Do tuổi đã cao, nên cũng lâu lắm rồi bà Hai Liên mới có dịp về thăm quê ngoại ở Vĩnh Xuân. Tuy sinh ra ở Tam Ngãi, nhưng phần lớn tuổi thơ của bà lại gắn bó với vùng đất này. Những bước chân trên con đường làng như đưa bà về vùng kỷ niệm xa xưa. Ngày ấy, bà và các anh em cùng trang lứa trong thân tộc đã được ông ngoại cho đi học ở trường tiểu học La Ghì. Ông ngoại cũng là người dìu dắt bà vào con đường đấu tranh cách mạng. Mới 13, 14 tuổi, bà đã tham gia rải truyền đơn, biểu tình. Lần đầu tiên được cất tiếng hát, hát vang bài Quốc Tế Ca khi tham gia một cuộc mít tinh, lòng bà nôn nao dâng tràn một cảm xúc khó tả.

Ngoại bà đã mất gần 70 năm, nhưng tình cảm và sự biết ơn mà bà dành cho ông vẫn luôn sâu nặng trong lòng. Ngoại bà chính là ông Nguyễn Ngươn Hanh, hay còn gọi là Xã Trinh, là một trong những đảng viên đầu tiên trong vùng. Với tài hốt thuốc trị bệnh và ăn nói khéo léo, ông đã tuyên truyền và giác ngộ nhiều người tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng, trong đó có các con cháu của ông. Do những hoạt động chính trị của mình, ông bị địch bắt lưu đày và hy sinh nơi ngục tù Côn Đảo năm 1942. Bà rất nhớ những lần cùng ông tham gia đấu tranh và nghe ông diễn thuyết. Ở nhà ông ngoại bà khi xưa, bà đã đọc được rất nhiều sách báo chính trị và trực tiếp gặp nhiều cán bộ cách mạng như ông Tạ Uyên, ông Quản Trọng Hoàng, bà Ngô Thị Huệ v.v… Điều đó càng thôi thúc bà quyết dấn thân vào con đường cách mạng, góp phần giải phóng quê hương.

Từ đó, bà rời xa mảnh vườn quê ngoại với bao cây trái ngọt lành, tạm biệt trường học với nhiều kỷ niệm tuổi thơ để làm nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức. Bước chân bà đã xuôi ngược khắp miền Tây Nam bộ, đến thành phố Sài Gòn với những nhiệm vụ khác nhau theo những khúc quanh cũng như những cao trào của lịch sử. Trong quãng thời gian đó, bà đã trải gần 10 năm phải sống kiếp lao tù. Cậu bà là ông Nguyễn Thành Thơ, cùng em ruột bà là Nguyễn Thành Chấn và em họ Nguyễn Tấn Liềng về sau đều trở thành những cán bộ lãnh đạo của phong trào cách mạng tỉnh nhà.

Ngày thoát ly tham gia công tác cách mạng, tuổi bà mới tròn 15. Trải qua nhiều chuyến giao liên ở xã, huyện, sau đó bà được phân công làm liên lạc cho đồng chí Quản Trọng Hoàng – Bí thư Liên Tỉnh uỷ Cần Thơ. Ít lâu sau, bà được đưa về hoạt động cùng bà Ngô Thị Huệ ở xã Trà Côn. Bà Ngô Thị Huệ, thường gọi là bà Bảy Huệ, là vợ của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau đó, do bị lộ, nên tổ chức rút bà về cơ quan liên tỉnh uỷ ở Hoà Hiệp – Tam Bình làm nhiệm vụ in ấn và công tác giao liên. Lúc này, ông Tạ Uyên được cử về chỉ đạo phong trào cách mạng ở Vĩnh Long. Ông đã nhận bà làm con nuôi. Khi ông Tạ Uyên được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ, bà Hai Liên theo ông về Sài Gòn làm nhiệm vụ giao liên. Chính bà là người đã nhận lệnh khởi nghĩa cuối cùng từ tay người cha nuôi mang đến hai điểm hẹn ở Long An và Vĩnh Long. Đó là một dấu ấn mà bà không thể nào quên. Lúc đó, bà cũng chỉ mới 17 tuổi.

Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, ông Tạ Uyên bị bắt và hy sinh trong tù. Cuối năm 1941, bà Hai Liên cũng sa vào tay giặc khi hoạt động ở thị xã Rạch Giá. Năm đó, bà cũng chỉ mới 18 tuổi. Tuổi xuân của bà trôi qua trong 4 bức tường nhà giam lạnh lẽo. May mắn thay, nơi đây bà được gặp các bậc đàn chị như bà Ngô Thị Huệ, bà Nguyễn Thị Hồng, bà Phan Thị Tốt… Nhà tù đã trở thành trường học giúp bà ngày càng trưởng thành hơn. Bà luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc rất tận tình của các chị và đó cũng là những kỷ niệm đẹp mà bà luôn ghi khắc trong lòng.

Nhật đảo chính Pháp tạo nên tình hình rối ren, bà cùng các chị em nhân cơ hội ấy vượt khám trở về với đồng bào đồng chí thân thương. Sau đó, bà tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Cầu Kè. Kết thúc đấu tranh giành chính quyền, bà trở về xã Vĩnh Xuân tổ chức được một đội nữ dân quân, ngày đêm luyện tập hăng say. Không lâu sau, bà lại được Huyện uỷ rút về công tác trong Mặt trận Việt Minh cuả huyện Cầu Kè.

Khi người dân Nam bộ với gậy tầm vông, giáo mác lên đường quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp trở lại xâm lược, bà cũng ra đi theo tiếng gọi non sông. Nơi nào được phân công là bà có mặt. Từ công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh Cần Thơ, đến Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu…

Khi chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm được thiết lập, bà được bố trí ở lại công tác ở đô thành Sài Gòn. Năm 1957, bà làm Bí thư Chi bộ Chợ Cầu Ông Lãnh. Sau 2 năm, bà lại trở về Rạch Giá, công tác trong Ban Phụ vận, mở lớp đào tạo cán bộ phụ nữ ở địa phương để chuẩn bị cho phong trào đồng khởi năm 1960.

Cũng trong thời gian này, khi tuổi không còn trẻ, bà xây dựng gia đình với người đồng chí là ông Trương Minh Cảnh, Tỉnh uỷ viên – Trưởng Ban Nông hội Tỉnh uỷ Rạch Giá. Năm 1963, bà sinh người con gái duy nhất của mình và cũng cuối năm đó, chồng bà hy sinh. Bà vừa công tác vừa nuôi con trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ. Nợ nước thù nhà quằn nặng hai vai người phụ nữ bé nhỏ, bà đành gởi con cho người thân để yên tâm công tác.

Những chiếc áo len là kỷ vật còn lại của 5 năm chốn lao tù Mỹ – nguỵ. Đó là khoảng thời gian từ năm 1969 đến 1974, suốt năm năm dài bà đã bị địch đày qua các nhà tù từ Vĩnh Long đến Cần Thơ rồi Trà vinh. Dù kẻ thù dùng đủ cực hình tra tấn tàn bạo lẫn những thủ đoạn dụ dỗ chiêu hồi, bà vẫn bền gan chịu đựng, giữ vững tấm lòng sạch trong như đoá sen hồng, giữa bùn nhơ vẫn toả hương thơm ngát. Năm 1974, bà được trả tự do. Sau khi ra tù với thân thể hoàn toàn suy nhược, bà được Tỉnh uỷ cho đi trị bệnh đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau khi bình phục, bà về công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, phụ trách công tác lịch sử. Cho đến năm 1989, bà mới nghỉ hưu. Với những đóng góp trong quá trình hoạt động cách mạng liên tục từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm chống đế quốc Mỹ và xây dựng quê hương, bà Nguyễn Thị Liên đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quí cùng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

Năm nay, với 85 tuổi đời, bà đã có 67 tuổi Đảng. Trong ngần ấy thời gian, từ thân phận một người phụ nữ sinh ra trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến luôn bị chà đạp, rẻ khinh, bà đã chiến đấu để khẳng định chỗ đứng của chính mình, cũng là để góp phần giải phóng phụ nữ, giải phóng quê hương. Bà có quyền mãn nguyện về những gì đã làm, đã cống hiến trong cuộc đời của mình.

Bà là tấm gương về sự lạc quan yêu đời, luôn vượt qua bệnh tật, sống vui sống khỏe với một chế độ luyện tập và ăn uống điều độ. Bây giờ ở tuổi về chiều, bà không mong gì hơn được nhìn thấy một xã hội thật sự dân chủ và văn minh, mọi người dân đều ấm no hạnh phúc, các cháu nhỏ ai cũng được học hành. Vì đó là lý tưởng mà bà đã khát khao và dấn thân tranh đấu từ ngày tuổi mới 15.

Hiện nay, bà sống cùng gia đình con gái ở Phường 2 – Thị xã Vĩnh Long. Đó chính là niềm an ủi lớn của cuộc đời bà. Ngoảnh lại chặng đường bà đã đi, thấy có biết bao điều để nhớ. Có khi là niềm vui hạnh phúc, cũng có lúc là mất mát đau thương. Tất cả vẫn được bà ghi khắc trong lòng như một phần tất yếu của cuộc sống. Thế hệ những người cao tuổi như bà đã sống thật xứng đáng với quê hương. Họ luôn là tấm gương về cách sống đầy cống hiến, dấn thân, một tấm lòng vì quê hương đất nước. Chúng ta cầu mong cho bà luôn mạnh khoẻ để tận mắt nhìn thấy những thành quả về xây dựng một xã hội tốt đẹp mà bà từng mơ ước, khát khao…

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *