Chiều 2/11, vùng tâm bão Mirinae đổ vào chân đèo Cả, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa; gây mưa to ở Bình Định và Tây Nguyên như Đăk Lăk, Gia Lai; làm sập, tốc mái hàng trăm ngôi nhà.

Tại Tuy Hòa gió giật cấp 11, mưa lớn với lưu lượng trên 100 mm, theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên. Nhiều nhà tốc mái, đồ đạc trong nhà trôi theo dòng nước xối xả. Ngoài đường cây cối ngã đổ hàng loạt, nhiều nơi bị đứt đường dây điện.

Có lẽ Phú Yên là tỉnh có nhiều thiệt hại nhất. Ước tính sơ bộ, tỉnh này có 2 người chết, hàng loạt căn nhà bị sập, tốc mái, cây cối và trụ điện đổ, hoa màu chìm trong biển nước.

Trao đổi với PV, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên Biện Minh Tâm cho biết: "Do mất điện trên diện rộng, toàn địa bàn gồm các huyện, xã tại tại Phú Yên đều bị mất liên lạc. Vì vậy, tỉnh chưa thống kê được chính xác con số thiệt hại do bão gây ra".

Theo ông Tâm, số lượng nhà bị tốc mái, hư hại nặng trong bão rất lớn. Nhiều hecta hoa màu bị nhấn chìm trong biển nước, cây cối, trụ điện giao thông gãy đổ hàng loạt.

Đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tại Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 11, các chuyến bay trong ngày 2/11, trên đường bay Hà Nội – Tuy Hòa – Hà Nội đã bị hủy. 48 hành khách đã mua vé được Vietnam Airlines trả lại tiền hoặc bố trí đi chuyến bay liền kề. Các chuyến bay tuyến Tuy Hòa – TP HCM vào ngày 3/11 cũng sẽ bị hủy nếu thời tiết không xấu.

Cây ngã đổ hàng loạt, gây ách tắc giao thông tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Kiều Mi.

Cùng thời điểm này, tỉnh Bình Định có mưa to trên diện rộng, gió giật cấp 8-9, cây và nhà đổ rất nhiều song chưa thể thống kê được. Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định, vì là vùng tâm bão đi qua nên địa phương đang chịu sự tàn phá dữ dội.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, sáng 2/11, anh Hồ Việt Thôi, 27 tuổi, ở khu vực 2, phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn và 3 ngư dân khác đi trên 4 thuyền thúng ra biển vớt lưới.

Do gió bão, thuyền thúng của anh Thôi bị sóng cuốn ra biển, cách bờ khoảng 500 m. Ba người còn lại đã vào được bờ an toàn và báo cáo với cơ quan chức năng. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã dùng phương tiện cứu hộ để ứng cứu anh Thôi. Tuy nhiên, mọi nỗ lực ứng cứu vẫn chưa thể tiếp cận để đưa nạn nhân vào bờ.

Một tàu cá với 5 ngư dân khác cũng bị sóng đánh trôi dạt mất tích. Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định dự định dùng tàu cứu hộ trang bị rada để tìm kiếm.

Thống kê sơ bộ, đến chiều tối nay, Bình Định có 2 người bị thương, 17 nhà sập hoàn toàn, gần 170 căn hư hỏng nặng, trạm y tế Phù Mỹ cũng bị bão phá tan hoang, 26 phòng học bị tốc mái. Ngành nông nghiệp cũng gồng mình chịu bão với 830 ha lúa chìm trong biển nước, 60 ha hoa màu xem như mất trắng. Ngoài ra, tỉnh này bị hỏng gần 1.000 m đường giao thông và sạt lở hơn 2.800 m3 đất đai, đường xá.

Tại xã Đại Lãnh, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, khu vực giáp Phú Yên ở phía Nam đèo Cả, mưa to, gió giật cấp 6. Tổ trưởng Phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Kim Hòa cho biết, tàu thuyền và người dân khu vực này đã được di tản kịp thời, một số nhà lụp sụp bị sập và tốc mái. Ông Hòa lo ngại vào tối nay khi lũ trên núi xả xuống, triều cường lại dâng lên thì nguy cơ bị lũ tấn công rất lớn.

Chiều tối 2/11, tỉnh Khánh Hòa có 5 người bị thương, 17 căn nhà sập, 115 căn nhà bị tốc mái, 2.533 hộ dân phải di dời khỏi vùng tâm bão trên tổng số 9.673 người, thuyền bị hư hỏng 1 chiếc. Đến 19h tối tỉnh vẫn còn mưa lâm thâm.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến 16 giờ ngày 2/11, tỉnh vẫn còn 199 tàu thuyền với 1.845 lao động vẫn còn hoạt động trên biển ở các khu vực: vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển phía Bắc, phía Nam. Số tàu thuyền này đang vào nơi trú bão.

Các bảng hiệu ngã đổ trước những cơn gió giật mạnh. Ảnh: Kiều Mi.

Cùng ngày, các địa phương huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, huyện đảo Lý Sơn và huyện miền núi Ba Tơ đã sơ tán gần 589 hộ dân với hơn 2.888 nhân khẩu, ra khỏi vùng sạt lở ven sông, vùng nguy hiểm do sạt lở núi và bị đe dọa bởi triều cường, đến nơi ở an toàn.

Tại Quảng Ngãi, chiều 2/11 mưa lớn ở các huyện miền núi, trung bình 130-150 mm. Gió mùa cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, vùng ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mực nước ở các sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ đều trên mức báo động 3 (mức báo động nguy hiểm) 0,4-0,8 m.

Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Nhi cho hay sáng mai lưu vực hai sông Trà Bồng, Trà Khúc sẽ có lũ lớn, xấp xỉ mực nước của cơn bão số 9 vừa qua. Giao thông từ trung tâm huyện đến các xã tê liệt khoảng 50%, do cơn bão số 9 vừa qua, tỉnh chỉ mới khắc phục tạm thời, nên không tránh khỏi sạt lở khi tiếp tục hứng bão.

Hoàn lưu ban đầu của bão Mirinae sau khi đổ bộ vào 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đã chuyển dần lên các tỉnh Tây Nguyên, gây mưa to, gió lớn nhiều nơi. Tại hai tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk trưa 2/11 bắt đầu có mưa, gió mạnh cấp 5. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Buôn Jun, Đăk Lăk cho biết, ông đã phải cho toàn bộ học sinh nghỉ tiết cuối cùng để kịp về nhà tránh bão. "Mưa gió tối trời tại vùng cao này nên để các em đi lại vào chiều tối muộn rất nguy hiểm", hiệu trưởng này miêu tả.

Trong khi đó, dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, bão Mirinae đổ bộ vào đất liền sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Khoảng 22h ngày 2/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực các tỉnh Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (tức từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *