Bên bờ hạnh phúc

Chuột sẽ là mối họa lớn cho vụ lúa đông xuân sắp tới ở các tỉnh miền Tây.

Bộ NN&PTNT vừa thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến cáo nông dân đồng bằng sông Cửu Long cần cảnh giác cao độ với các loài dịch hại trên lúa đông xuân 2010-2011. Lũ năm nay ở miền Tây đạt mức thấp nhất trong lịch sử, là điều kiện phát sinh dịch hại dữ dội, trong đó có chuột.

Nhiều cánh đồng miền Tây vẫn làm lúa vụ ba, giúp chuột có nguồn thức ăn phong phú, đẻ nhiều. Sức sinh sản của chuột rất phi thường, một cặp trong năm có thể sản xuất trên 2.000 chuột con, cháu, chắt.

Xuống đồng cắn lúa

Ông Đào Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Trì (Tri Tôn), tâm sự: Năm nay nước lũ về ít, chuột sinh sôi nhiều là lẽ đương nhiên. Đất sống của chuột còn rộng, chúng không lên những gò đất cao nên rất khó bắt. “Ở xã năm nay xuống giống 500 ha lúa thu đông, đang trổ đều thì mấy tuần qua đã có 15% diện tích bị chuột cắn phá. Nông dân kêu trời vì vụ lúa hè thu vừa rồi thua lỗ do giá lúa xuống thấp. Bà con trông chờ vụ lúa này gỡ gạc thì lại gặp nạn chuột. Hổm rày chúng tôi kiến nghị các cơ quan chuyên môn như trạm bảo vệ thực vật, khuyến nông huyện đứng ra phát động phong trào diệt chuột” – ông Hiệp lo lắng nói. 

 



Bắp của nông dân Bảy Núi bị chuột cắn phá đến trơ cùi. Ảnh: VĨNH SƠN

Đi qua nhiều cánh đồng vùng Bảy Núi, chúng tôi thấy nhiều thửa ruộng đã được dùng cao su bọc quanh để chống chuột xâm hại lúa. Đó đây trên đồng ruộng vẫn thấy người dân khệ nệ xách bẫy rập ra đồng đánh bắt chuột. “Nhà tôi nghèo nên chỉ có 2,5 công đất canh tác lúa. Mấy năm nay không bị chuột cắn nhưng mới vừa rồi đây chuột đã cắn mất trắng hết 1,5 công của gia đình. Chỉ trong một đêm, sáng ra nhìn đám ruộng nhà mình mà không cầm được nước mắt. Không thể tưởng tượng nổi, lúa ngã rạp hết” – ông Chau Si, người làm ruộng ở cánh đồng Cầu Lủng xã Lê Trì (Tri Tôn), thở dài kể.

Cạnh nhà ông Si là ruộng nhà ông Chau Mươl ở ấp Ba Xoài, xã An Cư (Tịnh Biên) cũng bị chuột cắn phá đến tan hoang. Dẫn chúng tôi vào tận đám ruộng của ông Mươl, ông Chau Si đưa tay hốt những cây lúa chết, ngả màu vàng do chuột cắn đứt ngang. Ông rầu rĩ kể: Đồng bào Khmer ở đây đa phần ít đất canh tác, đời sống vốn khó khăn, nay lại gặp cảnh này chẳng biết xoay xở làm sao. Sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu rồi còn nợ tiền phân, thuốc 3 triệu đồng. Định làm vụ ba này kiếm lúa ăn qua mùa lũ nhưng đã bị chuột cắn gần sạch. “Thấy cái đói trước mắt nên hơn 10 ngày nay tôi ra chợ mua bánh, kẹo, đồ tạp hóa về bán kiếm tiền đong gạo. Nhưng mua bán trên tuyến dân cư nghèo Pà Lây này một ngày chỉ kiếm được chừng 5.000-7.000 đồng, chẳng đủ tiền đong gạo. Chuột hại chúng tôi rồi” – ông Si kể với giọng buồn bã vô cùng.

Nhiều ruộng lúa của nông dân An Giang bị chuột cắn phá dữ dội mấy tuần qua. Ảnh: VĨNH SƠN

Lên núi phá bắp

Còn tại khu vực núi Cấm thuộc xã An Hảo (Tịnh Biên), nhiều nông dân cũng hết sức lo âu về tình trạng chuột đồng xuất hiện nhiều một cách bất thường trong năm nay. Anh Lê Văn Sắc trồng ba công bắp tại khu vực ấp Tà Lọt, xã An Hảo bàng hoàng: Lũ chuột ác lắm. Đợi khi trái bắp vô hạt đều mới cắn phá. Chỉ trong hai đêm chuột cắn phá ăn mất trên 1.000 trái bắp.

Anh Sắc cho biết gia đình có sáu công rẫy, những năm trước trồng bầu, bí hoặc dưa leo. Đó toàn là những món khoái khẩu của chuột nhưng không hề bị cắn phá. “Khu vực này là đất vùng cao, chờ mưa xuống trồng tỉa được hoa màu mỗi năm một vụ. Tưởng trồng bắp là chắc ăn nhưng không ngờ chuột cũng gây hại. Cứ mỗi trái nó cắn hơn phân nửa, từ đầu trái trở xuống, bỏ trơ lại cùi bắp. Đánh bắt cỡ nào cũng không xuể” – anh nói.

Đi qua những mảnh vườn trên triền đồi các dãy núi Dài, núi Cấm, núi Nam Quy… chúng tôi nghe nông dân than trời nạn chuột. Vườn cây ăn trái của họ bị chuột cắn phá với mức độ mạnh hơn các năm trước. Hoa màu mới tỉa hạt hay gieo trồng liền bị lũ chuột kéo tới đào bới phá hoại. “Mấy năm trước lũ về ngập ruộng thì chuột leo lên gò cao, dân gom chúng lại bắt diệt bớt. Nhà vườn chỉ lo bẫy bắt chuột từ những cánh rừng trên núi xuống thôi. Năm nay lũ không ngập đất ruộng, cộng thêm đám chuột núi, chuột đồng ra sức cắn phá ác liệt. Trồng chuối, mít, mãng cầu… vốn đã bị nheng, sóc cắn phá, giờ phải gánh thêm bọn chuột. Làm vườn bây giờ trắng tay với mấy loài gặm nhấm này” – anh Chau Bi nhà ở ấp Tà Lọt, xã An Hảo than dài.

Nông dân dùng cao su bao quanh ruộng để chống chuột cắn phá lúa. Ảnh: VĨNH SƠN

 

 
Chuột được chở dập dìu trên các nẻo đường An Giang. Ảnh: VĨNH SƠN

Ông Trần Văn Mì, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, cho biết: Dù hai đập ngăn lũ lớn của vùng tứ giác Long Xuyên là Tha La và Trà Sư đã xả nhưng nước trên nhiều cánh đồng thuộc xã Vĩnh Gia, Lạc Quới, Vĩnh Phước… của huyện vẫn khô cạn. Hệ lụy dẫn đến là đất không được bổ sung phù sa, vệ sinh đồng ruộng tốn kém. Đồng ruộng không được xổ rửa nên sâu bệnh sẽ phát sinh nhiều, chi phí sản xuất bị đẩy lên cao vào vụ lúa đông xuân tới. Ngoài những bất lợi đó thì chuột sinh sôi nảy nở như thế này sẽ vô cùng nguy hại cho nhà nông. “Huyện có 71 ha lúa mùa nổi (lúa mùa bưng) trồng tại xã Vĩnh Phước cũng đang thiếu nước, sắp chết. Do đây là dạng lúa sinh trưởng và trổ bông theo nước lũ dâng. Tình hình lũ thế này chưa biết 71 ha lúa thu hoạch xong có lấy lại được giống hay không. Cả nước chỉ còn ở Tri Tôn trồng giống lúa quý này” – ông Mì kể.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang, nhận định: Nhiều năm qua chuột không còn là đối tượng gây hại chủ yếu trên đồng lúa An Giang. Tuy nhiên, hai năm nay lũ nhỏ liên tục khiến chuột bắt đầu nhiều trở lại. Đã có 18.000 ha lúa thu đông (vụ ba) của tỉnh bị chuột cắn phá, chiếm gần 20% diện tích gieo sạ tổng vụ. Trước lo ngại của đông đảo nông dân về đại dịch chuột sẽ quay trở lại như những năm 1993-1994, UBND tỉnh An Giang vừa chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan lên kế hoạch phát động phong trào diệt chuột đồng loạt trước khi xuống giống vụ đông xuân này. Nông dân cần tiếp tục duy trì việc đánh bắt nhằm kéo giảm mật độ chuột gây hại. Đặc biệt ở những vùng sản xuất ba vụ lúa/năm, những nơi đất ruộng tiếp giáp với rừng tràm, đồi núi.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *