Sau 1 năm xảy ra cuộc nổi dậy ở Libya, cuộc sống của người dân vẫn chưa được cải thiện

Ngày 17/2 vừa qua là đúng 1 năm kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Kaddafi. Mặc dù chế độ cũ tại quốc gia Bắc Phi này đã sụp đổ sau gần 8 tháng nội chiến nhưng đến nay, theo giới phân tích, cuộc sống của người dân Libya chưa được cải thiện là bao. Trong khi đó, nhiều người dân nước này vẫn nơm nớp sống trong nỗi lo an ninh bất ổn thời hậu Kaddafi.

Trong những ngày qua, tại thành phố Benghazi và thủ đô Tripoli, người dân Libya đã tổ chức ăn mừng nhân kỷ niệm 1 năm ngày bùng nổ cuộc biểu tình đầu tiên trên qui mô lớn để phản đối chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Kaddafi. Nhiều người hô vang các khẩu hiệu dân chủ, tự do và bày tỏ niềm tin vào công cuộc tái thiết đất nước Libya sau khi chế độ cũ sụp đổ.

Trong khi đó, niềm tin và sự hân hoan trên lại không có ở nhiều nơi khác của quốc gia Bắc Phi này. Hiện vẫn còn nhiều thị trấn và thành phố vẫn chìm trong đống đổ nát hoang tàn và chưa được chính phủ chuyển tiếp đề ra kế hoạch tái thiết.

Còn nhớ, trước khi các cuộc biểu tình rầm rộ chống nhà lãnh đạo Kaddafi diễn ra, Libya là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu châu Phi. Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này vẫn chưa đạt được sản lượng như trước. Bên cạnh đó, nhiều ngành sản xuất quan trọng khác lại đang bị trì trệ.

Bà Huda Hussein, một người dân nói: “Cho đến nay, cuộc cách mạng lật đổ ông Kaddafi chưa đáp ứng được các yêu cầu của chúng tôi. Chính phủ chuyển tiếp vẫn chưa làm được gì cho người dân Libya”.

Về tình hình an ninh, theo các nhà chuyên môn, người dân Libya vẫn chưa tin tưởng chính phủ chuyển tiếp sẽ đảm bảo an toàn cho họ. Nhiều người vẫn đang sống trong nỗi lo sợ do bất ổn khi lực lượng ủng hộ ông Kaddafi đang kêu gọi lật đổ chính quyền mới.

Trong khi đó, do thiếu lực lượng an ninh chính quy, các nhóm vũ trang tại Libya vẫn đảm nhiệm việc duy trì trật tự trên đường phố cũng như quản lý nhiều cơ sở quan trọng của chế độ cũ. Nhiều nhóm vũ trang không chịu giao nộp vũ khí cũng như không bàn giao quyền kiểm soát khu vực do mình quản lý cho chính quyền mới được thành lập. Bộ trưởng Nội vụ Libya – ông Fawzy Abdilal thừa nhận rằng chính phủ lâm thời hiện chưa thành công trong việc kết hợp các lực lượng dân quân từ các thành phố khác nhau thành một lực lượng an ninh quốc gia.

Theo giới phân tích, các nhóm vũ trang cát cứ hiện đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với sự ổn định của Libya. Thậm chí, người đứng đầu chính quyền lâm thời Libya, ông Mustafa Abdel Jalil đã cảnh báo nếu việc giải giáp các nhóm vũ trang thất bại, Libya có thể rơi vào nội chiến.

Như vậy, sau 8 tháng nổ ra cuộc nổi dậy với việc lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Kaddafi và thêm 4 tháng nữa kể từ khi ông Kaddafi bị sát hại, tình hình an ninh, cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất tại Libya vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy “Mùa xuân Ả-rập” mà báo chí phương Tây ca tụng dành cho phong trào nổi dậy tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong 1 năm qua vẫn chưa mang đến một tương lai tươi sáng cho các quốc gia này.

Anh Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *