Trong bối cảnh New Zealand đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau vụ “sữa bẩn” liên quan tới tập đoàn sữa Fonterra cách nay gần 3 tuần lễ, ngành công nghiệp sữa của đảo quốc này lại tiếp tục đau đầu bởi một vụ bê bối mới. Hôm 20/8 vừa qua, nhà chức trách Trung Quốc đã cấm bán các sản phẩm sữa bột lactoferrin do công ty Westland của New Zealand sản xuất, sau khi phát hiện mức nitrate trong sữa vượt xa ngưỡng quy định. Vụ việc đã khiến người tiêu dùng thêm hoang mang, làm lung lay niềm tin vào chất lượng sản phẩm của quốc gia xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới này.

Ảnh minh họa

Theo nhà chức trách Trung Quốc, mức nitrate trong hai lô sữa bột lactoferrin nhập khẩu từ New Zealand lên tới gần 2.200 phần triệu, tức gấp gần 15 lần so với ngưỡng quy định. Giám đốc điều hành Westland, ông Rod Quin giải thích, sự cố trên là một trường hợp cá biệt, do các dụng cụ làm sạch đã không được vệ sinh đúng cách. May mắn là vẫn chưa có sản phẩm nào trong hai lô sữa nói trên đến tay người tiêu dùng.

Trong bối cảnh vụ bê bối sữa nhiễm khuẩn của tập đoàn Fonterra vẫn còn chưa lắng dịu, vụ việc mới nhất này lại càng làm đau đầu các công ty trong ngành sản xuất sữa ở New Zealand, vốn chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Hiện nay, các sản phẩm của New Zealand chiếm giữ khoảng 35% lượng sữa bán trên thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia, việc hai trong 3 hãng sữa hàng đầu của nước này dính bê bối sữa nhiễm khuẩn có thể gây ngộ độc cho người tiêu dùng không chỉ tác động xấu đến uy tín riêng của từng công ty, mà còn làm danh tiếng “xanh, sạch” của của ngành công nghiệp sữa cũng như ngành thực phẩm New Zealand bị ảnh hưởng.

Một điểm đáng lưu ý là nguyên nhân dẫn đến hai vụ việc trên đều có liên quan đến khâu kiểm tra vệ sinh. Nếu như trong trường hợp của Westland, dụng cụ làm sạch không được làm vệ sinh đúng cách; thì theo chủ tịch Tập đoàn Fonterra, ông Theo Spierings, một đường ống trong nhà máy sản xuất của Fonterra đã không được làm sạch đúng tiêu chuẩn. Do vậy, dư luận không khỏi lo ngại khi đặt câu hỏi về quy trình kiểm tra vệ sinh trong sản xuất tại các nhà máy sữa ở New Zealand.

Rõ ràng, so với 39 tấn sản phẩm của Fonterra được thu hồi trên toàn cầu thì con số 390kg sữa bột lactoferrin vừa bị phát hiện có mức nitrate cao hơn quy định của Westland là nhỏ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những thiệt hại đối với cả hai công ty này là không thể tính toán được, đó là sự mất niềm tin của người tiêu dùng. Tâm lý e dè, thậm chí tẩy chay sản phẩm sữa của họ là điều khó tránh khỏi. Và chắc chắn, bài học về bảo đảm vệ sinh trong quá trình sản xuất cũng không phải là bài học riêng cho hai công ty này hay của riêng New Zealand.

Tuấn An
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *