Đặc phái viên Liên hiệp quốc và Liên đoàn Ả-rập – ông Kofi Annan

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria tiếp tục trở thành vấn đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế trong tuần qua. Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả-rập, AL diễn ra tại Iraq ngày 29/3 đã thông qua Nghị quyết về Syria, theo đó ủng hộ việc thực hiện kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên Liên hiệp quốc và Liên đoàn Ả-rập – ông Kofi Annan. Nghị quyết của AL là động thái mới nhất trong hàng loạt nỗ lực gần đây của cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Nghị quyết về Syria được thông qua không đi theo hướng trước đây của AL là yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad từ chức, không đề cập đến việc trang bị vũ khí cho phe đối lập đồng thời phản đối mọi sự can thiệp bên ngoài vào nội bộ của Syria. Thay vào đó, nghị quyết kêu gọi "Chính phủ Syria và tất cả các phe đối lập ở nước này tham gia tích cực với đặc phái viên Annan bằng việc khởi động đối thoại dân tộc một cách nghiêm túc".

Trước đó, chính quyền Damascus đã thể hiện thiện chí khi hồi đáp bằng văn bản chấp thuận kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Kofi Annan. Sau thời gian dài căng thẳng và bế tắc trong việc tìm một giải pháp cho vấn đề Syria thì nay cộng đồng quốc tế xem kế hoạch hòa bình của đặc phái viên Annan là một cơ hội cho các bên.

Tuy còn những khó khăn trong quá trình thực thi kế hoạch, nhưng về cơ bản dư luận quốc tế đã có cơ sở để tin tưởng rằng sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria đã bị loại bỏ, ít nhất là vào thời điểm hiện nay.

Cho đến nay, vấn đề chính trị ở các nước mà làn sóng nổi dậy mang tên Mùa xuân Ả-rập đi qua như Tunisia, Ai Cập, Libya đều được giải quyết bằng giải pháp lật đổ chính phủ đương nhiệm và thay thế bằng một chính quyền do phe đối lập nắm giữ. Nhưng đối với Syria, mọi người hy vọng rằng kịch bản đó sẽ không lặp lại, dựa trên những nỗ lực mà cộng đồng quốc tế đã thể hiện gần đây.

Một diễn biến khác trong tuần qua khiến dư luận có thêm lòng tin vào khả năng xúc tiến kế hoạch của ông Annan, đó là Nga và Trung Quốc, 2 thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại HĐBA LHQ, đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sứ mệnh trung gian hòa giải của ông Annan. Nga cho rằng cần có thêm thời gian trong bối cảnh HÐBA đe dọa sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vào Syria, nếu nước này không tuân thủ kế hoạch hòa bình.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đánh giá cao kế hoạch của ông Annan và khẳng định Bắc Kinh sẽ tích cực ủng hộ, phối hợp với cộng đồng quốc tế tạo điều kiện thuận lợi để tiến trình giải quyết khủng hoảng ở Syria thông qua đàm phán.

Theo các nhà phân tích, nếu kế hoạch 6 điểm của ông Kofi Annan thành công thì đây sẽ là bước ngoặt và là tiền lệ cho các giải pháp mà cộng đồng quốc tế có thể áp dụng trong các cuộc khủng hoảng chính trị ở nơi khác. Và, cụm từ “trách nhiệm bảo vệ của LHQ” cũng sẽ ít có khả năng bị lợi dụng hơn để vi phạm chủ quyền quốc gia của một nước nào đó – điều mà cộng đồng quốc tế luôn quan ngại.

Thanh Tâm
   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *