Đánh giá hiệu quả việc lưu thông tiền kim loại, thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Văn Giàu nói: “Nói chung không đạt hiệu quả”. Từ đánh giá này mà NHNN ngưng phát hành thêm tiền kim loại.

Ông Giàu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tiền kim loại khi sử dụng không đạt hiệu quả, là do hệ thống bán lẻ tự động chưa phát triển. Điều này hoàn toàn đúng, bởi các máy bán hàng tự động mới được triển khai ở mức độ thử nghiệm.

Khó khẳng định vòng đời của tiền kim loại có kéo dài thêm nếu có hệ thống bán hàng như vậy trên toàn quốc. Ở góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ ở quận Tân Bình nói: “Hai năm nay tôi hầu như không dùng đến tiền xu lẻ từ 500 đồng trở xuống nữa, vì loại tiền này rất khó xài, chỉ có dùng ở siêu thị”.

“Thậm chí, có nơi đề nghị đổi tiền khác”, bà Tuyết kể.

Trước đây, các tiệm tạp hoá ở chợ vẫn có thói quen đổi tiền lẻ mỗi ngày, 100.000 đồng còn 98.000 đồng để có tiền trả lại cho khách. Nhưng theo bà Nguyệt, bán hàng ở chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình thì: nhiều khách không chịu lấy tiền lẻ vì sợ mất, nên thay vì trả lại thì kiếm món gì đó kèm thêm cho họ. Vậy nên những sạp có tiền xu, nhất là xu mệnh giá nhỏ cất giữ lại thì mang đi đổi lại còn phải chịu thiệt khoảng 3% giá trị.

Big C là siêu thị đi đầu thực hiện đổi tiền lẻ do khách hàng mang lại với mức phí 1% để đáp ứng nhu cầu cần có bình quân 100 triệu đồng tiền lẻ/tuần/siêu thị (loại từ 5.000 đồng trở xuống). Các siêu thị khác như Co.opmart, Maximark, Citimart… cũng đang lâm vào tình trạng thiếu từ 100 – 350 triệu đồng tiền lẻ/tuần và họ phải chạy vạy đổi tiền từ: các ngân hàng, kho bạc Nhà nước, bãi giữ xe, công ty xổ số kiến thiết… Nhưng số lượng không đủ, nên vẫn phải trả lại tiền thừa bằng kẹo.

Ông Giàu không nói rõ thời điểm ngưng phát hành, nhưng nhìn chung, tuổi thọ tiền kim loại lưu hành trên thị trường chưa quá sáu năm, kể từ cuối năm 2003, Nhà nước đưa vào lưu thông tiền kim loại ở năm mệnh giá. Điều này đã triệt tiêu hoàn toàn lợi ích khi chuyển sang dùng tiền kim loại. Theo tính toán của ngân hàng Trung ương, trong dài hạn, chi phí phát hành tiền kim loại mệnh giá 200 đồng, chỉ bằng 1/6 chi phí in tiền giấy cùng mệnh giá. Được biết là tuổi thọ tiền giấy là hai năm, trong khi tuổi thọ tiền kim loại, như thống đốc Lê Đức Thuý cho biết trên báo Tuổi Trẻ ngày 28.11.2003 là 15 năm. Nghĩa là, tiền kim loại nếu đi hết 15 năm vòng đời, mới cho lợi ích kinh tế như vậy.

Trong một lần tiếp xúc cử tri Bình Dương vào năm 2006, thống đốc ngân hàng Nhà nước cho biết, số tiền kim loại đã đúc là một tỉ miếng, với tổng mệnh giá tương đương 1.740 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông không cho biết chi phí mỗi miếng là bao nhiêu. Tính đến cuối tháng 10.2005, đã lưu thông được 420 triệu miếng.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *