Các chuyên gia khuyến cáo, nông dân cần thận trọng với tình trạng này, bởi hậu quả thiệt hại kinh tế là không hề nhỏ.
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước lại xuất hiện tình trạng các thương lái nước ngoài ồ ạt thu mua nông sản. Chẳng hạn như mầm thảo quả ở Hà Giang, lá khoai non ở Vĩnh Long…
Những ngày gần đây, tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều thương lái nước ngoài đến đặt mua lá khoai lang non với giá 10.000 đồng/kg và đưa tiền cọc trước 20 triệu đồng. Thậm chí các thương lái còn đặt mua ở 1 hợp tác xã mỗi ngày khoảng 20 tấn lá khoai lang non…
Còn tại một số huyện biên giới của Hà Giang như Quản Bạ, Yên Minh… gần đây lại xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua mầm thảo quả với giá khoảng 50.000 đồng/kg, trong khi giá mua thảo quả tại Hà Giang phổ biến 29.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, việc thu mua mầm thảo quả ồ ạt sẽ gây thiệt không nhỏ đến kinh tế của địa phương. Bởi thảo quả là loại cây trồng lâu năm, để thu gom 1 kg mầm tương đương với khoảng 20 cây bị chặt mất mầm, làm giảm khả năng đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển thậm chí có thể tàn lụi. Trong khi đó, dự báo năm nay sản lượng thảo quả ở Hà Giang và một số tỉnh miền núi phía Bắc có thể giảm do thời tiết khắc nghiệt, băng giá kéo dài thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Thảo quả đang có giá trên địa bàn Hà Giang và các tỉnh miền núi phía Bắc. Bây giờ cứ để tình trạng thu mua thế này thì sản lượng giảm, dân mất nguồn thu. Chúng tôi đang phối hợp với hải quan, biên phòng tuyên truyền cho người dân không bán mầm thảo quả vì ảnh hưởng đến sản lượng. Ngoài ra, chúng tôi làm nghiêm ngặt trong quản lý chợ biên giới và đường tiểu ngạch, không cho bán mặt hàng này”.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp thương lái nước ngoài ồ ạt thu mua nông sản trong thời gian qua. Có thể là những mặt hàng xác định được nhu cầu tiêu thụ như vải, nhãn, sắn, rau quả, thủy sản… Tuy nhiên cũng có những mặt hàng cá biệt, lạ, không thể xác định được giá trị sử dụng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường, như lá điều khô, rễ tiêu hay đỉa, móng trâu, móng bò…
Chiêu bài quen thuộc của những thương lái này là ban đầu tung tin mua với số lượng lớn, giá cao ngất ngưởng, khiến nhiều nông dân vì hám lợi trước mắt mà sẵn sàng thu gom các mặt hàng này hoặc tập trung sản xuất loại nông sản đang được tìm mua. Khi những thương lái nước ngoài bất ngờ không thu mua nữa, sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa, không thể tiêu thụ, nông dân bị ép giá. Hệ lụy lớn hơn, chính là phá vỡ quy hoạch sản xuất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu và lũng đoạn thị trường.
Thực tế, phát luật Việt Nam quy định rõ, các thương nhân, thương lái nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản. Tuy nhiên, theo Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thương nhân nước ngoài thu gom nông sản trong nước hầu hết là không có giấy phép, phần lớn xuất qua đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, cần phải kiểm tra chặt chẽ về giấy tờ, giám sát thương lái nước ngoài có các hành động bất thường và xử phạt nặng các vi phạm.
Ông Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng: “Về mặt quản lý, những thương lái nước ngoài vào thu mua thì cần phải đăng ký, khai báo. Tuy không chặt chẽ quá bởi sẽ gây khó cho thương nhân, ảnh hưởng xuất khẩu, nhưng cũng không thể lỏng lẻo để họ thao túng thị trường. Đồng thời, phải nâng cao nhận thức của người dân, ở đây chính quyền địa phương phải vào cuộc. Việc kiểm soát không chỉ ở khâu sản xuất mà ở khâu thương mại nữa”.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với các chiêu bài thu mua những mặt hàng cá biệt, không nên vì cái lợi trước mắt mà chạy theo, hậu quả rất khó lường. Bên cạnh đó, để quản lý hoạt động thu mua nông sản, cần thận trọng trong việc ký kết hợp đồng, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản Việt Nam./.
Theo Việt Hà ( VOV online )