Kỳ 2: Con tôm lật nhào

Tháng 6.2000, tỉnh Cà Mau quyết định chuyển từ ngọt thành mặn 130.000 ha đất lúa và đất lâm phần để nuôi tôm. Trước đó, toàn tỉnh chỉ có 9.511 ha đất nuôi tôm. Trên thực tế, con số của ngày nay là gần 250.000 ha. Khó có thể gọi cách nào khác hơn, đây là một cú lật nhào cả sinh thái và dân sinh.

Nhà nhà biến ruộng lúa thành ruộng tôm

Bây giờ nếu hỏi lại bà con vùng Rạch Láng, tất cả đều cho biết là ngày ấy họ đã được hỏi ý kiến và đã đồng thanh nhất trí: nuôi tôm. Không đồng thanh sao được, vì chỉ cần đi xuống kinh xáng Ba Tiệm, qua vùng Kinh Đứng, Đường Cày, cách đó chưa tới chục cây số, sẽ thấy ngay con tôm đã làm cho con người đổi đời như thế nào. Ănten tivi mọc lên ở mỗi nhà. Chiều chiều nam thanh, nữ tú chở nhau đi uống cà phê video bằng xuồng máy. Đám tiệc đàn ông mời nhau toàn thuốc lá đầu lọc… Trong khi đó, cả Rạch Láng chỉ vài nhà có tivi đen trắng “hát” bằng điện bình. Trong khi mấy mươi năm, các chàng trai Đường Cày nhìn các cô gái miệt vườn Rạch Láng trắng trẻo, nết na mà không dám mơ tới.

Nói cho đúng thì những ngày Rạch Láng được phép chuyển sang nuôi tôm, làng xóm đều hân hoan, rạo rực bao hy vọng. Xáng cạp rầm rộ đào rộng, khơi thông lại các kinh rạch trong vùng. Nhà nhà nô nức đến ngân hàng lập khế ước vay tiền. Ông Hai Việt (Lâm Quốc Việt) được vay lần đầu 5 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ xây cái cống xổ, còn lại việc đào đắp bờ bao, nạo vét kinh mương để biến ruộng lúa thành ruộng tôm thì dốc sức nhà. Lứa tôm đầu tiên còn nuôi theo kiểu trời sinh: lấy nước mặn vào, đóng cống lại, sau một tháng thì xổ cống. Thế mà vẫn có tôm. Nhưng rồi những con nước kế tiếp số tôm ít dần, cuối cùng không còn thấy tôm đâu nữa, trên đầm nước chỉ còn thấy cá phi giỡn sóng. Bây giờ thì không còn con đường trở lại với cây lúa. Nhưng để đi tiếp với con tôm thì cần phải có vốn, nhiều vốn.

Con tôm vẫy vùng tới… ngõ cụt

Ông Ba Đời (Trần Văn Đời) là người khá giả có tiếng của Rạch Láng. Ngày xưa, toàn vùng Rạch Láng chỉ duy nhất một hộ có nhà tường lợp ngói, nền mộ thân tộc có mả xây ximăng, đó là nhà ông Trần Văn Kỉnh, cha của ông Ba Đời. Dù lớn lên sở hữu nhiều đất (hơn mẫu vườn và gần 2 mẫu ruộng), nhưng ông Ba Đời chưa từng là nông dân thứ thiệt. Nhà ông khá giả qua nhiều thời kỳ, kể cả những năm chiến tranh, là từ hiệu may, tiệm thuốc tây, tiệm tạp hoá và sau cùng là một nhà máy chà lúa ở đầu kinh Chín Quy. Tiệm may, tiệm tạp hoá, nhà thuốc tây của Ba Đời chấm dứt hoạt động sau 30.4.1975 không lâu, khi thời kỳ bao cấp xuất hiện. Nhưng từ sau chủ trương đổi mới, đất đai được trả về cho người nông dân, vùng Rạch Láng trở lại sung túc với những mùa lúa bội thu. Ba Đời nhanh tay cho dựng ngay nhà máy chà và làm ăn khấm khá trong gần chục năm. Nhưng chỉ sau một đêm “chuyển dịch”, nhà máy chà của Ba Đời trở thành đống sắt vụn. Dù thế, Ba Đời vẫn còn đủ vốn để đầu tư cho ba mẫu đất trở thành những vuông tôm chỉn chu với hệ thống bờ bao, cống xổ chắc chắn.

Thời điểm con tôm trời sinh chấm hết, thì số vốn tích luỹ của Ba Đời cũng hết. Vay nợ là chuyện cả đời Ba Đời không bao giờ nghĩ tới. Nhưng bây giờ thì chỉ còn con đường thế sổ đỏ cho ngân hàng để vay 20 triệu, hy vọng con tôm nuôi sẽ nuôi lại mình.

Thả con tôm giống, bí nước lại và cho tôm ăn. Người nông dân nào cũng nghĩ việc này quá đơn giản. Thế nhưng, nhiều hộ sau ba tháng cho thức ăn xuống vuông, hy vọng đã xẹp lép theo những chiếc đáy lú trống không nơi cống xổ. Vì sao mà nên nông nổi này, không ai trả lời được và cũng không có ai để mà hỏi. Cả những hộ ngó thấy hằng ngày con tôm nó ăn, nó lớn thế nào, đến khi phát hiện vài con rồi hàng đàn nổi lờ đờ, chúi đầu bào bờ vuông chết rũ, cũng không biết vì sao. Ngày trước, khi thay đổi giống lúa, họ còn được tổ chức khuyến nông hướng dẫn cách gieo sạ, chăm bón và khi có dịch bệnh thì phải dùng loại thuốc nào để chữa trị. Còn bây giờ thì không biết hỏi ai. Từ khi “chuyển dịch”, ngày ngày chỉ thấy vỏ lãi của dân lái tôm xuôi ngược để mua tôm, giờ tôm chết cũng không còn thấy họ lai vãng.

Không phải nước chảy thì đâu đâu cũng tới

Nếu tính độ cao tự nhiên thì hơn 3/4 diện tích tỉnh Cà Mau nằm dưới mặt nước biển. Người ta biết đến đồng bằng sông Cửu Long như một vùng sông nước, thì Cà Mau là điển hình đậm nét nhất của đặc điểm này. Đây là vùng sa bồi hình thành sau cùng của đồng bằng sông Cửu Long. Sự thành tạo tự nhiên này còn để lại một thuỷ hệ chằng chịt, dày đặc: tổng chiều dài sông ngòi kinh rạch của Cà Mau là hơn 18.000 km. Ở Cà Mau, cứ lần theo các dòng sông, đi bất cứ hướng nào rồi cuối cùng cũng sẽ gặp biển. Nhưng chế độ thuỷ triều của biển Cà Mau lại rất khác nhau. Phía biển Đông có chế độ bán nhật triều, biên độ chênh lệch từ 3 đến 3,5 m. Trong khi ở biển Tây là chế độ nhật triều không đều, biên độ trung bình 0,5 m, triều cao nhất cũng không tới 1 m.

Sự nô nức của người dân Cà Mau trong chuyện nuôi tôm, còn vì họ nghĩ rằng, toàn xứ này chỉ cần phá đập khơi thông thì đâu đâu nước mặn sẽ tới, con tôm sẽ tới. Nước mặn tới, là có thật. Nhưng nguồn nước ấy không phải ở đâu cũng lưu thông được tới biển, cũng thích hợp cho việc nuôi tôm, thì họ không biết. Cách con kinh Trâm Bầu chỉ hơn cây số về phía đầm Thị Tường, có ngã tư sông mang tên là Giáp Nước. Khi thuỷ triều lên, dòng chảy từ hai phía đổ về gặp nhau ở đây và khi thuỷ triều xuống chúng lại rút ra chẳng bao xa, cứ thế quanh quẩn. Vùng Rạch Láng nằm trọn trong chế độ thuỷ triều biển Tây. Ngày trước không ai nuôi tôm thì con tôm có thể theo dòng nước tự nhiên mà sống. Bây giờ toàn vùng đều nuôi tôm, tất sẽ là một vùng ô nhiễm, khi dòng nước không ra tới biển được bao nhiêu.

Theo Nguyễn Trọng Tín – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *