Thời cơ ấy đến trong mùa thu năm 1945, và đã được tận dụng triệt để. Chỉ một lực lượng nhỏ, chỉ cần dùng uy thế của quần chúng cũng lấy được chính quyền, khai tử chế độ phong kiến, nô lệ, xây dựng nền cộng hòa dân chủ. Một sự kiện vĩ đại trong vài ba sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử ngàn năm của dân tộc.

Điều lạ lùng là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đoán biết được thời cơ này từ nhiều năm trước. Đoán một cách chắc chắn, cụ thể, không chỉ bằng lời nói, mà bằng bút mực, giấy in hẳn hoi.

Đó là cuối năm 1941, chiến tranh thế giới đang tràn lan, châu Âu, châu Phi bị quân Đức, Ý giày xéo. Châu Á- Thái Bình Dương quân Nhật đang thắng thế quân Anh, Mỹ. Trung Quốc khói lửa mù mịt. Đông Dương đã rơi vào tay Nhật. Trong tình hình ấy, lãnh tụ Hồ Chí Minh vào ngày năm mới 1/1/1942 đã có một nhận định táo bạo, thiên tài: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh-Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho tổ quốc ta được độc lập tự do.”

Trong lúc ấy mà đoán được kết cục chiến tranh đâu phải dễ. Và phải nói là rất thiên tài khi thấy đó là một cơ hội cho dân tộc. Cụ thể hơn nữa, vào tháng 10/1944, vừa ra khỏi nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc trở về, Người chỉ rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong một năm, hoặc năm rưỡi nữa.”

Thực tế lịch sử đã diễn ra, cơ hội đến sau đó đúng một năm!

Điều lạ lùng hơn nữa là vào năm 1942, khi viết “Lịch sử nước ta” lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ấn định được ngày Việt Nam độc lập. Đây là một cuốn lịch sử bằng thơ lục bát, do Việt Minh tuyên truyền Bộ ấn hành 2/1942.

Cuốn sách được mở đầu:

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Kể năm hơn bốn nghàn năm
Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa…

Sau đó tác giả nhắc đến các sự kiện, các nhân vật lịch sử kể từ Hùng Vương, Thục Phán đến Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi… đến Nguyễn Huệ, Hoàng Hoa Thám… Những sự kiện lịch sử gần nhất được nhắc đến là:

Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An
Hai lần khởi nghĩa tiếng vang toàn cầu
Nam kỳ im lặng đã lâu
Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây

Sau khi tóm tắt lịch sử nước nhà, tác giả kêu gọi:
Chúng ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh
Mai sau sự nghiệp hoàn thành
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng

Điều kỳ lạ nhất của cuốn lịch sử mà chúng tôi muốn nói đến nằm ở phần phụ lục ghi chú “Những năm quan trọng”. Tác giả đưa ra 30 cái mốc quan trọng:

Trước tây lịch:

– 2879 Hồng bàng
-111 Tàu lấy nước ta lần đầu

Sau tây lịch:

– 40 Hai Bà trưng đánh Tàu
– 248 Bà Triệu Ẩu khởi nghĩa
– 554 Vua Lý đánh Tàu
– 608 Tàu lấy nước ta
– 939 Vua Ngô khởi nghĩa
– 968 Đời Đinh (12 năm)
…………………………………………….
– 1794 Gia Long thông với Tây
– 1893 Ông Phan Đình Phùng khởi nghĩa
– 1940 Bắc Sơn và Đô Lương khởi nghĩa
– 1941 Nam kỳ khởi nghĩa
– 1945 Việt nam độc lập

Nhận định “Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh-Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua” trong lúc cục diện chiến tranh đang nghiêng hẳn về phe phát xít thể hiện một lòng tin, một cái nhìn sáng suốt về sự phát triển của lịch sử, hay như ta vẫn nói, về “thế lớn trong thiên hạ”. Làm được điều này đã là thiên tài, nhưng chưa làm cho người đời sau kinh ngạc bằng việc nói lên một điều cụ thể.

Năm 1942 đen tối nhường ấy mà ấn định được cái mốc “1945 Việt Nam độc lập” thì quả là thiên tài.

Theo Hoàng Hoa (CôngThương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *