Hôm 14/6, cử tri Iran đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống để chọn người thay thế Tổng thống sắp mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad, vốn giữ 2 nhiệm kỳ liên tiếp và không được ra tranh cử theo luật định. Cuộc bầu cử lần này được xem là bước ngoặt quan trọng quyết định chính sách ngoại giao của Teheran trong thời gian tới, đặc biệt là chính sách hạt nhân. Theo giới phân tích, khả năng tạo ra sự thay đổi lớn là rất thấp khi các ứng cử viên thuộc phe bảo thủ chiếm số đông trong cuộc bầu cử lần này.

Phụ nữ Iran xếp hàng chờ bỏ phiếu tại Qom, ngày 14/6/2013.

Trong danh sách 6 ứng cử viên tổng thống được Hội đồng giám hộ Iran phê chuẩn, có tới 4 ứng cử viên thuộc phe bảo thủ là những người trung thành với Đại giáo chủ Ali Khamenei. Điều đó cho thấy nhà lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran muốn vị tổng thống sắp tới là người theo đường lối chính trị cứng rắn và có thể để ông tin cậy, song trên tất cả, ông Khamenei không muốn hình ảnh các cuộc biểu tình bạo loạn trên đường phố sau cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2009 tái xuất hiện ở nước này.

Thực tế cũng cho thấy chiến dịch tranh cử tổng thống Iran năm nay diễn ra khá ảm đạm, bởi không một ứng cử viên nặng ký nào thuộc phe ôn hòa có mặt trong danh sách bầu cử, trong khi trong cuộc vận động tranh cử hồi năm 2009, các đảng phái theo đường lối cải cách tổ chức tuần hành náo nhiệt thu hút đông đảo cử tri.

Người duy nhất được kỳ vọng có thể trở thành nhân tố tạo ra sự thay đổi trong cuộc bầu cử lần này là ứng cử viên thuộc phe ôn hòa Hassan Rohani. Ông Rohani cho rằng các chính sách ít tính đối đầu hơn vừa có thể giúp Iran thúc đẩy chương trình hạt nhân, vừa có thể xoa dịu các quan ngại của phương Tây và thậm chí là khiến các cường quốc thu hẹp các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Ông cũng khẳng định nếu thắng cử, sẽ theo đuổi một chính sách ưu tiên hòa giải và hòa bình với cả thế giới.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Saeed Jalili, đại diện cho phe bảo thủ hiện là ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống. Theo giới quan sát, nếu ông Jalili giành chiến thắng, thì khó có thể đạt được một thỏa thuận giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran với Phương Tây, bởi điều đơn giản là Đại giáo chủ Khamenei không muốn thay đổi chính sách của Teheran.

Theo giới phân tích, qua cuộc bầu cử này, các cử tri Iran sẽ quyết định ai là người kế nhiệm Tổng thống Ahmadinejad trong nhiệm kỳ 4 năm tới và việc ứng cử viên đó thuộc đảng phái nào có thể không phải là điều quan trọng, mà điều được cử tri tại nước cộng hòa Hồi giáo này mong đợi nhất hiện nay là nhà lãnh đạo mới của họ làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, vốn đang xuống dốc trầm trọng do các biện pháp trừng phạt của Phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Quốc Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *