Những miền đất dữ

Kỳ 1: Khúc bi tráng của vùng đất mặn

Nó trở thành đất mặn chỉ cách nay 7 năm, khi tỉnh Cà Mau chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi tôm

Vùng đầm lầy đó thuộc ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, Cà Mau.

Biến mất những lực điền

Chiếc vỏ lãi đi vào kinh Trâm Bầu. Tôi kêu người lái ghé ngôi nhà lá lụp xụp ven kinh. Một ông già quần cụt, lưng trần lọm khọm che mắt bước ra.

“Hồi trước mày về, không rùa thì rắn, cá mắm tao đâu thèm kể tới”, ông Ba nói, mấy năm nay tôm chết liên miên, giờ không còn gì để mà đãi. Dừa khô bây giờ không đút được bàn nạo vô nạo, đất không trồng được cọng rau nêm canh nên ông cũng bỏ nhậu lâu rồi. Nhìn ông tôi không còn nhận ra dấu vết gì của ông Ba Minh lực điền ngày trước. Hồi đó, ông được vị nể vì một buổi có thể phát xong 2 công đất, trong khi những nông dân trai tráng chỉ có thể phát được một công. Nhà ông cuối kinh Trâm Bầu với hơn 20 công đất nổng (ruộng gò) nổi tiếng, vì chỉ có đất nổng mới cấy được lúa sớm. Mỗi năm mùa thu hoạch, cả xóm xúm lại gặt, đập để mượn lúa sớm của ông về ăn trước khi thu hoạch vụ mùa. Dịp này năm nào ông cũng mổ con heo trăm ký, trước để đãi bà con, sau đó ai thích thì cắt thịt đem về, hết mùa thu hoạch có thể trả lại ông bằng lúa.

Giờ thì 20 công đất nổng đã cầm cố hết. Cũng vì 20 công đất nổng ấy mà ông trở thành người nghèo sớm nhất của kinh Trâm Bầu sau khi “chuyển dịch”, bởi nó gò nên không thích hợp cho nuôi tôm. Đất ấy giờ là của người khác. Ông nói, hồi mới “cố” đất, cứ tiếc đứt ruột. Đêm đêm ông vẫn âm thầm về để… nhìn. Giờ thì hết tiếc rồi, bởi nếu còn nó cũng không biết để làm gì.

Mắc cạn trên đầm nước

Mảnh đất 3 công mà ông Ba đang ở là của cha ông, ông Bảy Ngọc. Cha mẹ ông đã mất, vợ ông cũng mất. Nhà ông chỉ còn cô con gái câm, chị Thu, năm nay đã 53 tuổi. Giờ ông sống bằng nghề lặn đất mướn, nếu có ai cần sên kinh, be bờ. Tôi khó tưởng tượng nổi ông già đã 76 tuổi mà còn lặn đất.

Tôi hỏi các con ông giờ ở đâu, vì tôi biết ngoài chị Thu câm, chị Thuỷ bị pháo bắn chết hồi bình định 1970, ông còn đến 5 người con nữa, 2 trai 3 gái. Ông nói, tụi nó giờ tứ tán hết, hai đứa trai thì qua Sông Đốc đi bạn cho ghe biển, 3 con gái đều theo chồng, người thì xuống Năm Căn làm mướn, người thì qua U Minh thuê đất lâm trường làm ruộng, thảng hoặc có ai về thì gởi ông ít tiền hay khô, mắm.

Không riêng gì các con ông Ba Minh, toàn kinh Trâm Bầu xưa kia có 19 gia đình, nhà nào cũng đông con, từ 5 đến hơn chục người, cũng theo đó số hộ sinh sôi đông đúc hai bờ kinh. Bây giờ từ đầu kinh đến cuối kinh, không kể ông bà già và trẻ con, còn lại chưa được chục người đàn ông trung niên. Thanh niên trai tráng hầu như không còn người nào. Họ phải tha phương làm thuê và cả đang ở trong tù vì tội trộm cắp. Thiếu nữ thì phần đông ra thành, nói là đi làm công nhân may, công nhân lột tôm, thực chất không ít người giúp việc và cả giúp vui cho các nhà hàng, quán nhậu.

Lịch sử bi tráng

Không chỉ ở kinh Trâm Bầu, toàn vùng Rạch Láng giờ đây chỉ còn duy nhất một mảnh vườn 7 công (7.000 m2) của ông Ba Chơi là còn giữ được nước ngọt. Cùng tuổi với ông Ba Minh, ông Ba Chơi là một người yêu đất, yêu trâu máu thịt. 7 năm qua, ông Ba Chơi tốn không biết bao nhiêu công sức để cố thủ cho cái ốc đảo ngọt này, thực chất như giữ lấy một kỷ vật của cha ông chứ không chỉ vì đời sống kinh tế.

Ruộng vườn dọc hai bên kinh Trâm Bầu đều do tiền nhân của những người cư ngụ ngày nay khai phá. Nhưng có một thời kỳ rất dài họ phải làm tá điền cho điền chủ Xã Phuông ngay trên đất của mình, chỉ trừ duy nhất một người, đó là ông Lâm Văn Liên, cha của ông Ba Chơi. Khi rừng rậm, đầm lầy trở thành vườn dừa, ruộng lúa thì những người khẩn hoang mới hay là đất đai của mình đã nằm trong địa thổ khai khẩn của điền chủ Xã Phuông. Một số người cúi đầu cam chịu, số khác đùm túm vợ con đi tiếp về phía mũi Cà Mau. Chỉ duy nhất ông Liên là không chịu khuất phục. Khi máu sắp đổ, dao, phảng, gậy gộc của một dòng họ đã cận kề với súng đạn của cò lính, thì bất ngờ ông Liên nhận được nơi điền chủ Xã Phuông lời đề nghị “hoà hiếu”.

Nội dung của lời “hoà hiếu” nói rằng, nếu dòng họ Lâm muốn giữ được ruộng để cấy riêng, thì phải chịu cho em gái út ông Liên, lúc đó mới 16 tuổi, nhưng sắc đẹp đã nức tiếng một vùng, làm vợ bé cho Xã Phuông. Người con gái đẹp này đội khăn tang, lạy lục từng người trong họ tộc xin được hiến thân, để cứu cả dòng họ khỏi một thảm hoạ. Không cưỡng được sức ép của dòng họ, sau một cơn cuồng dại, con cháu phải trói chặt ông vào chân cột. Từ đó đến khi qua đời mấy năm sau, ông trở thành một người câm. Dù thế, trí óc ông vẫn còn minh mẫn. Ông chứng tỏ cái sự minh mẫn ấy bằng hành động đáng sợ: treo lên đòn dong nhà con dao to lớn, làm một lời nguyền. Đó là con dao bứng lúa, lưỡi dài chừng 5 tấc, ngang 2 tấc, cán dao ngắn, mập bự, cong theo một thế nắm vững chắc. Nếu không dùng vào việc bứng lúa, con dao ấy lợi hại như một thanh gươm…

Theo Nguyễn Trọng Tín – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *