Những “hoang mạc” được "lập trình" để… sinh ra! (1)

Tôi bị ám ảnh bởi cái bài văn của cô bé người Úc mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã kể lại khi trả lời phỏng vấn trên Vietimes gần đây. Rằng, sau khi sang Việt Nam sống một thời gian, em bé ngoại quốc kia đã miêu tả hai cảm nhận sửng sốt và không thể lý giải của mình trong một bài văn đoạt giải quán quân của em – rằng : thứ nhất, các bạn học sinh ở nông thôn Việt Nam học trong những ngôi trường mà sân trường không có một cọng cỏ. Thứ hai nữa, kỳ lạ! – ngồi trong lớp mà bạn nào cũng khoanh tay như bức tượng, không trao đổi, hỏi han, tranh luận gì với các vị giáo học.

Với người Việt Nam, việc bê-tông hóa sân trường, làng quê dường như là tín chỉ của sự… văn minh và thịnh đạt; kèm theo đó, việc “thúc thủ” ngồi học thụ động như một cỗ máy được “tôn vinh” là phương pháp ngoan ngoãn nhất, tốt nhất để đạt đến sự văn minh và thịnh phát kể trên. Nếu chịu động não một tí, bạn sẽ thấy sự sửng sốt của cô bé người Úc là rất có lý, bởi cả thế giới, không ai giết chết màu xanh sân trường cũng như sự động não của người học như ở ta. Ta sẽ thấy việc nhiều trẻ em đang bị bê-tông hóa trong cái môi trường đã được “lập trình để trở thành hoang mạc” kia thật là chua chát. Đó là lý do mà bài văn của em bé người Úc được giải nhất cuộc thi văn ở xứ bạn?

Làng Việt cổ Đường Lâm (Hà Tây) là không gian làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tinh hoa của văn hóa châu thổ Bắc Việt Nam mấy nghìn năm qua đã được hội tụ ở đây. Nhưng, ngay cả khi đã được Nhà nước ghi nhận và đầu tư hàng trăm tỉ, giá trị làng cổ vẫn bị mai một hàng ngày, do quan điểm bảo tồn của chúng ta mắc quá nhiều sai lầm – Ảnh : Lãng Quân

Nhân thế mới nhớ đến ngôi làng đang hàng ngày hàng giờ bị phun cốt thép bê-tông của tôi. Chính phủ đầu tư 200 tỷ cho một cái làng là Di sản văn hóa quốc gia, để người ta đẵn trụi thùi lụi hết cây xanh, đường ngang ngõ tắt trải nhựa, đổ bê-tông từng li từng tí. Đèn cao áp ở làng tôi, tôi thề có giời đất, nó đẹp hơn đèn cao áp ở phố phường thủ đô văn vật Hà Nội. Nhà cao tầng mọc lên, và người Hà Nội tràn về mua đất, mua nhà ở đó. Tiền về đến đâu, làng biến mất đến đó. Ai đó bảo, sự nhiệt tình và ngu dốt cộng với nhau thì thành phá hoại. Xin thưa, người ta đang nhiệt tình vì tiền được giải ngân là người ta có phần trăm, tiền đem lại sự nhiệt tình hiếm thấy cho những kẻ san ủi, dán bê-tông, ốp cốt thép vào làng cổ. Sự ngu dốt thì sẵn có rồi. Thế là làng tan hoang. Đình làng bị bóc ra xây mới. Tháp mới toe, xanh đỏ xây thêm… khuyến mại cho nhà chùa. Đường được trải bê-tông lần một, rồi lần hai, rồi lần ba, làm sao cho giải ngân được đống tiền khổng lồ kia thì mới yên chuyện. Điều đó khiến người dân kinh sợ.

Người phố thị “phú quý sinh… chẻ họe”, họ đổ xô về mua đất, xây cất theo ý họ, toàn nhà chóp nhà bằng. Không biết, trên thế gian này có nơi nào như xứ sở chúng ta : thích nhà cổ thì mua nhà cổ, thích rừng rú thì mua rừng rú. Đám trọc phú ấy không hiểu rằng, sự “xâm lăng” xuẩn ngốc của họ sẽ kèm theo hệ lụy là họ sẽ giết chết di sản nhà cổ, làng cổ hay rừng xanh ao đầm mà họ tưởng rằng họ đang yêu quý kia. Có lần, gã thợ xây đang đánh bong gốc các hàng tre, các rặng ruối cổ của làng để trát bê-tông lên tất cả các ngõ xóm, bỗng đứa cháu tôi chạy ra van vỉ : Chú ơi, chú thương cháu. Chú đổ bê-tông thế nào, để cho chúng cháu một cái chỗ đất nhỏ thôi, để cháu khoét ra làm lỗ chơi bi. Lâu lắm rồi chúng cháu không được vẽ lên đất cái vòng tròn chơi bi, cái vạch ngang chơi đáo.

Trò đồng dao như cổ tích của loài người cũng biến mất, khi làng trở thành bê-tông, không một bóng tre, không một ngọn cỏ. Cống rãnh bê-tông như thành phố, nhưng lại không có cống ngầm như thành phố. Thế là nước từ hố xí tự hoại của cả làng cứ xả ra các cống lộ thiên. Nếu mà một xóm, hai nhà cùng xả nước ấy ra cống lộ thiên của xóm, thì làng biến thành cái hố tiêu. Bà con bèn họp nhau lại, mỗi xóm, quy định chỉ một nhà được xả nước từ hố xí tự hoại ra cống lộ thiên của xóm thôi. Mùi in ít thôi thì còn chịu được. Ai đó, bắt đầu tiếc nuối cái thời dùng “phân bắc” ủ kín để bón ruộng, ai đó thở dài “hiện đại thật là hại điện”.

Chúng ta đã sai lầm một cách có hệ thống. Ông Trưởng thôn, ông Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện đều lấy sự bê-tông kể trên làm hỉ hả. Cái đáng sợ cần thống thiết kêu cho nông thôn Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ, không chỉ là việc xà xẻo tiền dự án 135, xà xẻo công quỹ, ăn chặn kinh phí lát gạch, đổ bê tông ngõ tắt đường ngang – mà hơn thế, sự xuẩn ngốc trong kế hoạch nhà nhà người người xóm xóm cùng vươn tới sự hủy diệt màu diệp lục. Cái màu xanh đã nuôi dưỡng, bao dung và giáo dục nhân cách của cả loài người. Chúng ta phấn đấu “lập trình” để sinh ra thảm họa sinh thái cho làng quê của mình – một điều không thể tưởng tượng được.

Các cháu bé ở nông thôn, vùng sâu học trong điều kiện thế này : tự xách nước dưới suối xa lên nấu cơm, nồi cơm chỉ có duy nhất cơm và muối để ăn. Nấu cơm trong vách đá, trong hốc cây bị đốt cháy có che phủ tí ni-lông và lá rừng làm bếp. Sự thật đó, làm sao để chúng ta dám ước mơ giáo dục nông thôn đuổi kịp thành thị? – Ảnh : Lãng Quân

Trên Truyền hình Việt Nam, mới đây, có phát bản tin về chuyện nước Nhật người ta văn minh quá, trẻ em sinh ra thèm được thấy cái lập lòe của con đom đóm bay trong đêm trường rỉ rả côn trùng. Thế là người ta nhốt đom đóm, cho sinh sản rồi tìm một cái thùng tối khổng lồ, có cánh cửa thu vé để cho trẻ chui vào đó mà tham quan… đom đóm.

Điều này làm tôi nhớ đến đám trẻ ở trường mù Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội mà tôi đã gặp. Tôi hỏi một bé khiếm thị : Cháu biết quả mít nó như thế nào không? Cháu bé lơ ngơ nhìn vào vô tận, đôi mắt vô hồn trắng đục như một miếng nhựa nhạt nhòa : "Cháu biết! Quả mít nó bé bằng hai ngón tay, nó tròn tròn, da nó nhẵn và ướt. Cháu chỉ lủm một cái là hết một quả!”. Tôi rùng mình. Hóa ra cháu đang miêu tả múi mít. Chúng ta vẫn hằng nhân ái bóc từng múi mít đưa cho bé thơ, đặc biệt là những bé thơ mù. Tôi tự hỏi : sự tuyệt diệt của những loài sinh vật nhỏ bé, thân thương như con “đom đóm bay qua dải nước đen” trong Hồng Đức Quốc âm thi tập kia sẽ dần dà biến trẻ thơ của chúng ta thành những đứa “mù”. “Mù” vì bị ngập trong cốt thép bê-tông. Con đom đóm, con mò mò, rồi đủ loài sâu róm, bọ gậy, cung quăng, giun đất, xuyn xuýt rô cờ, đòng đong cân cấn… đang từ bỏ chúng ta. Chúng ta ghét bọ gậy, căm thù sâu róm, nhưng trong mắt các nhà bảo tồn đa dạng sinh học và trong việc hình thành thế giới quan của một con người, “bọn sâu bọ” có vai trò y như các loài mà chúng ta trân trọng khác. Nó cũng như con voi, con hổ, như… con người. Các loài vật bình đẳng trên thế gian, ở cái góc độ nhân văn và bảo tồn kia (xin nhấn mạnh và “rào” trước điều này).

Nguyên nhân thì ai chả biết. Sự tung hoành của hóa chất độc hại, của chất kích thích và những trò tàn sát môi trường thiển cận. Chúng ta vung vãi phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu, chất tăng phọt nhảy phọt gì đó cho rau cỏ và vật nuôi; chúng ta tôn xưng các loại rác thải công nghiệp bằng cách phụ thuộc quá sâu vào những tiện ích nhỏ bé mà “bọn chúng” mang lại; chúng ta, hoặc là trực tiếp dùng điện, dùng mìn, dùng hóa chất săn bắt thú, săn bắt cá tôm; hoặc là làm ngơ trước việc đồng bào thiển cận “vắt mũi bỏ miệng” của mình làm những việc đáng nguyền rủa kể trên.

Thí dụ đơn giản : một cái giã nhủi – xiết điện – kích điện, khi nó dũi mình xuống ruộng, ao, hồ, suối, sông, biển thì cá tôm nhảy trắng bụng vì bị điện giật. Người ta nhào ra bắt vài con cá, mặc cho hàng triệu loài thủy sinh, hải sinh khác đang chết; hàng triệu trứng cá trứng tôm, trứng noãn của “thủy tộc” bị giết. Sao chúng ta vẫn thản nhiên nhìn đồng bào mình đeo bình ắc-quy đi dũi xuống “tàn sát” quê hương mình như thế? Tôi lấy thủ cấp của mình ra để thề : đi đến làng quê nào, bây giờ bạn cũng gặp những kẻ “uống thuốc độc để giải khát” đó. Và, chính quyền, các ban ngành, và người có lương tri, chả ai ra khuyên ngăn hay bắt giữ việc làm sai trái (sai về luật, quy định và về đạo lý!) ấy. Vì sao? Vì chúng ta có cái nhìn không vượt qua chóp mũi của mình. Vì chúng ta quá an phận, quá ích kỷ, không biết thương giống nòi và con cháu của mình. Hơn một lần Vietimes đã viết : khi ông Tilo Nadler, người Đức, một chuyên gia bảo tồn từng 14 năm chiến đấu vì môi trường ở Việt Nam thấy cảnh người ta dùng xiết điện giết các loài thủy tộc, ông đã nhảy ào xuống nước, rẽ nước, cùng ướt lút thút, mặt đỏ tía tai, dẫn giải kẻ vi phạm về ủy ban xã yêu cầu xử lý. Và, như đã viết, cán bộ xã chỉ ừ ào, cười mỉa, đợi ông Tây khùng đi rồi thì… thả “bà con” ra về. Sự tê tái nằm ở đó. Sự xỉ nhục nằm ở đó.

Hệ quả của việc chúng ta lao tâm khổ tứ “lập trình” để sinh ra những hoang mạc cho mình và cho con cháu, bằng cách bê-tông hóa, tàn sát môi sinh ở nông thôn là gì? Là việc tâm hồn của người sống trong không gian đó bị “sa mạc” hóa. Là, chỉ ít năm nữa thôi, những gì mà các nhà văn từng mướt mát miêu tả cho cỏ cây hoa lá lộng lẫy, ảo diệu của nông thôn Việt Nam sẽ chỉ còn…đẹp trong sách cũ.

Hà Nội, mùa này đang rất nồm. Cái nồm làm nhiều người đi ra từ một cái làng phải thót lòng nhớ quê. Quê tôi, cách Hà Nội 40 km thôi, chỉ 14 năm trước, cái hồi tôi còn là gã trai làng bữa nào cũng ăn 5 bát cơm với rau, có khi ăn hết cả quả mít mật rồi không đứng dậy được nữa ấy. Mùa này, đúng như Hà Nội những ngày này đây. Sương mù nhẹ, lơ mơ. Trời ong nong, thấy nồm nực một tí, và những viên gạch cũ trong nhà bắt đầu đổ mồ hôi thâm thẫm. Sáng ra thấy khó thở, mưa phùn lâm thâm, âm ấm. “M&ugrav
e;a tôm dúi”. Tôi thốt lên. Nhìn ra dòng sông Tô Lịch của đô thành đen ngòm như dầu luyn, cái dòng sông bẩn đến mức, không thể tưởng tượng được : vào hồi Hoàng Thành Thăng Long còn hoàng kim, mấy bác sử học bảo, “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ anh ghé thuyền đỗ sát thuyền em”. Dòng sông bẩn như nỗi nhục của người Thủ đô đó, trong ngày tôm dúi, nó bắt đầu bốc mùi kinh tởm. Còn quê tôi, ngày mưa ấm và sương mù nhè nhẹ, trời nồm như có ai ném tóc vụn vào vai áo, ấy là khi mặt nước sông hồ, ao đầm rất là “khó ở”. Áp suất khí quyển tăng lên, ô-xy hòa tan vào nước quá ít, mùi nước ao hồ sặc sụa không gian, cái mùi tanh dễ chịu vô cùng.

Rừng đầu nguồn bị giết bởi con người, sông suối đục ngàu, thiên nhiên nổi giận quay lại, đem thảm họa đến cho con người. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ dẫn chúng ta về đâu?

 
Khi ấy, đám tôm thiếu ô-xy thì không chịu được, chúng bắt đầu nhao lên mặt nước, lao hàng bầy dúi dụi vào bờ. “Tôm dúi!” – tung chăn mỏng, tô hô. Thế là anh em tôi mang màn tuyn rách, màn tuyn lành, rổ rá, và đủ thứ “ngư cụ” con nhà nghèo ra bắt tôm. Tôm nhiều vô kể. Lũ tôm cứ nhao lên, cứ dúi (hay nhúi, húi là những cách gọi khác) lên mặt nước. Mắt tôm, càng tôm, thanh kiếm trước “mặt” tôm nhò lên, lập lờ, đen nhoáy, như rình rập, như cô đơn và tuyệt vọng trên mặt nước. Tôi bắt cả rổ tôm trong một buổi sáng. Cảm giác như, sau cái buổi sáng tôm dúi đó, làng hết sạch tôm rồi. Nhưng, ngày mai, hôm sau mưa ấm và sương mù, viên gạch trong nhà ướt ẩm tí ti, sáng dậy thấy người nặng nề khó thở, tôi lại xách cái màn cũ đi kéo tôm. Lại ê hề tôm. Tôm dúi, cá cũng dúi, cá nổi đen thẫm, những cái miệng tròn há lên khỏi lập lờ mặt nước, như kêu ca, than thở. Những ngày đó, đúng là, ở nhiều góc đầm, phải tát cá ra để… múc được nước.

(Còn tiếp)
Lãng Quân (Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *