Đề xuất tăng giá điện vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và người tiêu dùng.

Các ý kiến cho rằng, cơ sở tăng giá điện còn thiếu thuyết phục và đề xuất này đi ngược với nỗ lực giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mọi thành phần kinh tế.

Đề xuất không đúng thời điểm

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty sản xuất XNK Tổng hợp Hà Nội (Haprosimex), mỗi năm, doanh nghiệp này phải chi khoảng 2 tỷ đồng tiền điện. Với mức tăng dự kiến 7-8% đối với khu vực sản xuất, chỉ riêng tiền điện phải trả của Haprosimex sẽ tăng thêm khoảng 160 triệu đồng một năm. Tuy nhiên, điều khiến ông Tuấn lo ngại hơn, đó là mọi chi phí đầu vào của doanh nghiệp, từ nguyên liệu sản xuất, vận chuyển, nhân công…đều bị “đội” lên theo do tác động tăng giá dây chuyền.

Đề xuất tăng giá điện thời điểm này là chưa phù hợp. Ảnh: Lê Hưng.

Chung mối lo, ông Nguyễn Thế Hiếu, Phó Giám đốc Công ty sản xuất và thương mại Tân Á, cho biết, tiền điện chiếm khoảng 3% chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Nếu giá điện tăng, mỗi năm, Tân Á sẽ tốn thêm khoảng 300 triệu đồng cho riêng tiền điện. Trong khi đó, do khó khăn về thị trường, thời gian qua, sản xuất của doanh nghiệp này đã bị cắt giảm 30%, trong đó, một số sản phẩm đã phải dừng sản xuất như ống thép.

Ông Hiếu lo ngại: “Lâu nay, hầu hết doanh nghiệp cùng lĩnh vực đều phải bán sản phẩm dưới giá thành. Trong bối cảnh đầu ra cực kỳ khó khăn, chúng tôi không thể tăng giá bán sản phẩm để bù đắp cho phần chi phí bị tăng thêm. Mà giữ ổn định giá bán thì càng sản xuất sẽ càng lỗ. Do vậy, nhiều khả năng, sản xuất của chúng tôi buộc phải co lại hơn nữa”.
Chia sẻ khó khăn này của cộng đồng doanh nghiệp, tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đề xuất tăng giá điện của Bộ Công thương và EVN vào thời điểm này là “vội vàng”. Ông phân tích, chủ trương chung là giá điện (cùng với than, nước sạch, xe buýt) sẽ được điều chỉnh dần theo thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, mục tiêu hàng đầu của nền kinh tế là vực dậy sản xuất, kích thích tiêu dùng. “Khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khối DNNVV còn rất lớn, hiệu quả của hàng loạt biện pháp khắc phục chưa rõ, đời sống của đại bộ phận người lao động còn thấp… Bởi vậy, theo tôi, việc xem xét tăng giá điện nên lùi lại ít nhất 6 tháng nữa”, ông Kiêm nói.

Thiếu cơ sở, khó tìm được tiếng nói chung

Cũng theo ông Kiêm, bên cạnh những lý do kể trên, đề xuất tăng giá điện khó tìm được tiếng nói chung với doanh nghiệp, người dân còn bởi trước đó, EVN luôn miệng than lỗ nhưng báo cáo kiểm toán lại cho thấy ngành này lãi không nhỏ (hơn 2.000 tỷ đồng năm 2007). Ông Kiêm lưu ý: “Với biểu hiện thiếu rõ ràng, rành mạch về tài chính, EVN ít nhiều đã đánh mất lòng tin của người dân. Do vậy, đề xuất tăng giá trong thời điểm nhạy cảm hiện nay càng thiếu trọng lượng”.

“Đề xuất tăng giá điện hoàn toàn thiếu cơ sở”, tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phản bác. Trao đổi với Đất Việt chiều 7.1, ông Ánh nhấn mạnh, với mức giá hiện tại, EVN vẫn lợi nhuận. Trong lúc sản xuất trì trệ, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm thì việc tăng giá điện là đi ngược với mục tiêu chung bởi chi phí về điện tác động đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng. Theo ông Ánh, đề xuất tăng điện thể hiện “chiến lược phát triển thiếu hợp lý của EVN, làm giảm hiệu quả chung của nền kinh tế”.

Bộ Tài chính, cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định khá thận trọng khi đánh giá phương án giá điện mới. Lãnh đạo một vụ chức năng của Bộ Tài chính cho biết một cách chung chung, phương án này đang trong quá trình xem xét, trên cơ sở cân đối đầu vào, đầu ra; bối cảnh chung của nền kinh tế cũng như những tác động tới sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân. “Bộ Tài chính cố gắng có đánh giá tổng thể trong tuần này. Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Chính phủ sẽ ra quyết định”, vị quan chức này nói.

Theo Thảo Nguyên – Đình Sơn (Báo Đất Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *