Iran vừa công bố những thành tựu mới trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân. Ảnh minh họa

Hôm 15/02, Iran đã công bố những thành tựu mới của chương trình hạt nhân của nước này. Động thái trên đối với phương Tây được cho là hành động đáp trả mới nhất của Iran trước sức ép buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Theo giới phân tích, điều này càng khiến tình hình thêm căng thẳng giữa lúc xuất hiện mối lo ngại về một cuộc chiến nhắm vào Iran sắp nổ ra. 

Kênh truyền hình nhà nước Iran đưa tin Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã đích thân cho 1 thanh nhiên liệu do các nhà khoa học nước này tự chế tạo và làm giàu ở cấp độ 20% vào lõi của lò phản ứng nghiên cứu ở Tehran. Đài truyền hình Iran ca ngợi đây là bước ngoặt của Iran trong việc làm chủ quy trình sản xuất năng lượng hạt nhân phục vụ cho mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, đối với các quốc gia phương Tây, chương trình hạt nhân của Iran là nhằm phát triển vũ khí quân sự. Vì vậy, động thái trên của Iran ngay lập tức nhận được những phản ứng mạnh mẽ từ các nước liên quan.

Từ Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Leon Panetta lên tiếng cảnh báo “Mỹ sẽ làm tất cả mọi việc để ngăn chặn tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran”. Ông Panetta cho biết Mỹ và các đồng minh “sẽ không tha thứ cho một Iran có vũ khí hạt nhân”.

Lời cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc có thông tin về khả năng xảy ra 1 cuộc tấn công nhắm vào Iran sớm nhất là vào mùa hè này. Liệu điều đó có xảy ra?

Trên thực tế, một cuộc chiến không tiếng súng đang diễn ra quyết liệt giữa Iran với Mỹ, Israel và các nước phương Tây từ nhiều năm nay. Có thời điểm, người ta cứ tưởng là chiến tranh sắp nổ ra đến nơi. Nhưng cuối cùng vẫn là sự đe dọa và chiến tranh tâm lý.

Theo giới phân tích, xét về khía cạnh chính trị, các bên liên quan chắc chắn muốn tránh một cuộc chiến vào lúc này. Các quốc gia có thể tham chiến hiện đang phải giải quyết những mục tiêu nội bộ. Tại Mỹ, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã bắt đầu. Ở Pháp, cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Châu Âu đang quan tâm đến vấn đề kinh tế nhiều hơn là chiến tranh. Ngay chính Iran, ngày 2-3 tới sẽ bầu cử quốc hội và năm 2013 sẽ bầu cử tổng thống.

Một cuộc chiến, dù với bất cứ lý do gì và dưới hình thức nào cũng sẽ dẫn tới những thiệt hại và chắc chắn, nó sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu vốn đang gồng mình chống đỡ khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính. Vì vậy, giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran là nỗ lực mà các nước đang thực hiện.

Thanh Tâm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *