Bên bờ hạnh phúc
Ảnh minh họa

Trong tuần qua, những diễn biến mang tính bước ngoặt tại Libya đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Hội nghị mang tên “Những người bạn của Libya” diễn ra tại Pháp cùng với việc Hội đồng dân tộc chuyển tiếp NTC ở Libya thông báo về kế hoạch tổ chức bầu cử sắp tới cho thấy, tình hình Libya có lẽ đang bước sang một giai đoạn mới.

Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, điều mà người dân Libya nào cũng đang lo ngại lúc này là liệu đất nước sẽ đi vào ổn định hay trở nên bấp bênh bởi cuộc chiến này vừa kết thúc lại mở ra cuộc chiến khác.

Tại Hội nghị mang tên "Những người bạn của Libya" được tổ chức vào ngày 1/9, hơn 60 nước và các tổ chức quốc tế tham dự đã nhất trí bãi bỏ việc phong tỏa nhiều tài sản của chính quyền Tổng thống Libya Mouammar Kadhafi, đồng thời giải ngân ngay lập tức 15 tỷ đôla cho phe đối lập NTC để phục vụ cho việc tái thiết đất nước. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phát biểu hối thúc NTC thực hiện tiến trình hòa giải dân tộc, khoan dung và tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế.

Mặc dù vậy, một số tờ báo ở châu Âu đã trích dẫn các tài liệu mật và lên án rằng, Hội nghị mang tên “Những người bạn của Libya” có vẻ như là sự “chia chát” về dầu hỏa hơn là tái thiết cho Libya giữa các nước đang có thị phần khai thác dầu mỏ tại quốc gia có trữ lượng dầu đạt chất lượng hàng đầu thế giới này. Các tờ báo trên cũng tỏ ý nghi ngờ mục đích chính của sự can thiệp quân sự tại Libya là vấn đề dầu hỏa.

Cũng liên quan đến công cuộc tái thiết Libya, trong tuần qua, Đại diện của NTC tại Anh tuyên bố, NTC đang hoạch định lộ trình chuyển tiếp chính quyền ở Libya. Theo đó, trong vòng 8 tháng, NTC sẽ tiến hành bầu chọn một ủy ban để soạn thảo hiến pháp, tiếp theo sau là tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm 2013. 

Giới chuyên môn nhận định, tiến trình này khó có thể diễn ra suôn sẽ bởi kinh nghiệm ở nhiều nước xung quanh cho thấy, các cuộc nổi dậy bùng nổ thời hậu chiến thường diễn ra dai dẳng và đẫm máu. Và, khả năng này dễ xảy ra với Libya.

Iraq có thể được xem là một bài học thực tế đối với Libya. Bằng chứng là sau 8 năm Mỹ phát động cuộc chiến để lật đổ chế độ Saddam Hussein, quốc gia Trung Đông này vẫn đắm chìm trong bạo lực đẫm máu, mâu thuẫn dân tộc ngày càng sâu sắc và cho đến nay, việc tái thiết vẫn đang bị bỏ dở.

Tương lai của Libya vẫn hết sức mong manh với một nền chính trị bị lệ thuộc và tài nguyên bị bòn rút. Chính quyền của Tổng thống bị lật đổ Mouammar Kadhafi và phe đối lập NTC đã tự triệt tiêu mọi cơ hội thỏa hiệp để giải quyết mâu thuẫn nội bộ một cách hòa bình. Cái giá mà họ đã trả là quá đắt vì không thể “đóng cửa bảo nhau” mà phải cầu viện đến sự can thiệp từ bên ngoài. Đây quả là bài học lớn không chỉ đối với các nước đang trong vòng xoáy bất ổn tại Trung Đông – Bắc Phi mà còn đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Quốc Trung (tổng hợp)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *