Theo những số liệu thống kê mới nhất, dân số Vĩnh long hiện ước khoảng hơn 1.044.000 người. So với năm 1975, dân số Vĩnh long tăng khoảng 340.000 người, nghĩa là so với cách nay 30 năm, dân số đã tăng hơn 30%. Còn đối với ĐBSCL, trong mười năm trở lại đây, dân số tăng trên hai triệu người.
Dân số tăng kéo theo những áp lực tăng trưởng về kinh tế và xã hội. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, nhiều làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp được hình thành, mạng lưới giao thông phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các khu dân cư, khu công nghiệp mới mọc lên ngày càng nhiều. Đó chính là những tác nhân quan trọng dẫn đến sự ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường có mối liên quan chặt chẽ đến chất lượng của cuộc sống, mà cụ thể nhất là liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe của con người. Chính vì vậy, ô nhiễm môi trường hiện nay đang trở thành một trong số những vấn đề bức xúc của xã hội. Có nhiều loại ô nhiễm môi trường, trong đó bao gồm những loại cơ bản như ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, nước, ô nhiễm do chất thải rắn v.v…
Đối với môi trường không khí, hai yếu tố chính gây ra sự ô nhiễm là khói bụi và tiếng ồn. Khói bụi và tiếng ồn phát sinh chủ yếu từ quá trình CNH – HĐH và quá trình đô thị hóa. Ở tỉnh ta hiện nay, sự ô nhiễm không khí chủ yếu tập trung ở các nút giao thông nằm trên các trục lộ chính như quốc lộ số 1A, quốc lộ số 53, 54, 57, 80, hoặc trên các công trường xây dựng, trong các nhà máy sản xuất v.v… Theo thống kê, cách nay vài năm, ở Vĩnh long có khoảng 152.000 loại phương tiện vận chuyển lưu thông trên các tuyến đường. Đến nay, con số này chắc chắn đã cao hơn nhiều. Vào các giờ cao điểm, mật độ xe lưu thông trên các tuyến đường chính tương đối dày đặc, gây ra một lượng khói bụi rất đáng kể. Bụi cát trên các trục lộ, khí thải từ các phương tiện vận chuyển, vật liệu rơi vãi trên các công trường xây dựng… bị phát tán đã gây ô nhiễm cục bộ cho môi trường không khí tại những địa điểm này. Các chỉ số mà ngành chức năng đo được cho thấy mức độ ô nhiễm ở nơi đây đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 4 – 7,5 lần.
Tuy nhiên, ở tỉnh ta hiện nay, bị ô nhiễm nhiều nhất chính là môi trường không khí ở những làng nghề sản xuất gạch ngói và gốm. Tại những làng nghề này có hàng ngàn lò gạch đang hoạt động suốt ngày đêm, tập trung nhiều nhất ở TXVL và các huyện như Long hồ, Mang thít, Vũng liêm. Mỗi một ngày, ống khói từ các lò gạch không ngừng thải vào trong không gian những làn khói đen dày đặc, mù mịt. Vào những ngày nắng đẹp, đi trên những con đường trải nhựa ven làng, ngoảnh đầu nhìn lại thấy khói từ các lò gạch bốc lên làm vẩn đục cả bầu trời xanh trong sáng. Khói lò mang theo nhiều chất độc hại, có nguy cơ gây nên nhiều chứng bệnh cho con người, trong đó rõ ràng nhất là những chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ngoài ra, nông dân ở vùng sản xuất gạch ngói và gốm còn cho biết, trong số các loại cây trồng quen thuộc trong khu vực, họ chỉ có thể trồng được cây nhãn, nhưng tỷ lệ ra hoa, đậu trái của nhãn cũng rất thấp, những loại cây trồng khác phát triển kém hoặc dần bị tàn lụi. Tại xã Nhơn phú, huyện Mang thít, chúng tôi bắt gặp những vườn dừa, vườn chuối đã bị khói lò gạch tàn phá đến xác xơ. Những cây dừa trụi lủi chỉ còn mỗi cái thân trơ trọi in bóng lênh khênh lên nền trời, những bụi chuối xấu hổ giấu mặt, chỉ dám phô ra những cọng tóc vàng xấu xí vì khô héo.

Tuy nhiên, nhờ vị trí địa lý nằm bên những dòng sông lớn, địa bàn tương đối thông thoáng, có nhiều cây xanh và gió là những yếu tố thuận lợi giúp cho các chất độc hại phát tán nhanh trong không gian, nên sự ô nhiễm không khí ở tỉnh ta hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ mang tính cục bộ và tạm thời, chưa nghiêm trọng như sự ô nhiễm ở môi trường nước và ô nhiễm chất thải rắn.

Là tỉnh có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Vĩnh long chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng – vật nuôi và thâm canh tăng vụ. Để bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm, người nông dân phải sử dụng một lượng phân hóa học thích hợp. Mặt khác, do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi khiến sâu bệnh phát triển nhanh nên nông dân bắt buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh những lợi ích to lớn cho cây trồng, phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cũng là hai tác nhân chính gây nên sự ô nhiễm môi trường đất, mà cụ thể là phá vỡ kết cấu tự nhiên của đất, làm cho đất bị chai cứng, nứt nẻ, giảm khả năng duy trì các chất dinh dưỡng, tăng hàm lượng các độc tố. Mặt khác, do hàm lượng hữu cơ trong đất giảm nên khả năng giữ nước của đất cũng giảm theo. Những điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của cây trồng.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, ĐBSCL sử dụng khoảng hai triệu tấn phân hóa học, gần 4.500 tấn thuốc bảo vệ thực vật, hàng ngàn tấn chế phẩm hóa học, thuốc thú y thủy sản v.v… Riêng ở Vĩnh long, trong năm 2004, có hơn 85.000 tấn phân hóa học được đưa vào môi trường đất và nước. Vậy mà con số này đã được giảm 56% so với năm 2002, tức là trước đây, mỗi năm đã có hàng trăm nghìn tấn phân hóa học đổ xuống trên đồng ruộng của Vĩnh long. Tương tự như vậy, trong năm 2004, có 233 tấn thuốc bảo vệ thực vật đã được sử dụng và con số này đã được giảm khoảng 80% so với lượng thuốc sử dụng trong năm 2002. Điều đáng lưu ý nhất là theo tính toán của các nhà chuyên môn thì chỉ có khoảng 40% lượng phân bón và 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật phát huy được hiệu lực trên cây trồng, phần còn lại trở thành dư lượng. Dư lượng này đi vào môi trường đất và nước. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là người nông dân của chúng ta đã mất không hơn 50% vốn đầu tư cho nguồn phân hóa học và thuốc trừ sâu, mà kết quả lại là để làm hại cho chính môi trường sống của các loại cây trồng. Thiệt hại đã là lẽ đương nhiên, nhưng nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng này không được điều chỉnh và khắc phục kịp thời thì về lâu dài, môi trường sản xuất nông nghiệp bị tổn thương sẽ là điều không tránh khỏi.
Một trong những nguyên nhân nghiêm trọng nhất gây ô nhiễm cho môi trường là chất thải rắn, hay gọi một cách đơn giản hơn, là rác. Nguồn rác này đến từ rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư, rác thải từ các chợ, rác thải từ các cơ sở sản xuất CN – TTCN, rác thải trong xây dựng, rác thải y tế v.v… Mỗi một ngày, Công ty Công trình đô thị Vĩnh long thu gom được 22 tấn rác, và con số này cũng chỉ đạt khoảng 73% tổng lượng rác thải ra. Lượng rác này khi đưa ra các bãi rác phần lớn không được qua xử lý. Thành phần rác thải nhìn chung rất phức tạp, trong đó các chất thải hữu cơ, xác súc vật chết chứa rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho con người. Bên cạnh đó, trong số 22 tấn rác thải ra mỗi ngày, có khoảng 2 tấn là rác thải y tế. Đây là nguồn rác có nguy cơ mang nhiều mầm bệnh độc hại, mà theo quy định thì phải được xử lý trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên,  trong số 7 Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh thì chỉ có 3 Trung tâm Y tế thuộc các huyện Long hồ, Mang thít và Vũng liêm là có lò xử lý rác đạt tiêu chuẩn. Đó là chưa kể đến rác thải từ những cơ sở y tế dịch vụ tư nhân cũng hoàn toàn không được qua xử lý trước khi thải ra môi trường. Bên cạch đó, do không được xây dựng đúng tiêu chuẩn vệ sinh, các bãi rác lộ thiên không chỉ làm mất vẻ đẹp của cảnh quan môi trường, mà quan trọng hơn, chúng còn trở thành nguồn phát tán các mầm bệnh độc hại, nơi nuôi dưỡng những vật chủ trung gian truyền bệnh cho con người, gây nên những chứng bệnh nguy hiểm như bệnh sốt rét, bệnh ngoài da, dịch hạch, thương hàn, tiêu chảy, giun sán, lao v.v… Ngoài ra, bãi rác còn gây nên sự ô nhiễm cục bộ cho không khí, cho đất, cho các nguồn nước tự nhiên và nước ngầm ở các khu vực lân cận. Ở các nước tiến bộ, để tránh sự ô nhiễm gây ra bởi rác thải, người ta áp dụng biện pháp phân loại rác từ nguồn, có nghĩa là phân loại rác ngay từ hộ gia đình. Biện pháp này rất đơn giản. Người ta chỉ việc phân chia rác thành hai loại : rác hữu cơ và rác vô vơ, tức là loại rác có khả năng tự phân hủy như rau, lá, thức ăn thừa…, và loại rác không tự phân hủy được như bao nilon, các vật dụng bằng giấy, vải, nhựa tổng hợp, kim loại…, sau đó bỏ chúng vào bao theo từng loại. Loại rác vô cơ sẽ được đưa đến những cơ sở tái chế thành các sản phẩm mới, còn rác hữu cơ cũng được sử dụng để chế tạo thành những loại phân bón rất tốt cho cây trồng. Nhưng làm được điều này là một việc hoàn toàn không dễ dàng, không phải chỉ vì nó đòi hỏi một nguồn kinh phí đầu tư tương đối lớn, mà còn vì trước hết, nó đòi hỏi phải có sự thay đổi về tập quán sinh hoạt trong cộng đồng dân cư, về hành vi ứng xử của con người, nói tóm lại là đòi hỏi ý thức cao trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống ở mỗi người chúng ta.
So với các loại ô nhiễm đã đề cập trên đây, thì ở Vĩnh long, sự ô nhiễm môi trường nước mới là điều đáng kể nhất. Có thể nói, sông Tiền và sông Hậu là hai trong số những con sông lớn nhất ở nước ta. Vậy mà những con sông này và những nhánh của chúng chảy qua Vĩnh long như sông Cổ chiên và sông Mang thít đều đã bị ô nhiễm. Mỗi một ngày, các sông rạch chính trên địa bàn Vĩnh long phải tiếp nhận trên 75.000 m3 nước thải sinh hoạt và sản xuất, trong đó lượng chất ô nhiễm được tính thành 1.515 tấn. Đó là chưa kể đến 27% lượng chất thải rắn, tức là khoảng 8 tấn rác thải cũng bị đổ xuống những dòng sông này. Trong các loại ô nhiễm môi trường nước, thì sự ô nhiễm chất hữu cơ và ô nhiễm vi sinh là đáng kể nhất, đặc biệt là sự ô nhiễm vi sinh. Mức độ ô nhiễm vi sinh trên những con sông lớn cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 – 19 lần, và càng vào sâu trong nội đồng thì mức độ này càng tăng lên. Ở những khu vực tập trung dân cư, sản xuất CN – TTCN, chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm, mức độ ô nhiễm cao hơn tiêu chuẩn cho phép đã lên đến con số hàng ngàn lần. Trong một vài khu vực hẹp như các khu vực dịch vụ về y tế, con số này là hàng chục ngàn lần.
Môi trường nước bị ô nhiễm từ nhiều nguồn. Đầu tiên phải kể đến nguồn nước thải từ các nhà sàn ven sông. Ở tỉnh ta hiện còn có khoảng 21.600 ngôi nhà ven sông, tức là có khoảng 10% hộ gia đình trong toàn tỉnh thải nước và rác sinh hoạt trực tiếp xuống dòng chảy. Kế đó là nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư và nước thải sản xuất. 11 tháng đầu năm 2006, Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học – Công nghệ thuộc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Vĩnh long đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm 367 mẫu nước các loại trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả cho thấy, hầu hết các mẫu nước đều vượt quá những tiêu chuẩn quy định, trong đó đặc biệt là các mẫu nước thải. Các cán bộ làm công tác nghiên cứu ở đây cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng quá tải trong nước thải là do chúng không được xử lý trước khi đưa ra ngoài môi trường theo đúng Luật Bảo vệ Môi trường. Điều đó xuất phát từ việc các cơ sở sản xuất không tuân thủ quy định về việc lắp đặt thiết bị xử lý nước thải, hoặc có lắp đặt nhưng không vận hành. Về nguyên nhân không lắp đặt thiết bị, hoặc có lắp đặt mà không vận hành được các cơ sở cho biết là do thiết bị công nghệ xử lý nước thải không phù hợp với thực tế, giá thành đầu tư và chi phí vận hành công nghệ quá cao. Tương tự như vậy là tình trạng nước thải trong ngành y. Trong số 7 huyện thị ở tỉnh ta thì chỉ có Trung tâm Y tế huyện Long hồ là có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ngay ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra ngoài môi trường cũng chưa đạt yêu cầu. Việc chăn nuôi thủy cầm trên sông rạch, nuôi cá bè trên sông cũng là một tác nhân nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường nước. Đối với nguồn tài nguyên nước ngầm, nguy cơ bị ô nhiễm chủ yếu tập trung ở các địa bàn lân cận với các bãi rác.
Theo báo cáo của Trung tâm Y học Dự phòng tỉnh Vĩnh long, năm 2006, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh đã điều trị cho khoảng 11.000 ca bị mắc bệnh tiêu chảy. So với năm 2005, con số này tuy có giảm, nhưng không đáng kể. Mặt khác, bệnh thương hàn lại tăng hơn 200%, bệnh cúm tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài những chứng bệnh thường gặp như bệnh tiêu chảy, thương hàn, sự ô nhiễm nguồn nước còn là nguy cơ để gây nên những chứng bệnh khác như bệnh da liễu, bệnh đau mắt, bệnh phụ khoa, bệnh giun sán v.v…

 

Tổng hợp từ nhiều nguồn, chúng tôi đã có được những con số và dữ liệu như sau :
– Có khoảng 40 loại bệnh xuất hiện ở con người là do tác nhân môi trường gây ra.
– 80% các chứng bệnh mà con người mắc phải có nguồn gốc từ việc môi trường bị ô nhiễm..
– Mỗi năm, ở nước ta có khoảng 200.000 trường hợp bệnh ung thư mới được phát hiện do ảnh hưởng của sự ô nhiễm môi trường, hơn 70.000 người đã chết vì căn bệnh này.
– Đã xuất hiện một số làng ung thư ở các tỉnh phía Bắc.
– Hàng năm, ở ĐBSCL đều có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như tiêu chảy, thương hàn, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm phổi, suy hô hấp, viêm phế quản, trẻ em suy dinh dưỡng hoặc bị dị tật bẩm sinh v.v…

 

Nền kinh tế – xã hội của ĐBSCL nói chung cũng như của Vĩnh long nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái. Chính vì vậy, giữ gìn và bảo vệ môi trường sống là vấn đề liên quan mật thiết đến sự phát triển bền vững của chúng ta trong tương lai. Mặt khác, bảo vệ môi tường sống ngày nay cũng đã trở thành một vấn đề cấp bách mang tính quốc gia, tính toàn cầu. Đó là một cuộc đấu tranh không dễ dàng và phải mất rất nhiều thời gian. Trong khi chờ đợi hiệu quả của việc thực thi những giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ môi trường sống của chúng ta, chúng tôi chỉ xin đưa ra một nhận định : đó là bằng việc thay đổi hành vi sinh hoạt của mình, chúng ta có thể tạo dựng cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng những thói quen tốt, từ đó đưa đến những nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn vệ sinh chung, góp phần hiệu quả vào việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
 
Thu Hà

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *