Có lịch sử tồn tại hơn 140 năm, làng nghề mộc Chợ Thủ đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm độc đáo, chất lượng cao. Vì vậy, danh tiếng của làng nghề đã vươn xa khắp mọi miền đất nước.

Trên mảnh đất An Giang, huyện Chợ Mới được gọi đất cù lao vì đây là một vùng phù sa rộng lớn, được bao quanh bởi sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao… Chợ Mới có diện tích tự nhiên là 354,91 km2, bao gồm 16 xã và một thị trấn, kinh tế phát triển khá đồng đều về mọi mặt. Ngoài việc nổi tiếng là vùng cù lao trù phú, nơi đây còn tồn tại một làng nghề thủ công khá độc đáo, đó là nghề mộc. Có lịch sử hơn 140 năm, nghề này phát triển trước tiên ở xã Long Điền A, mà người dân quen gọi là Chợ Thủ – nghĩa là “Chợ của nghề làm bằng tay”.

Từ trung tâm huyện Chợ Mới, xuôi theo tỉnh lộ 942 khoảng 20 km là đến Chợ Thủ – Long Điền. Người dân nơi đây cho biết, ngày xưa, bên bờ sông này có một khu chợ mang tên Chợ Thủ, nhưng do đất lở, lâu ngày, chợ đã không còn. Sau này, chính quyền địa phương cho dựng lên một ngôi chợ mới, nằm sâu bên trong đất liền, gọi tên là chợ Long Điền A, nhưng bà con vẫn quen gọi là Chợ Thủ. 

Làng nghề Chợ Thủ nổi tiếng với nhiều sản phẩm mộc gia dụng như : tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, đi-văng v.v… Kết hợp với nghề chạm khắc gỗ gia truyền, làng nghề đã tạo nên nhiều sản phẩm tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao. Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ, những tấm ván, những khúc gỗ bình thường dần trở thành những sản phẩm gia dụng trang nhã, xinh xắn, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu sử dụng của rất nhiều gia đình. Có lẽ chính sự khéo tay của những nghệ nhân ở làng nghề Chợ Thủ đã tạo nên niềm tin lớn đối với khách hàng. Nhiều sản phẩm của làng nghề tham gia các cuộc hội chợ đã theo khách hàng đi khắp mọi miền đất nước.

Theo thống kê của huyện Chợ Mới, hiện nay, làng nghề mộc Chợ Thủ có 115 hộ với hơn 2.300 lao động từ thợ phổ thông đến thợ có tay nghề cao ở cả hai lãnh vực : đóng tủ, giường, bàn, ghế và chạm khắc gỗ. Để cung cấp nguyên liệu cho làng nghề, nhiều nhà máy cưa – xẻ gỗ cũng hình thành. Nhiều tư liệu cho biết, từ đầu thế kỷ XX đến năm 1929, trong số 49 xưởng mộc thủ công chuyên đóng hàng gia dụng và xuồng – ghe của An Giang thì đã có đến 39 xưởng  tập trung ở Chợ Mới, trong đó hầu hết là ở ven bờ sông Tiền, cặp theo xã Long Điền A và thị trấn Mỹ Luông.

Các bậc lão thành ở Chợ Thủ cho biết, các trại cưa – xẻ gỗ thường nằm cặp bờ sông Tiền là vì ngày xưa, gỗ nguyên liệu hầu hết được mua từ Campuchia. Thương lái vận chuyển gỗ bằng bè nên các vựa gỗ và nhà máy phải nằm cặp bến sông thì mới thuận tiện cho việc vận chuyển và đưa gỗ vào máy cưa xẻ. Xưa kia, chỉ có một vài xưởng có máy xẻ gỗ, còn lại phải xẻ bằng cưa tay, rất vất vả. Ngày nay, tất cả các xưởng gỗ đều dùng cưa điện, gỗ ván ra đều, chất lượng ổn định… tạo điều kiện thuận lợi cho người thợ chọn lựa gỗ ván theo yêu cầu.

Ở làng nghề Chợ Thủ có một điều khá thú vị là con gái làng nghề khi lớn lên theo chồng đều được cha mẹ tặng cho một chiếc tủ quần áo để làm của hồi môn. Không ai còn nhớ phong tục độc đáo này được bắt đầu từ khi nào, nhưng chắn chắn rằng, đây là một phong tục có ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở con cháu dù có đi đâu xa cũng luôn nhớ về quê hương, nguồn cội – nơi mà khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành luôn có âm thanh tiếng cưa, bào, đục, đẽo của ông cha.

Ngày nay, làng nghề Chợ Thủ được Nhà nước quan tâm bảo vệ và tạo điều kiện để phát triển. Khác với ngày xưa, có lúc làng nghề lao đao, lận đận, nhiều nghệ nhân phải bỏ làng ra đi làm thuê kiếm sống. Trong làng nghề, không ai không nhớ những câu thơ nhắc nhở một thời nghèo khó :

               “Trai chuyên làm tủ, gái sành cửi canh,
Dệt hàng chị mặc chẳng lành,
Giường, chõng nghề rành, anh ngủ sạp tre.”

Đó là những vần thơ buồn nói về giai đoạn khó khăn nhất của làng nghề. Chị dệt áo bán cho người giàu, nhưng chính mình không có được chiếc áo lành lặn. Anh giỏi nghề đóng giường tủ cho đời, nhưng chính mình lại ngủ chõng tre… Thật là bất công. Đó là những vần thơ để đời, nhắc nhở mọi người phải cố gắng vươn lên bằng đôi tay khéo léo và chân chính của mình. Nhưng ý nghĩa sâu xa của những lời thơ đó là ngầm nhắc cho người đời luôn nhớ đến tài hoa xưa nay của người dân làng nghề Chợ Thủ.

Làng nghề Chợ Thủ không chỉ có những người thợ chuyên đóng đồ gia dụng, mà còn có những nghệ nhân chạm gỗ rất tài hoa. Được biết, nghề chạm khắc ra đời dựa trên cái nền của nghề mộc đã có từ trước đó nhiều năm. Không ai còn nhớ được người đầu tiên làm nghề chạm gỗ ở Long Điền, nhưng hiện tại, người được biết đến nhiều nhất là nghệ nhân Hồ Xuân Lai mà bà con quen gọi là ông Tư Chia.

 

Để sản phẩm chạm khắc đẹp và giữ được bền lâu, các nghệ nhân thường sử dụng những loại gỗ quý như cẩm lai, dạ hương, huỳnh đàn… là những loại gỗ mà không mối mọt nào có thể xâm phạm được. Một sản phẩm trước khi hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn khá công phu, tỉ mỉ. Trước tiên là vẽ phác hoạ chủ đề, sau đó dùng mũi khoan mở những nét đầu tiên, rồi đến công đoạn dùng cưa lông nhỏ để loại bỏ bớt các phần gỗ thừa, cuối cùng mới đến phần sáng tác của các nghệ nhân với chiếc đục nhỏ bằng thép.

Thông qua đôi bàn tay khéo léo của mình, các nghệ nhân đã cho ra đời những sản phẩm cực kì tinh xảo như : Bát Tiên quá hải, mai lan cúc trúc, lưỡng long tranh châu v.v… Hiện nay, ngoài tủ, giường, bàn, ghế… nơi đây còn có nhiều sản phẩm nổi tiếng khác như ban công, cầu thang lầu, bao lam, câu đối, các loại tượng…

Nếu có dịp đến Chợ Mới – An Giang, chúng ta hãy một lần ghé thăm làng nghề mộc Chợ Thủ để được tận mắt chứng kiến những nét độc đáo của làng nghề có một không hai này.

Quách Nhị

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *