Giáo dục nông thôn – Đừng chỉ tạo những giấc mơ… vâng lời

Thiếu việc làm và thất nghiệp gia tăng -> tỷ lệ nghèo gia tăng -> thiếu việc làm và thất nghiệp gia tăng… Cái vòng luẩn quẩn ấy đã kìm hãm nhiều người. Suy cho cùng, vấn đề quan trọng hàng đầu tồn đọng ở nông thôn, đó là việc làm. Những thanh niên đến tuổi lao động, những người quyết tâm thay đổi số phận mình, họ sẽ lựa chọn con đường học vấn. Đối với nhiều thanh niên nông thôn, lựa chọn của họ là thi vào những khối trường được hưởng sự ưu đãi của Nhà nước. Công an, Quân đội, Sư phạm,… là những lựa chọn số 1. Lý do : không phải mất học phí, chi phí học tập… và có một công việc ổn định sau khi ra trường.

Chính thực tế ấy đã quân đội hóa, công an hóa nghề nghiệp của nhiều người ở nông thôn, và dẫn đến sự thiếu sáng tạo của lớp trẻ – những đối tượng được thụ hưởng ưu đãi của chính sách bao cấp này.

Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Khoa học Quân sự, Học viện Quân y, Chính trị Quân sự, Công an, Cảnh sát, Lục quân, Không quân, Sư phạm… là những khối trường được Nhà nước đài thọ 100% học phí cho các học viên.

Trong số đó, trừ khối ngành Sư phạm không bao cấp về chi phí sinh hoạt cho học viên, những ngành học trên đều cam kết sắp xếp việc làm nếu họ chấp nhận công tác tại những nơi được điều về. Khi cơ hội tìm kiếm việc làm của những người học các trường đại học, các ngành học khác sau khi ra trường là quá nhỏ, cùng với những chi phí đắt đỏ cho việc theo học tại đô thị… những ưu đãi ấy đã hấp dẫn nhiều gia đình nông thôn.

Các bậc phụ huynh đều hướng con em mình dự thi vào các khối trường đó, như là một cứu cánh và là giải pháp tối ưu. Điều này đã tạo nên “cơn sốt” Sư phạm, Quân sự… cho những người đăng ký thi tuyển, và đẩy “tỉ lệ chọi” của những trường này năm nào cũng ở mức cao chót vót. Lẽ đương nhiên, những người trúng tuyển là những người thực sự xuất sắc, vượt qua một số lượng rất đông các “đối thủ” của mình. Những người chưa thành công, tiếp tục “dùi mài kinh sử", chờ cơ hội ở những mùa thi năm sau.

Chất lượng đầu vào của những khối trường này đương nhiên ở mức cao, bởi điểm chuẩn đưa ra luôn ở hàng “chiếu trên” so với các trường – ngành học khác. Những người nộp đơn dự thi, đương nhiên cũng là những người có lực học tốt. Điều này cũng dẫn đến sự mất cân đối trong mặt bằng tuyển sinh, khi những ngành học khác, những trường ĐH, CĐ khác không có sinh viên để tuyển, buộc phải nhận những người đạt mức điểm thấp hơn rất nhiều so với các ngành Sư phạm, Công an, Quân sự…

Tuy nhiên, xét trên góc độ lựa chọn định hướng nghề nghiệp tương lai, thì không phải những học viên đăng ký thi Quân sự, Công an, Sư phạm… đều là đúng với sở học của mình. Họ có thể được đào tạo chuyên sâu ở lĩnh vực mình đăng ký, cùng với tố chất sẵn có, họ sẽ trở thành những thầy giáo tốt, những sỹ quan giỏi… Nhưng, nếu như được vào đúng sở trường, họ sẽ phát huy được nhiều hơn nữa cái tố chất sẵn có ấy, khả năng sáng tạo của họ sẽ được phát huy nhiều hơn.

Với đặc thù của ngành học đào tạo sỹ quan, chương trình đào tạo được dựa theo một ba-rem chuẩn với các môn học, phương pháp đào tạo nhất định, với những kỷ luật của quân đội chặt chẽ. Những yếu tố ấy là một thành vách kiên cố ít nhiều hạn chế sự sáng tạo của các học viên, mà lẽ ra, họ hoàn toàn có cơ hội trở thành những nhà nghiên cứu, những kỹ sư, những kiến trúc sư… tài năng. Cái lý do để tránh khó khăn về kinh tế ấy, đã khiến xã hội mất đi một lực lượng không nhỏ những lao động chất xám tài năng ở những ngành nghề khác, lĩnh vực khác. Đó là một chi phí cơ hội không chỉ cho con em nông thôn, mà còn là chi phí cơ hội của cả xã hội.

Vấn đề nổi cộm của tuyển sinh ĐH, đó là các thí sinh của chúng ta chưa có sự tự định hướng cho chính mình. Nguyên nhân một phần ở chính người thi. Bởi một lẽ, thanh niên nông thôn, mức độ va chạm xã hội là rất ít, nếu như không nói là không có. Những kiến thức họ có được, đó là những kiến thức được truyền từ sách giáo khoa chứ không phải là kiến thức từ thực tế cuộc sống. Các bậc phụ huynh, với hiểu biết hạn chế do trình độ văn hóa, và cũng do chính kinh nghiệm xã hội của họ cũng không nhiều, nên họ chưa đủ hiểu biết để hướng con mình chọn nghề. Tất cả những điều trên đều góp phần vào việc lựa chọn “sai đường” của những người trẻ tuổi bắt đầu bước vào đời.

Một gia đình nông dân ở quê tôi có con trai thi đậu một trường Quân sự, ngày em lên trường nhập học, cha mẹ sắp cả chục mâm cơm mời họ hàng, làng xóm đến liên hoan chia vui, vì con họ vào được ngôi trường danh giá, bắt đầu trở thành “người Nhà nước”, được Nhà nước nuôi, được Nhà nước dạy, được Nhà nư
ớc bố trí việc làm sau khi ra trường. Thế là thành người. Con đường tương lai phía trước được rộng mở.

Một gia đình khác, con của họ thi vào trường ĐH khác, nhưng không phải trường Quân sự, thì ngày nhập học cũng là ngày cả nhà chạy vạy bán con lợn, con gà, vài tạ thóc… để có khoản tiền học phí, để dư cho con được vài trăm ngàn đồng làm chi phí cho tháng đầu. Những tháng tiếp theo, chuột chạy cùng sào, gùi gắng, chắt bóp, tằn tiện… gửi đường bưu điện cho con định kỳ.

Gia đình có con thi đậu trường Quân sự, không phải nuôi con, nhưng nhà cũng không vì thế mà giàu có hơn, có của ăn của để hơn. Gia đình có con học trường dân sự, trong suốt mấy năm trời con ăn nhờ, ở đậu, mỗi năm, nhà mỗi nghèo đi. Mừng, vì con cái sẽ có cơ hội đổi đời, vì “học hành chắc chắn phải hơn người không được học!”, nhưng ròng rã mấy năm trời, cái bàn, cái ghế vẫn cũ kỹ như thế. Những cố gắng để nuôi niềm mong mỏi, hy vọng làm cho họ già đi, cũ đi…

Những cô giáo tương lai

Nếu như người ta chấp nhận đánh đổi vì một lý do hết sức thực tế như thế, nghĩa là vì vật chất nghèo khó, chấp nhận đặt con mình vào một sự sắp xếp mà đã nhìn thấy rõ con đường, giải pháp ấy có thể tránh được sự khó khăn trong giai đoạn đầu. Nhưng, cả một quá trình dài sau đó, những sỹ quan, những thầy cô giáo tương lai, giống như những cỗ máy chỉ việc chạy theo một con đường đã được lập trình. Những công việc mà họ lựa chọn, phải thừa nhận một điều, nó không cần, hay không cho phép người ta được đưa dấu ấn cá nhân vào đó. Sự sáng tạo không có đất! Khu vực nông thôn là khu vực “hồ hởi” nhất với những ưu đãi như thế. Về mặt xã hội, nó đã quân sự hóa nghề nghiệp cho những thanh niên vùng nông thôn – những người ít có cơ hội sang các ngành nghề khác. Nó kéo theo một chuỗi bất hợp lý trong phân bố lực lượng theo ngành nghề, theo khu vực vùng miền.

Khi số lượng trường ĐH, CĐ ngày càng được mở rộng, các hình thức đào tạo, liên kết ngày càng nhiều, xu hướng xã hội hóa giáo dục sẽ đưa giáo dục trở thành một lĩnh vực kinh doanh. Điều đó đã manh nha xuất hiện khi rất nhiều trường ĐH, CĐ mới mở, chưa có “uy tín”, chưa có tên tuổi và chưa có sinh viên để dạy. Thực tế đó buộc những trường này chiêu sinh những học sinh ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, đón đầu những học sinh sắp sửa bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Họ gửi một giấy nhập học tới địa chỉ của các em, căn cứ trên danh sách của Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh nhà, chiêu sinh không qua thi tuyển. Chưa nói đến chất lượng, nhưng nhiều gia đình có con em có giấy gọi nhập học, dù chưa biết thế nào, vẫn khăn gói quả mướp đưa con tìm đến cái địa chỉ ghi trên tờ giấy. Rõ ràng, khát vọng thay đổi cuộc sống của thế hệ con em, họ chấp nhận một cuộc đầu tư đầy may rủi!

Trong những bản bình chọn và dự báo trên các ấn phẩm truyền thông về những ngành nghề “hot” nhất, những ngành nghề mà trong tương lai sẽ hấp dẫn đông đảo các lao động trẻ, không có nghề nào mang tên các khối trường Quân sự, Sư phạm! Thực tế, với lớp trẻ ở các thành phố, đô thị, rất ít bạn trẻ có nguyện vọng theo đuổi giấc mơ vào những khối trường “cứng nhắc” như thế, với một “lộ trình” được sắp xếp, được lên kế hoạch như thế, người theo học cứ “bình bình mà tiến”, dần dần mất đi ý thức cạnh tranh trong việc tự mình đi tìm những vị trí công việc trong tương lai. Đối tượng hướng đến của những chính sách đó, vô tình đã quân sự hóa nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ những thanh niên khu vực nông thôn, và khiến cho họ mất đi tính sáng tạo và khả năng sáng tạo. Nếu nói chính xác, thì nó đã làm héo đi những mầm non, mà lẽ ra, nếu đặt đúng môi trường, đó sẽ là những cái cây làm chỗ dựa cho cả một khu rừng!

Di Linh (Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *