, giống như là bạn đang xem một bộ phim về thiên đường của chim cá và cây xanh mà tự dưng bị mất điện, tắt phụt phũ phàng vậy. Cái làng quê trơ khấc, vô cảm như hiện nay, với tôi là một ác mộng. Và là một cơn giận dữ, giận giữ mà đành bất lực.

Cây xanh mất, vì chúng ta tàn nhẫn và xuẩn ngốc. Thay vì coi màu xanh là chứng chỉ của chất lượng cuộc sống, thì chúng ta bằng mọi giá tìm đến xi-măng cốt thép. Tôm cá, chim chóc, hoang thú biến mất. Vì gã rỗi hơi vô học có thể bỏ cả ngày ra săn một con chim ri đá về nhậu nhẹt, hoặc bạc mặt ngủ trong đồi hoang để bắt kỳ được một con don con dúi bé tẹo. Đến chuột đồng, châu chấu, bọ xít, ong đất cũng biến mất khốc liệt hơn, vì người ở phố đang có mốt ăn những “đặc sản đồng quê”. Đám trẻ chúng tôi chỉ dắt chó và cầm nọt rơm đi săn chuột, ăn thịt chuột sau vụ gặt, chứ người Hà Nội, Sài Gòn giờ ăn chuột tứ thời. Lúc nào cũng đòi ăn chuột, thì dĩ nhiên cánh lái buôn nó bắt chuột cống to sụ cho mà ăn, ăn kèm với bệnh dịch hạch rồi. Làm gì có cả tấn chuột đồng, vào cái mùa không có chuột đồng phục vụ cho hàng nghìn thực khách trọc phú?

Vì nữa : chúng ta dùng xiết điện, giết chết cả một bảo tàng tự nhiên, để bắt vài con cá nhỏ, kiếm vài đồng bạc lẻ “kiểu đốt diêm soi xem xăng có còn không”. Người đói khổ thì vơ váo vào cái cớ nhục nhằn : tôi làm theo sự gào réo của cái dạ dày. Nhưng kẻ không đói hoặc người ăn lương trên tiền thuế của xã hội, được giao nhiệm vụ quản lý sự bát nháo đó thì làm ngơ. Họ cho rằng, đó không phải là thứ đụng đả gì đến cơm áo hay cái ghế ngồi vơ vét cho phường “giá áo túi cơm” của họ. Điều đau đớn là không phải chúng ta bất lực trước việc bảo vệ môi trường sống vô cùng quý giá ở nông thôn, mà điều đáng sợ nằm ở chỗ : chúng ta không thấy vai trò của việc này. Chúng ta coi việc tàn sát môi trường không cấp thiết như việc chống bọn đĩ điếm hay bọn nghiện ngập. Nói khác đi, chúng ta đang chung tay để phá môi trường, bằng chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bằng tống hóa chất, thuốc trừ sâu vào đồng ruộng, bằng chặt cây xanh để “công nghiệp hóa nông thôn”. Dĩ nhiên, những việc làm trên để lo cho dân sinh là cần thiết ở nhiều khía cạnh; nhưng ở mức độ nào và phương pháp làm như thế nào mới là điều quan trọng. Và chúng ta đã và đang sai nhiều điểm trong việc ứng xử với môi trường sinh thái – tự nhiên ở nông thôn.

Đến cả cóc – cậu ông trời – cũng bị bắt và bán đầy đường thế này thì cái ngày đồng quê bị tuyệt diệt các loài động thực vật từng song hành, nuôi dưỡng tuổi thơ nhân loại cũng là dễ hiểu – Ảnh : Lãng Quân

Có một thảm họa sâu sắc và đau đớn vô cùng sẽ xảy ra, khi mà toàn bộ các vùng nông thôn của chúng ta sẽ vắng bóng cây xanh, thủy tộc, chim chóc. Rồi vùng quê nào cũng nhà lầu, xe hơi, đường nhựa, tivi, đến môi gái quê cũng rặt một màu, áo trai làng cũng rặt một kiểu. Màu diệp lục cũng không còn nữa. Rồi cả đất nước không có không gian của một vùng nông thôn đích thực nào; chỉ là những con phố tít tắp, không cá rô cờ, không chuột đồng sợ khói, không có “chào mào mặc áo màu nâu/ đến mùa ổi chín từ đâu bay về”. Tôi đang nói, không chỉ là mộng rớt kiểu thi nhân cấp huyện, mà là vấn đề nhân văn, sinh thái. Là nhân cách của mỗi con người sẽ từ đó mà bị thương tổn. Là thế giới quan, nhân sinh quan của con cháu chúng ta rồi sẽ phải gánh chịu sự sai lầm ngày hôm nay.

Sa mạc không đáng sợ, điều đáng sợ hơn là cái việc chúng ta phấn đấu, bỏ tâm sức, tiền của ra để lập trình cho mình và con cháu mình một tương lai gồm toàn những hoang mạc. Hoang mạc tâm hồn!

Bài và ảnh : Lãng Quân – Vietimes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *